Đã ly hôn, tiền là vật bất ly thân của phụ nữ. Do đó, trong mắt nhiều người, những bà mẹ nói câu “mang con đi mà không lấy đồng cắt nào” là quá dại dột. Nhưng khoan, có những người lại nghĩ khác.

Trên diễn đàn xứ Trung, có một đề tài sôi nổi được đặt ra cho các bà mẹ như sau: Những ai ly hôn mà nói câu “Tôi sẽ mang con đi mà không lấy của anh đồng xu nào” có phải đang trưng trổ sĩ diện của mình một cách dại dột hay không?

hình ảnh

Hãy nghe xem, người ngoài nghĩ gì khi người mẹ sau khi ly hôn chọn đưa con đi mà không cần đòi hỏi thêm điều kiện vật chất từ chồng mình nhé!

Tài khoản 1:

"Đàn bà như vậy không dại đâu. Có hai lý do chính khiến người mẹ sẵn sàng chọn cách dắt con đi sau khi ly hôn:

1. Tình mẫu tử bao la: Đứa trẻ là máu mủ của chính mình rơi ra, giao cho người khác nuôi thật không yên lòng, càng không muốn để đứa trẻ mất đi tình thương của người mẹ. Chính người mẹ cũng không nỡ rời xa đứa con mình rứt ruột sinh ra nên chỉ có thể mang con đi cùng.

2. Đàn ông không thể làm gương tốt: Khi rời xa người bạn đời, đàn ông sẽ có khoảng thời gian khủng hoảng sau ly hôn, đổ đốn và sa đọa trước khi tìm được người mới. Con cái sống cùng ông bố như vậy sẽ không học được gì. 

Tóm lại, tình mẹ bao la, thà đứt gánh giữa đường còn hơn để con phải chịu thiệt thòi."

Tài khoản 2:

"Nếu mang con theo sẽ vướng víu để tìm con đường mới, người bạn đồng hành mới cũng khó tiếp cận. Đóng cả vai mẹ lẫn vai bố sẽ không hiệu quả. Nếu không phải là người vững vàng về kinh tế, nếu sống ở thôn quê còn xoay sở và nhờ đỡ người quen được nhưng nếu ở thành phố, chi phí sinh hoạt đắt đỏ thì họa may phải vững tâm lý lắm mới trụ được. Nói chung, không nhất thiết phải làm khó bản thân khi còn lựa chọn khác tốt hơn." 

Tài khoản 3: 

hình ảnh

"Bị nói thực dụng cũng được nhưng phải tỉnh táo lên. Nếu một người phụ nữ đã ly hôn mà vẫn mang con theo thì sau này sẽ rất khó tìm được bạn trai mới. Có ai muốn làm tu hú nuôi giúp con của người đàn ông khác? Nếu đó là con trai thì còn mệt mỏi nữa. Lớn lên sẽ phải lo cưới vợ, sắp đặt nhà cửa các thứ."

Tài khoản 4:

"Không hẳn vậy. Biết đâu, đứa con lại là cái cớ để một mối nhân duyên tốt đẹp mới nảy sinh không chừng!"

Tài khoản 5: 

"Nếu cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bạn có thể đi đến lựa chọn ly hôn, nhưng đứa con thì không thể vứt bỏ được. Đó là bởi tình mẫu tử, không phải vì ngu ngốc hay khôn ngoan. Ngay cả khi người đàn ông không muốn nuôi con, thì trên pháp luật, anh ta phải có trách nhiệm chu cấp tiền nuôi con và các chi phí cần thiết khác buộc phải trả về mặt tài chính."

Tài khoản 6: 

"Ai rồi cũng sẽ thay đổi khi đến một giai đoạn nào đó. Có thể bây giờ, anh ta muốn giành quyền nuôi con nhưng biết đâu được, sau này khi có con riêng lại không muốn sự có mặt của đứa con với vợ trước thì sao? Khó nói trước lòng dạ con người lắm!"

Tài khoản 7: 

"Tình huống này phụ thuộc vào cảm xúc của con là chính. Nếu con thích ở với ai và đã đến tuổi quyết định được thì nên cho trẻ theo người đó. Nếu con còn nhỏ, chưa hiểu thì tốt nhất phải trong vòng tay chăm sóc của mẹ dù là con trai hay con gái vì điều đó tốt cho sự phát triển lành mạnh của trẻ."

