Sau 1 năm bảo lưu kết quả đại học, chàng trai 22 tuổi gặt hái được thành tựu đáng ngưỡng mộ: xây dựng 2 thương hiệu thời trang, là người trẻ tuổi nhất lọt top 200 chủ shop có doanh thu cao nhất trên sàn thương mại điện tử. 

Anh chàng “tuổi trẻ tài cao” đó là Bùi Hữu Nghĩa, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ba năm trước, bạn bè thấy Nghĩa bắt đầu đăng bài bán hàng trên mạng xã hội và nghĩ rằng anh chàng tập tành buôn bán, kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học. 

Nào ngờ, một thời gian sau, mọi người không thấy Nghĩa đến giảng đường. Hóa ra, anh chàng đã quyết định gap year - “năm trống” để thử làm một điều gì mới, tạm bảo lưu việc học ở trường - để kinh doanh. 

Khi bán quần áo trên sàn thương mại điện tử, anh chàng nhận thấy có cơ hội để phát triển công việc kinh doanh khi số đơn hàng tăng đều mỗi tháng, từ vài đơn, đến 30 rồi 50 đơn. Thế là, Hữu Nghĩa quyết định bảo lưu việc học ở trường. 

hình ảnh

(Ảnh VNE)

Dĩ nhiên, nhiều người nhìn vào sẽ cho rằng đây là lựa chọn quá liều lĩnh, thậm chí gia đình của Hữu Nghĩa phản đối rất nhiều. Trong suy nghĩ của nhiều người, con đường lý tưởng vẫn là đi học - tốt nghiệp - tìm việc nhưng chàng trai trẻ lại chọn tạm ngưng việc học, “nhảy cóc” qua kinh doanh. 

"Con đường cũ có bạn bè, nhiều người ủng hộ. Còn con đường mới phải tự mình khai phá, đơn độc, không được ủng hộ và cũng không biết có đúng không", Nghĩa nhớ lại.

Những ngày đầu tập tành kinh doanh online, chàng trai phải tự mình mày mò cách mở gian hàng, đăng bán sản phẩm, giá cả, gói hàng và giao cho khách. Lạ lẫm, vất vả là thế, nhưng khi thấy số đơn hàng tăng mỗi ngày càng khiến Hữu Nghĩa có niềm tin với công việc đang làm. 

Số vốn “khởi nghiệp” của Hữu Nghĩa là 11 triệu đồng. Anh chàng chịu khó tìm kiếm nguồn hàng ổn định, giá rẻ để có lãi nhiều. "Một số người khuyên mình nhập hàng Trung Quốc. Mình xua ngay ý định đó vì nước mình có thế mạnh dệt may sao không tự làm", Nghĩa nói.

Sau hai tháng lùng sục nhiều nơi để tìm nguồn hàng phù hợp, Nghĩa gặp được một chủ xưởng may ở quận Tân Bình, là cựu sinh viên cùng trường, đồng ý nhận các đơn hàng nhỏ với giá như kỳ vọng. "Ban đầu mua được 3 chiếc, 5 chiếc, bạn ấy vẫn chạy xe hàng ngày xuống chỗ tôi lấy. Chỉ vài tháng sau, bạn lấy lên 100 chiếc, có đợt bán được lấy trên 1.000 chiếc", anh Quận (chủ cơ sở phân phối hàng) kể lại. 

hình ảnh

(Ảnh: VNE)

Bắt đầu từ “trách nhiệm hữu hạn một thành viên”, Hữu Nghĩa bắt đầu thuê thêm nhân viên để phụ giúp gói hàng, vận chuyển. Cuối năm 2019, anh chàng bất ngờ lọt top 200 nhà bán hàng có doanh thu trên 250 triệu mỗi tháng. 

Lúc này, nhiều bạn bè cùng lớp đã bất ngờ khi đọc được các bài báo về Hữu Nghĩa với con đường khởi nghiệp thành công. "Sau một năm mất tích, cậu ấy xuất hiện và gây bất ngờ cho tất cả. Khi nhìn lại, em thấy đây đúng là con người của Nghĩa, vì làm hay học cậu ấy đều nghiêm túc và xông xáo nổi bật trong đám đông", một người bạn của Nghĩa chia sẻ.

Không chỉ liều lĩnh dám nghĩ dám làm, Hữu Nghĩa còn nhận ra tầm quan trọng của việc học. Sau một năm gap year để thử sức với kinh doanh, chàng trai trẻ đã quay lại giảng đường đại học. Một năm “lăn lộn” giúp anh chàng có nhiều bài học thực tiễn và trưởng thành hơn, tuy nhiên, kiến thức từ trường lớp cũng quan trọng không kém. Lúc này, Nghĩa đã chuyển từ ngành ngoại ngữ sang Quản trị kinh doanh để có thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc sau này. 

"Mình tâm đắc câu nói của Jack Ma: 'Đừng cố làm người giỏi nhất, mà hãy là người đi đầu'. Bây giờ không phải là thời cá lớn nuốt cá bé nữa, mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Gap year khiến mình bị chậm hai năm học so với tuổi, mình vẫn rất vui vì những trải nghiệm ở tuổi trẻ", Nghĩa nói.

Gap year là một khái niệm quen thuộc với nhiều bạn trẻ, đặc biệt ở các nước phương Tây. Đó là khoảng thời gian mọi người tạm dừng việc học để trải nghiệm thực tế như đi du lịch, trở thành tình nguyện viên, đi làm thêm, học ngoại ngữ… Nếu nhận thức đúng đắn, đây là thời gian tuyệt vời để mỗi người sống chậm lại, nhìn nhận điều gì khiến bản thân say mê và là thế mạnh của mình. 

Như trường hợp của Hữu Nghĩa, sau thời gian 1 năm gap year và thử sức với kinh doanh, anh chàng đã quay lại trường học và quyết định chuyển ngành học vì bây giờ đã biết thế mạnh của bản thân là gì. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng cần gap year vì nếu không cẩn thận và có kế hoạch cụ thể sẽ lợi bất cập hại, vừa phí thời gian, công sức, tiền bạc mà chẳng bổ ích gì.