Từ hôm qua đến nay, các trường đại học lần lượt công bố điểm chuẩn trúng tuyển khiến dư luận nóng lên vì nhiều vấn đề xoay quanh. Đặc biệt, thông tin điểm chuẩn nhành Sư phạm Ngữ Văn và Lịch Sử cao nhất kỳ thi Đại học năm 2024 đang nhận được nhiều sự chú ý.
Cụ thể như thế nào mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết bên dưới cho mọi người cùng biết nhé!
Theo công bố của các trường, những ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay phải kể đến là nhóm ngành sư phạm, báo chí, công nghệ thông tin, luật, đặc biệt là ở tổ hợp C00.
Với 29,3 điểm cho các ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang là trường có điểm chuẩn cao nhất năm 2024 tính đến thời điểm này, xét trên thang điểm 30, theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Cũng có điểm chuẩn rất cao là ngành Sư phạm Địa lý với 29,05 điểm. Trường có tổng số 44 ngành đào tạo thì có đến 21 ngành có điểm chuẩn từ 27 điểm trở lên (trung bình thí sinh phải đạt 9 điểm/môn mới đỗ nếu không có điểm cộng ưu tiên). Tất cả các ngành đều kèm thêm tiêu chí phụ về thứ tự nguyện vọng ưu tiên.
Đứng thứ hai về điểm chuẩn là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với mức điểm chuẩn 29,05 điểm cho ngành Hàn Quốc học, tổ hợp C00. Điểm chuẩn ngành Báo chí của trường này cũng rất cao, ở mức 29,03 điểm cho tổ hợp C00. Ngành Báo chí cũng có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Văn hóa Hà Nội có với điểm chuẩn là 28,9 điểm (tổ hợp C00).
Nhiều người bất ngờ khi điểm chuẩn các ngành khối C rất cao, ảnh minh họa, nguồn: dSd
Đứng thứ ba về điểm chuẩn là Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có điểm chuẩn ngành Giáo dục Tiểu học lên đến 28,89 điểm cho tất cả 4 tổ hợp xét tuyển gồm A, B, C và D01.
Ngành Luật cũng có điểm chuẩn cao ngất ngưởng khi chuẩn ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội là 28,83 điểm. Ở nhóm ngành kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương vẫn đang dẫn đầu với điểm chuẩn cao nhất là 28,5 điểm. Ở khối ngành kỹ thuật, điểm chuẩn cao nhất đang thuộc về chương trình Khoa học Máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội với 28,53 điểm xét theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Chi tiết điểm chuẩn các ngành của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như thế nào
Ngày 17/8, Hội đồng tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xác định điểm chuẩn xét tuyển đại học theo Phương thức 1 - Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (phương thức 1) đối với từng ngành đào tạo, theo thứ tự điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu.
Điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) được xác định để số lượng sinh viên tuyển được theo từng ngành học phù hợp với số lượng chỉ tiêu đào tạo đã được phê duyệt, nhưng không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).
Đối với một ngành đào tạo, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng xét tuyển, trừ trường hợp: Nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển bằng với điểm chuẩn; nếu tuyển hết thì sẽ quá chỉ tiêu được phê duyệt. Lúc này, trường sử dụng tiêu chí phụ là mức điều kiện so sánh thứ tự nguyện vọng để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn.
Dưới đây là điểm chuẩn xét tuyển năm 2024 theo phương thức 1 áp dụng đối với học sinh phổ thông thuộc khu vực 3. Thí sinh thuộc diện ưu tiên theo khu vực/đối tượng chính sách được cộng điểm ưu tiên theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý, thí sinh đã trúng tuyển chính thức phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước khi nhập học trực tuyến và trực tiếp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thời hạn xác nhận nhập học trên Hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 17 giờ ngày 27/8. Kế hoạch nhập học cụ thể tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ thông báo sau.
Điểm chuẩn là mức điểm được các trường đại học/cao đẳng công bố chính thức sau khi các thí sinh đã có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và hoàn tất việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng tại cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Điểm chuẩn còn được gọi là điểm trúng tuyển.
Để lựa chọn và sắp xếp thứ tự nguyện vọng, thí sinh sẽ tham khảo mức điểm chuẩn các năm trước để quyết định lựa chọn thứ tự nguyện vọng như thế nào cho hợp lý, phù hợp năng lực và nhiều cơ hội trúng tuyển đại học. Tùy theo chỉ tiêu tuyển sinh, mức điểm chuẩn của mỗi ngành sẽ dao động theo từng năm.
Bên cạnh các phương thức xét tuyển truyền thống, một số trường đại học tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào đại học. Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh.