Bữa giờ cộng đồng mạng đang phát sốt về cái vụ nam thanh niên đi mua bánh mì bị phạt với lý do cán bộ ở đấy nói rằng “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”. Vậy đâu mới là mặt hàng thiết yếu?

>>> Nam thanh niên ra ngoài mua bánh mì bị xử phạt: Sững sờ khi nghe tin bị cho nghỉ việc

Thật ra em nói cho bà con nghe, đúng là ranh giới mua hàng thiết yếu và không thiết yếu nó mong manh lắm, người thừa hành thường theo cảm tính mà hành xử. Nay từ vụ việc này đã gây ra làn sóng tranh cãi, dẫn đến việc tối qua Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa nơi nam thanh niên đi mua bánh mì bị phạt phải ra văn bản hướng dẫn.

hình ảnh


Ảnh chụp nam thanh niên đi mua bánh mì bị phạt. Nguồn: VOV. 

Theo đó, hàng hóa thiết yếu bao gồm:

- Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).

- Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, nước uống, nước ngọt đóng chai, thùng, lon.

- Lương thực: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột).

- Thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh.

- Khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.

- Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông như xăng dầu, gas, khí đốt và các nguyên, nhiên liệu khác phục vụ sản xuất, đời sống như dịch vụ cung cấp điện, nước.

- Thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Sau hướng dẫn, Sở Công Thương còn đề nghị các đơn vị nghiên cứu triển khai áp dụng thực hiện trên địa bàn.

Theo hướng dẫn này, bánh mì được làm từ tinh bột và nó được xem là mặt hàng thiết yếu. Do vậy, lý lẽ mà cán bộ này đưa ra chưa chuẩn xác. Về phần cán bộ đưa ra lý lẽ này, hiện đang bị xem xét kỷ luật vì hành vi ứng xử với người dân thiếu chuẩn mực khi thi hành công vụ. Hình thức kỷ luật như thế nào vẫn chưa có thông tin, nhưng địa phương này đã phân công người khác phụ trách thay vị cán bộ này.

Liên quan đến vụ việc nam thanh niên đi mua bánh mì bị phạt, nếu công bằng mà nói, cả nam thanh niên và vị cán bộ có lý lẽ nêu trên đều sai.

Chắc bà con đọc tới đây thấy ngộ rồi bức xúc đúng không? Nhưng từ từ, bình tĩnh để em giải thích nè.

Khánh Hòa đã áp dụng Chỉ thị 16 kể từ ngày 09/7/2021 đối với một số địa bàn, trong đó có thành phố Nha Trang, có phường Vĩnh Hòa nơi nam thanh niên đi mua bánh mì bị phạt. Theo đó yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà, chỉ được ra ngoài để mua lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác. Các hàng quán ăn uống, buôn bán không thiết yếu trên địa bàn đều đã đóng cửa, ngay cả việc bán mang đi cũng không được phép.

Trước khi áp dụng lệnh giãn cách này, thành phố Nha Trang đã xây dựng kế hoạch cấp thẻ đi chợ 3 ngày/lần, người dân cần tính toán nhu cầu sử dụng của mình và gia đình cho phù hợp để đi chợ. Ngoài chợ, thì các điểm mua lương thực, thực phẩm thiết yếu mà người dân có thể đến là siêu thị, cửa hàng thực phẩm… Nếu chưa có phiếu đi chợ thì người dân và người lao động, sinh viên trên địa bàn sẽ liên hệ phường, tổ dân phố để nhận. Vì thế, việc nam thanh niên này đang ở nơi làm việc ra đường mua bánh mì, nước uống là không đúng quy định.

hình ảnh


Ảnh trái: Ảnh minh họa. Nguồn: VTC News. Ảnh phải: Công văn hướng dẫn mặt hàng thiết yếu của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa. Nguồn: Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa. 

Tuy nhiên, thái độ ứng xử và việc phạt nam thanh niên của cán bộ cũng chưa đúng mực. Do vậy, sau vụ việc đã có chấn chỉnh về cách làm việc của cán bộ, đồng thời tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân, chỉ xử lý mạnh tay đối với các trường hợp chống đối và cố tình vi phạm.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa có hơn 500 ca nhiễm bệnh. Đứng trước bối cảnh số ca nhiễm mỗi ngày tăng cao, Bắc Giang, Bắc Ninh rồi TP.HCM là bài học cho các tỉnh trong công cuộc kiểm soát tình hình lúc này. Đáng lo nhất là tại các thành phố lớn, đã xuất hiện các chuỗi lây nhiễm tại nơi làm việc, cảnh báo chủ doanh nghiệp cần chú ý trong công tác quản lý.

Hiện địa bàn TP.HCM đã áp dụng quy định cho phép người lao động làm việc tại công ty nếu nơi đó thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện: 1 là ăn ở tại chỗ và 2 là chỉ duy nhất cung đường từ nơi làm đến nơi ở (nơi ở là ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung). Việc ra quy định như vậy nhằm mục đích sớm kiểm soát và khống chế tình hình lây nhiễm hiện nay.