“Dưa chín ép thì không ngọt”, trẻ dưới 2 tuổi dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi bị ép buộc làm điều vượt quá tuổi.

Cha mẹ luôn đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, mong con nổi bật, chiến thắng ở vạch xuất phát. Nhiều người thậm chí khoe con 1 tuổi đã biết thế này thế nọ, vẽ ra đủ thứ. Ủa alo, con còn nhỏ xíu, còn chưa biết gì mà đã ép con làm đông làm tây rồi đi khoe, mẹ gì kỳ ghê.

Trẻ con thì nên học cái mới theo đúng lứa tuổi. Tuổi nào thì việc đó, chứ cứ cố dạy con sớm để khoe con phát triển nhanh hơn các bạn, có ngày con sẽ bị bóng đen tâm lý đó mẹ. Dưới đây là 7 việc không được ép con làm trước 2 tuổi, nếu không, tâm lý con bất ổn là mẹ hối hận đó.

Buộc trẻ chia sẻ

Nhiều mẹ vì thể diện nên rất hay dạy con ngoan, phải biết nhường đồ chơi cho bạn. Không nhé các mẹ, không được ép con nhường đồ chơi, chia sẻ một cách vô lý. Nếu các mẹ ép bé chia sẻ đồ đang chơi với các bé khác thì lúc này bé sẽ cảm thấy rất bất an, ức chế và trở nên cáu kỉnh, nhạy cảm dễ khóc.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: sina

Chưa hết, đứa trẻ lúc nhỏ hay phải chia sẻ, nhường đồ chơi, lớn lên thường dễ dãi, cả nể, nghe lời người khác. Dù việc mình không thích cũng không dám từ chối, toàn phải sống theo sắc mặt người khác, khổ chưa.

Buộc con phải dũng cảm

Cảm giác an toàn rất quan trọng trong quá trình lớn lên của trẻ. Với lại, người nào chẳng có nỗi sợ, người lớn còn sợ mà trẻ con sợ thì bảo con “dũng cảm lên”, thấy ngộ quá chừng. Trẻ 2 tuổi trở xuống chưa đủ phát triển hoàn thiện trí não, con sợ bóng tối hay con gì đó là bình thường. Cho nên đừng bắt con mạnh mẽ, bảo con đừng sợ, chỉ càng khiến con thấy bất an.

Bắt con phải thể hiện

Một số phụ huynh rất thích khoe con, mới mấy ngày tuổi đã khoe đủ kiểu. Lúc trước em còn xem trên trang nước ngoài thấy có mẹ khoe con 3 tháng đã biết ngồi. Chẳng ai khen, còn vào bảo đưa đi khám ngay. Chưa kể, một số bé cảm thấy mắc cỡ, khó chịu khi mẹ ép con thể hiện tài năng trước mặt đông người. Hành vi như vậy rất tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ.

Buộc học các môn văn hóa quá sớm

Các mẹ nghĩ sao nếu thay tất cả đồ chơi của con nhỏ 1 tuổi bằng sách để con được bao bọc bằng tri thức. Thấy vô lý ghê luôn, tới quyền được chơi đồ chơi mà con cũng không có cơ hội, chỉ vì kỳ vọng huấn luyện con thành thần đồng của cha mẹ.

Với trẻ dưới 2 tuổi, suy nghĩ của trẻ còn tương đối đơn giản, khả năng tiếp nhận chưa mạnh mẽ, học cho lắm cũng không đạt yêu cầu. Thậm chí còn gây cho con cảm giác không thích học, sau này lớn lên sẽ rất ghét việc học.

Buộc con phải chào

Trẻ em dưới 2 tuổi cũng đã có ý thức bảo vệ bản thân, sẽ thấy sợ, khóc và cự tuyệt thì người lạ bế, nựng bé. Ở giai đoạn này, thường con chỉ thân thiết với cha mẹ, ông bà ở cùng con trong nhà. Khi cha mẹ yêu cầu con phải chào hỏi, trong đầu con sẽ cảm thấy xa lạ, lo lắng: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy người này, cô này nhìn lạ quá”.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: sina

Nếu trẻ bị ép phải chào, trẻ có thể dễ trở nên bồn chồn. Nếu cha mẹ nói rằng con hư, mất lịch sự vì không chào, con sẽ cảm thấy mình không tốt, rất dễ tự ti.

Buộc con phải xin lỗi

Trẻ 2 tuổi còn quá nhỏ để phân biệt đúng sai rõ ràng. Nếu bị ép xin lỗi, con sẽ làm nhưng áp lực và không phục, thấy ấm ức. Chưa hết, sau này con sẽ xem xin lỗi là một cách để thoát tội mỗi khi làm sai. Lời xin lỗi bị lạm dụng nhiều sẽ trở nên rất giả dối, chiếu lệ.

Ép trẻ ăn

Ăn là bản năng của con người, ngay từ nhỏ chúng đã biết đói và cần ăn. Nhưng nếu mẹ cứ theo ép con ăn, dần dần con sẽ đánh mất bản năng đói và muốn được ăn. Ngược lại con sẽ chán ghét việc ăn, không muốn ăn, bỏ ăn.

Tóm lại, sự lớn lên của bé có quy luật riêng, cha mẹ đừng quá vội vàng. Không được tùy tiện ép con trước 2 tuổi làm những việc không phù hợp với sự phát triển. Nuôi con bằng sự kiên nhẫn là điều cha mẹ nên học.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, thông tin tham khảo DDN