Tài khoản 8: 

hình ảnh

Ảnh được cắt từ phim, chỉ mang tính minh họa

"Người phụ nữ muốn mang theo con sau khi ly hôn không phải là ngu ngốc, mà là bản năng mách bảo nên tự tay chăm sóc con mình. Đàn ông sẽ nhanh chóng quen người mới và coi người cũ chỉ là dĩ vãng. Anh ta sẽ tập trung chăm sóc người đàn bà mới, đứa con riêng và khó biết được người mới của chồng mình có thể yêu thương con mình như con họ. Phụ nữ thường có tính chiếm hữu rất lớn."

Tài khoản 9:

"Ôm theo con sau khi ly hôn không hẳn là ngốc. Con người có thế giới quan khác nhau và theo đuổi mục tiêu khác nhau. Có người không muốn có con vì tin chuyện tình cảm còn ở phía trước; có người vì hạnh phúc của con cái mà chịu nhún nhường. Con cái là một phần cuộc sống của người mẹ nên linh tính của người mẹ bao giờ cũng mạnh mẽ hơn để đi đến quyết định điều gì tốt nhất cho con."

Tài khoản 10: 

"Thật ra, làm phụ nữ đã khó, lấy chồng lần hai mà còn có con lại càng chồng chất cái khó hơn. Nếu tính tới chuyện đi thêm bước nữa thì phải tự hỏi trên đời có mấy người đàn ông thực lòng coi con của người khác như bảo bối của mình.

Một người phụ nữ có thể từ bỏ những đứa con của chính mình thì ít nhất cho thấy cô ấy cũng rất đáng sợ. Người lãnh cảm như vậy khó có thể tưởng tượng được rằng họ vẫn còn tình yêu. Một người phụ nữ đã ly hôn, hiểu sự bất tiện khi có con cái bên cạnh, nhưng vẫn có trách nhiệm cưu mang con cái, cho thấy đó là người tình cảm, sống có trách nhiệm và sẵn sàng tạo dựng giá trị tốt đẹp. Nếu là người đàn ông thấu sự đời sẽ nhận ra được chân ái và đi đến lựa chọn đúng đắn cho mình.

Nhưng dù là vậy, thực tế rất thử thách phụ nữ tái hôn. Họ khó có thể sống trong một gia đình với tương lai tốt đẹp mà không phải chung đụng chuyện con chung, con riêng. Ai cũng có trong mình chút ít sự ích kỷ, hẹp hòi." 

Tài khoản 11: 

hình ảnh

"Có hai khía cạnh phải phân tích trong lựa chọn đem con theo của người mẹ sau ly hôn:

1. Thứ nhất, người mà người đàn ông yêu là bạn chứ không phải những dây mơ rễ má xung quanh bạn, chưa kể còn gã chồng cũ cứ như là quả bom xịt. Thứ hai là kinh tế. Dù người đàn ông mới giàu có đến đâu cũng không sẵn lòng nuôi con người khác. Chẳng thà họ cho bạn tiền để nuôi dưỡng cha mẹ già chứ còn nuôi con riêng thì không sẵn lòng, nhất là con trai.

2. Ai cũng hiểu người mẹ chịu mang con theo chăm sóc nghĩa là rất thương yêu con. Mỗi ngày, con ăn ít đi một chút cũng làm xáo trộn thế giới của mẹ. Cuộc sống xoay quanh chuyện ăn, uống, ngủ, học… sẽ làm cạn kiệt nhiệt huyết của người mẹ. Không người đàn ông nào chịu chấp nhận mình kém hơn, chưa kể đứa con còn gợi nhớ hình ảnh người cha của nó. Có câu “người yêu cũ là cái gì đó rất hãm” và đàn ông họ để ý điều này hơn bạn tưởng đấy!"

Tài khoản 12: 

"Phụ nữ có con sẽ không thể yêu bạn hết lòng! Bạn chỉ là người đưa đón, hỗ trợ cho cô ấy. Còn đứa con của cô ấy lại dành tình cảm của mình cho bố của nó. Cô ấy nếu tốt tính, không lẽ lại ngăn cản con mình đi gặp bố? Đó là máu mủ, rất khác với một người cha thế chỗ. Nếu còn độc thân, tôi sẽ không chọn chung sống với một người phụ nữ có con, mà cho dù không có con đi chăng nữa, tôi cũng không bao giờ cho phép vợ tiếp xúc với chồng cũ, dù chỉ là tin nhắn, hay gặp vì lý do con cái." 

Tài khoản 13: 

"Đã mang con theo nghĩa là người mẹ này rất yêu thương con mình. Sẽ có trường hợp họ trì hoãn sinh thêm con cho người mới vì suy nghĩ, có con riêng thì tình cảm của người đàn ông bên cạnh mình sẽ khác với con mình. Như vậy, người đàn ông mới sẽ phải chấp nhận nuôi con người khác.

