Người Việt mình có rất nhiều tấm gương tài giỏi, đi lên từ bàn tay trắng, vượt gia cảnh khó khăn để rồi trở thành những ông bà chủ lớn. Hành trình khởi nghiệp của họ sẽ là động lực để các bạn trẻ noi theo.

Như câu chuyện của anh Phạm Văn Dũng, ở quận 8 mà tôi đọc được trên trang VNE vào tháng 8 năm ngoái. Giờ thấy mọi người hay than thở tình hình làm ăn khó khăn, tôi nhớ lại hành trình của anh Dũng và thấy khá hay, như một bài học cho mọi người nên hôm nay tôi quyết định chia sẻ lại. Anh này từng trải qua những ngày tháng đầy gian nan vất vả. Ba mươi năm trước, anh theo cha vào miền Nam, làm việc tại một công ty vận tải.

Khi đó, chàng trai 17 tuổi "không đọc được con số, còn viết thì thường xuyên sai chính tả" nên chỉ xin được làm bốc vác. Nhìn thấy tương lai chỉ có thể bán sức, anh đi mua sách về tự học, hàng ngày, cứ hết giờ làm là ngồi tập viết, tập đọc và học lại bảng cửu chương.

hình ảnh

Anh Dũng (ngoài cùng, bên phải) (Ảnh: VNE)

Khi đã nhớ lại mặt chữ, Dũng chuyển sang đọc báo và thấy tầm nhìn của mình được mở mang. Anh nghĩ muốn giàu phải làm chủ và muốn làm chủ thì phải làm thuê, phải tìm nghề để học. Quen một gia đình gốc Bắc làm nghề sản xuất túi xách, thấy hai năm lập nghiệp ở TP. HCM họ đã mua được hai ngôi nhà, Dũng đến xin học việc.

Tuy nhiên, quyết định này của Dũng bị bố phản đối vì không muốn con bỏ "công việc ổn định"."Nếu mày làm thế, đừng nhìn mặt bố nữa!", trong điện thoại, giọng bố anh tức giận. Người con đáp: "Nếu không thành công, con cũng sẽ không về gặp bố đâu", rồi bật khóc.

Ở xưởng sản xuất túi xách, chàng trai háo hức làm mọi việc được giao. Ban đầu anh là chân sai vặt, vất vả nhưng lương thấp. Sau khoảng một tháng, anh được làm chân may phụ. Chỉ trong hai năm làm thuê, Dũng liên tục được "thăng chức" lên thiết kế, người mua nguyên liệu cho đến quản lý tổ hợp.

 Một lần, người anh họ tên Dương đưa cho Dũng mẫu túi nhờ may. Anh từ chối vì cho rằng mẫu này quá khó. Người anh động viên: "Em làm được, cứ thử, cần gì anh hỗ trợ". Lần đầu mang sản phẩm đến, anh Dương khen: "OK rồi, chỉ cần sửa chút".

Sửa xong mang đến, anh họ lại nói: "Ổn rồi, em điều chỉnh chi tiết này là được". Cứ như vậy, đến lần thứ 8 Dũng mới may được cái túi đạt yêu cầu. Anh Dương tiếp tục đặt anh Dũng chỉ đạo công nhân sản xuất 800 chiếc.

 Chàng quản lý trẻ lại không dám nhận bởi nghĩ "công nhân của em không làm được". Nhưng cuối cùng, Dũng vẫn hoàn tất đơn hàng và được đặt hàng thêm 1.000 sản phẩm. "Lúc này, anh Dương bảo với tôi: Khi chưa thử, em đừng nghĩ mình không làm được. Em cũng đừng nghĩ việc mình làm được, người khác không làm được", Dũng nhớ lại bài học nhận được năm 24 tuổi.

Có tay nghề ổn định, vợ chồng anh Dũng quyết tâm tách ra lập nghiệp, họ mở một xưởng may nhỏ, chỉ có năm người, chuyên may túi xách nữ. Sau một năm, anh mua được căn nhà với giá 20 cây vàng. Có điều, thị trường của anh chỉ ở các chợ, sản phẩm bán ra không nhãn mác, không số điện thoại, địa chỉ nơi sản xuất.

