Vì dịch dã, Trung thu năm nay không còn rộn ràng, tấp nập như mọi năm. Con nít buồn, người lớn buồn và cả những nghệ nhân làm đèn Trung thu cũng buồn không kém!

Cận kề Tết Trung thu nhưng không khí của nhà bà Nguyễn Diễm Thúy (57 tuổi, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) không còn tất bật, hối hả chạy đơn hàng như mọi năm. "25 năm làm lồng đèn trung thu, tôi chưa bao giờ buồn đến thế! Nay còn cách Trung thu một ngày nhưng chỉ bán được vài chục cái lồng đèn", bà Nguyễn Diễm Thúy tâm sự.

Theo lời bà Nguyễn Diễm Thúy, những năm trước để chuẩn bị cho Tết Trung thu, gia đình phải đặt mua, chuẩn bị nguyên vật liệu từ tháng 3 âm lịch, đến tháng 7 bắt tay vào làm đồ chơi. "Có năm còn làm không kịp để giao hàng, phải huy động cả nhà mới gia công kịp cho khách", bà Nguyễn Diễm Thúy nhớ lại.

hình ảnh

Bà Diễm ngậm ngùi khi đèn trung thu bán ra quá ít (Ảnh: Dân Trí)

Hàng năm, gia đình bà tự sản xuất hơn 6.000 chiếc lồng đèn. Số còn lại bà đặt mua từ Hà Nội gửi vào để đủ nguồn cung cho khách. Lồng đèn do bà Nguyễn Diễm Thúy làm có nhiều mẫu mã đa dạng và kích thước như lồng đèn các con vật (thỏ, cá, mèo, hổ...), lồng đèn con thuyền, lồng đèn ông sao...

Trung bình mỗi chiếc lồng đèn trải qua khá nhiều công đoạn như tạo khung, dán giấy kiếng, vẽ hoa văn, dán lông thú (tùy sản phẩm)... So với lồng đèn điện tử thì lồng đèn thủ công vẫn khá chắc chắn và được nhiều người chọn mua.

Dù mẫu mã thiết kế rất bắt mắt và không "đụng hàng" nhưng do dịch Covid-19 nên trung thu năm nay bà chỉ bán được vài chục cái, trong khi năm trước bà bán được 6.000 cái.

 "Do khá kỳ công nên mỗi người chỉ làm được chừng hơn 10 chiếc/ngày. Lúc vụ cao điểm hầu như gia đình tôi phải thức thâu đêm suốt sáng lắp ráp lồng đèn, trang trí và đóng gói giao cho khách", bà Nguyễn Diễm Thúy nói thêm.

hình ảnh

Công sức thu gom vật liệu ròng rã mấy tháng trời khiến bà tiếc nuối (Ảnh: Dân Trí)

Còn ông Nguyễn Văn Kính (62 tuổi, chồng của bà Nguyễn Diễm Thúy) chia sẻ: "Khách hàng mua lồng đèn truyền thống thường là các trường học hoặc các tổ chức từ thiện mua mặt hàng này tặng học sinh nghèo". Thông thường, ông Nguyễn Văn Kính sẽ phụ giúp vợ ở khâu làm khung chặt tre, vuốt nan làm khung lồng đèn và chở lồng đèn giao cho khách.

Tuy nhiên, mùa Trung thu năm 2021, ông Kính không còn làm các công việc trên mà chuyển sang trực chốt vùng xanh trước khu dân cư. Do dịch bệnh, không được tụ tập, việc tổ chức Trung thu chỉ trong khuôn khổ các gia đình Ông Nguyễn Văn Kính xác định nhu cầu người mua đồ chơi trung thu là rất ít, có làm sẵn để bán cũng chẳng được bao nhiêu.

"Năm nay, không có khách đặt hàng đồ chơi trung thu nên gia đình tôi không sản xuất mặt hàng mới. Số lồng đèn của năm trước còn dư chúng tôi dán kính, vẽ hoa văn thêm rồi ráp lại giao cho khách hàng. Từ đầu mùa đến giờ chỉ bán được hơn 30 cái thôi", ông Nguyễn Văn Kính bộc bạch.

"Bây giờ, đồ chơi nhựa, điện tử tràn lan trên thị trường nên cũng ảnh hưởng nhiều đến niềm đam mê với đồ chơi dân gian của những đứa trẻ. Cộng thêm dịch bệnh suốt hai năm khiến những người thợ làm lồng đèn truyền thống như tôi khá chật vật. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng lan tỏa hình ảnh lồng đèn trung thu dân tộc đến với thế hệ con cháu, gìn giữ nét văn hóa cha ông truyền lại", bà Nguyễn Diễm Thúy bày tỏ.

hình ảnh

Ông Nguyễn Văn Kính xin làm tình nguyện ở vùng xanh (Ảnh: Dân Trí)

Có lẽ chưa năm nào, Trung thu lại buồn như năm này. Không tấp nập xe cộ, không dòng người ngược xuôi, không còn tiếng trẻ con í ới và người lớn cũng không còn tâm trạng tổ chức vui chơi, dù chỉ ở trong nhà, bởi có bao nhiêu việc phải lo giữa mùa dịch dã.

Thế nên, những chiếc lồng đèn bắt đầu nằm chỏng chơ. Những nghệ nhân nhào nặn ra chúng cũng chỉ biết thở dài. Chuẩn bị mua nguyên liệu từ tháng 3 âm lịch, đến tháng 8 âm lịch thì mọi chuyện lại trì hoãn, công sức và tiền bạc xem như tan tành. Bởi mỗi năm chỉ có một lần Trung thu, năm nay thất bát, phải chờ thêm năm nữa.

Lại nói, để theo được những nghề truyền thống, những nghệ nhân phải gồng gánh hết sức mình, sản phẩm làm ra phải cạnh tranh với những mẫu mã hiện đại, giá cả không được quá cao, phải chạy theo thị hiếu của người dân. Sức nhiều, tiền ít nhưng họ vẫn duy trì, âu là bởi họ yêu nghề, thương nghề. Họ không nỡ để tâm huyết của cha ông, của thế hệ trước dần mai một.

hình ảnh

Tất nhiên, những câu chuyện kể trên được người trong nghề tâm sự không phải là than vãn, kêu ca mà để chúng ta cùng nhau thấu hiểu, rằng dịch bệnh đang khiến cuộc sống chậm lại, khó khăn hơn. Nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi niềm tin, mất đi hy vọng.

Thậm chí, những người như ông Kính, dù “thất nghiệp” năm nay nhưng ông không hề bi lụy. Thậm chí ông đăng ký làm tình nguyện viên, canh chốt vùng xanh, góp ích cho đời.

Thôi thì chỉ mong sau cùng, chúng ta lại sẽ có một Tết Trung thu vui vẻ, sang năm sẽ nhộn nhịp hơn, tươi vui hơn, những đèn ông sao cá chép rực rỡ sắc màu, tiếng trẻ con cười nói, tiếng người lớn rôm rả và những nghệ nhân làm lồng đèn lại lấp lánh niềm vui.

Nguồn: Dân Trí