Chi phí đào tạo một đứa trẻ từ khi học mẫu giáo đến khi ra trường là bao nhiêu? Rồi con lớn lên chẳng phải sẽ mua nhà cho, phải chi trả tiền cưới xin rồi giúp con chăm cháu nội. Cháu lớn lên thì ông cũng già. Nếu không nghĩ tình máu mủ, vì gánh nặng người mất sức lao động, nhiều khả năng sẽ đuổi ra khỏi nhà. Đứa trẻ đó không có quan hệ pháp lý thì còn nói được gì?

Suy cho cùng, người bố mới dành cả cuộc đời mình để trả nợ cho mẹ của đứa trẻ để rồi cuối đời lại sống trong nhà hưu." 

Tài khoản 14: 

"Tại sao phụ nữ ngày nay không thể giao con cho chồng cũ để nó đường đường được hưởng thừa kế, còn mình có thể tiến tới cuộc sống mới, bên người mới? Là vì ​​yêu con hay vì trả thù người yêu cũ? Bạn sẽ lấn cấn mãi với suy nghĩ này mà không thể sống vui vẻ được nếu không phải người rộng lượng và yêu vô điều kiện.

Mặt khác, nếu cô ấy sẵn sàng bỏ đứa con lại sau ly hôn, bạn chẳng phải sẽ lấn cấn “Con mà có thể bỏ được thì mình là gì với cô ta?”

Đường nào cũng khó cả."

hình ảnh

Đó là những ý kiến của người ngoài, bao gồm cả nam lẫn nữ. Góp ý suy cho cùng vẫn chỉ là góp ý. Quyết định vẫn phải là từ phía chúng ta. 

Phải thành thật với nhau rằng, không phải ly hôn là quả bom duy nhất làm tổn hại cho con cái, nhưng cách cha mẹ nhìn nhận chuyện ly hôn và cách giải quyết mối quan hệ sau ly hôn, chính những thái độ này mới ảnh hưởng mạnh mẽ đến con cái.

Ai đó nói rằng, muốn giải quyết sự việc, trước tiên hãy giải quyết với chính mình trước. Khoan hãy nói đến chuyện có mang con theo không, có nhận tiền chu cấp từ chồng cũ không, mà hãy đối mặt trước hết với thái độ của bản thân.

Phụ nữ mang trong mình tâm hồn giàu cảm xúc. Sau khi trải qua chấn thương tinh thần lớn, chúng ra rất dễ rơi vào lối suy nghĩ cũ.

“Tôi phải có nhà, phải có chỗ dựa thì cuộc sống này mới trọn vẹn.”

“Anh đã ly hôn, đã có vợ mới và còn có con nhỏ. Anh không còn lưu luyến gì về em nữa. Em thật đáng thương."

“Ai cũng nhìn tôi với con mắt thương hại, ly hôn, mang theo con nhỏ, hỏi có người đàn ông nào thèm để mắt đến tôi không?”

Lu Yao từng nói trong "Thế giới bình thường" rằng: "Cuộc sống không thể đợi người khác sắp đặt, bạn phải tự mình đấu tranh và đấu tranh; dù kết quả là vui hay buồn thì có một điều an ủi là bạn đã sống một trên cõi đời này một cách không vô ích. Với tâm niệm này, bạn sẽ biết trân trọng. Hãy sống không hoài nghi và đồng thời hãy truyền cho bản thân một sức mạnh to lớn.”

Nếu không muốn tự hoài nghi bản thân, tự đánh rơi mình lần nữa, ít nhất hãy hành động vì dù có mang con theo sau ly hôn hay không thì chúng ta vẫn là những bà mẹ, một sự tồn tại vĩnh cửu không chia cắt.

Vậy muốn được như thế thì phải làm sao?

  • Nếu đang thu mình, hãy mở rộng phạm vi xã hội của mình. Đừng nuông chiều bản thân chịu ngồi yên một chỗ, rồi tự cảm thấy có lỗi với bản thân; Thế giới của mỗi người nhỏ bé lắm. Hãy đứng lên và bước ra khỏi đó để tìm sự mới mẻ. 
  • Nếu vẫn muốn thèm khát một body nuột nà như thời son rỗi, hãy đến phòng tập thể dục;
  • Nếu vẫn muốn có một người đàn ông chất lượng điểm 10, hãy tự làm cho mình nên chất lượng trước tiên.

Trả lời với chính mình cho tất cả những hoài nghi, hãy tự đưa ra quyết định đem con theo sau ly hôn hay không mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào dèm pha, lối suy nghĩ cũ hay tư tưởng mới. Chỉ cần bản thân người mẹ sống trong hạnh phúc, con cái mặc nhiên sẽ hạnh phúc.