Dần dần kinh doanh thua lỗ anh Dũng rơi vào khủng hoảng, nợ ngân hàng gần một tỷ, mỗi tháng trả lãi khoảng 20 triệu đồng. Để vực dậy kinh tế, vợ chồng anh mở một cửa hàng văn phòng phẩm cho học sinh trước nhà. Họ làm thêm trà sữa, nổ bỏng ngô... bán cho lũ trẻ. May mắn, những người bạn ở đất Sài Gòn đã chung tay giúp đỡ Dũng, cho anh vay mượn.

Sau khi tổ chức lại sản xuất, sản phẩm của công ty anh đã có tên tuổi, thương hiệu, logo, nguồn gốc xuất xứ và bắt đầu xuất hiện trong các siêu thị, nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm. Các mối khác ở chợ mới cũng dần tin tưởng anh Dũng. Từ năm 2012 trở đi, doanh số của anh Dũng cứ năm sau gấp đôi năm trước.

hình ảnh

(Ảnh: VNE)

Thế rồi dịch dã đến khiến các doanh nghiệp lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng, công ty của anh không ngoại lệ. Mỗi tháng, phải chi khoảng 200 triệu để duy trì doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân nhưng anh tin mình đủ sức cầm cự. "Con người hơn nhau ở ý chí. Tôi tin khi dịch kết thúc mình sẽ lại mạnh mẽ như trước", anh nói.

Lặng nghe câu chuyện của anh Dũng, thật sự quá nể người đàn ông này. Anh đủ cả đức lẫn tài, đủ tư duy và trình độ để làm giàu chân chính dù chẳng có bằng cấp gì trong tay, thậm chí xuất phát điểm của anh còn “thấp” hơn nhiều người, đó là viết đọc không thành thạo.

Thế nhưng anh không nản chí, không chủ quan, cũng không buông bỏ số phận. Anh dám cãi lời cha, từ bỏ một công việc ổn định với mức lương ổn định để đi học nghề. Ngẫm nhiều bạn trẻ bây giờ, mấy ai dám đấu tranh cho ước mơ, mấy ai có chí tiến thủ để lăn xả học hỏi kinh nghiệm. Bây giờ, mới vào làm việc, chịu khổ một chút đã than, sếp gây áp lực tí xíu đã đòi buông bỏ.

Lại ngẫm, người như anh Dũng quả thật không nhiều, nghĩ được đã khó, làm được càng khó hơn. Bởi hành trình làm giàu chưa bao giờ là dễ dàng. Người ngoài nhìn vào chỉ thấy anh Dũng có tiền, có xe, có nhân công lao động… chứ họ đâu thấy được mồ hôi, nước mắt và cả những đêm mất ngủ triền miên, thậm chí những tháng ngày sống trong nơm nớp lo sợ của gia đình anh.

Tuy nhiên, làm giàu là quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và ý chí hơn người. Nhờ có những người như anh Dũng, xã hội này mới khá lên được. Bởi nếu ai cũng an phận, cũng chấp nhận một cuộc sống tạm bợ thì làm sao biết được bản thân mình phi thường đến mức nào.

Quan trọng nhất, sự vươn lên của anh không chỉ giúp anh đổi đời, cho vợ con có cuộc sống tốt đẹp hơn mà anh còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển.

Tôi nghĩ các bạn trẻ bây giờ nên nhìn anh để học cách cố gắng, dẫu biết khởi nghiệp không phải là một chuyện dễ dàng, cần phải lăn lộn rất nhiều trong xã hội, nhưng nếu có quyết tâm lập nghiệp thì đừng chê bai những công việc chân tay, đừng sợ bị người khác “chỉ trích” hay “giáo huấn”.

Hãy bắt đầu với những công việc liên quan đến năng lực của mình, tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị thật kĩ và thật nghiêm túc với nó, có vậy thì thành công sẽ tìm đến bạn.