Thuyết minh về con trâu có sử dụng biện pháp nghệ thuật” là đề bài tập làm văn quen thuộc nhưng khá hóc búa đối với các em học sinh THCS. Sở dĩ là do văn Thuyết Minh mang đặc điểm khô khan, cứng nhắc, dẫn đến việc chèn các yếu tố nghệ thuật vào câu văn là vô cùng khó.

Thế nhưng, ngoại trừ việc “mổ xẻ” một cách chân thực các đặc điểm đối tượng trong văn thuyết minh, các cây văn trẻ của làng văn học Việt Nam vẫn dễ dàng tìm ra cách chèn các biện pháp nghệ thuật vào bài văn Thuyết Minh, cụ thể ở đây là thuyết minh về con trâu Việt Nam.

Năm Tân Sửu kể nhau nghe sự tích loài trâu | Xuân Tân Sửu 2021 | PLO

Thuyết Minh Về Con Trâu Có Sử Dụng Biện Pháp Nghệ Thuật 

Các biện pháp nghệ thuật trong văn học bao gồm: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, chơi chữ và điệp từ điệp ngữ. Tuy nhiên, trong văn Thuyết Minh nói chung và thuyết minh về con trâu nói riêng, chúng ta chỉ có thể sử dụng một số biện pháp dưới đây!

Biện pháp so sánh

So sánh là biện pháp dùng để đối chiếu sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác, dựa trên nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt.

Do đó, khi thuyết minh về con trâu Việt Nam, biện pháp so sánh có thể được áp dụng trong những đoạn văn cần yếu tố miêu tả như tả về hình dáng của con trâu (chân to như cái đòn gánh, cái đuôi như cái chổi,v.v..) hay khi miêu tả khung cảnh làng quê Việt Nam (những bông lúa chín vàng, nặng trĩu uốn cong như những chiếc cần câu),v.v..

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng biện pháp so sánh như một cách “trau chuốt” sự gắn bó của con trâu với làng quê Việt Nam: con trâu là biểu tượng thân thuộc nhất đối với người nông dân Việt Nam.

Biện pháp nhân hóa

Nhân hóa là phép tu từ dùng để gọi hoặc tả các đồ vật, cây cối, con vật,v.v.. bằng những từ ngữ chuyên dùng cho con người để làm cho sự vật, hiện tượng trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi với con người hơn.

Trong bài văn thuyết minh về con trâu, người viết có thể nhân hóa hình ảnh của mỗi con trâu bằng cách gọi “chú trâu” “bác trâu” “em nghé”,v.v.. khiến cho chúng trở nên thân thiết với con người hơn.

Bên cạnh đó, nhân hóa cũng có thể dùng để miêu tả khung cảnh buổi ban trưa với “cây cối im lìm” (một khung cảnh quen thuộc trong văn học, cây cối cũng có trạng thái như con người).

Biện pháp ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp nghệ thuật mà người viết dùng tên của sự vật hiện tượng này để gọi tên của sự vật hiện tượng khác, trên cơ sở hai sự vật hiện tượng có nét tương đồng.

Ẩn dụ có 4 phương thức thể hiện khác nhau. Tuy nhiên, trong bài văn thuyết minh về con trâu, để biện pháp ẩn dụ được phát huy tác dụng, người viết có thể áp dụng “ẩn dụ chuyển đổi cảm giác” (chuyển đổi cảm giác này sang cảm giác khác). 

Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác áp dụng trong bài văn thuyết minh con trâu ở các đoạn miêu tả về cảm nhận của người viết. Nó có thể ở đoạn cuối kết bài hoặc trong các câu thể hiện cảm xúc (tiếng trâu thở than trông đến nao lòng).

Biện pháp hoán dụ

Hoán dụ là biện pháp nghệ thuật mà người viết dùng tên của sự vật, hiện tượng này để gọi tên của sự vật, hiện tượng khác trên cơ sở chúng có nét gần gũi (khác với ẩn dụ, hai sự vật hiện tượng có nét tương đồng).

Để vận dụng biện pháp hoán dụ vào trong bài văn thuyết minh về con trâu, người viết có thể áp dụng “hoán dụ lấy dấu hiệu để gọi sự vật”. Những đặc điểm của con trâu như: thân hình to, da đen, bước đi chậm chạp,v.v.. Bạn có thể liên tưởng con trâu như một tảng đá. Khi đó, thay vì gọi con trâu một cách nhàm chán trong câu văn, bạn sẽ gọi nó là “tảng đá” “hòn than”,v.v..

Bốn biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ và hoán dụ là phổ biến quen thuộc nhất trong văn học. Đồng thời, đây cũng là những nghệ thuật dễ dàng áp dụng trong một bài văn thuyết minh nhất!

Ví Dụ Bài Văn Thuyết Minh Về Con Trâu

Dưới đây là một ví dụ về bài văn thuyết minh về con trâu Việt Nam. Trong bài có sử dụng các biện pháp nghệ thuật. Bài viết chỉ có mục đích tham khảo!

Hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên trong tâm trí tôi không thể xa rời được bóng hình của những chú trâu. Những cánh đồng lúa chín vàng, cánh diều bay trong chiều gió lộng hay các bác nông dân cần mẫn sớm chiều, cùng với những chú trâu “đắm bùn đang buổi ban trưa” đã trở thành những kỷ niệm không thể phai mờ trong tuổi thơ của tôi.

Trâu không chỉ là biểu tượng của người nông dân Việt Nam, vùng thôn quê Việt Nam mà nó còn là “đại biểu” của sự cần mẫn, chăm chỉ từ ngàn đời nay. Mọi người vẫn thường nói, nhà nào có đôi trâu, nhà đó ắt có của để đời. Những chú trâu vẫn cứ thế lặng lẽ, trải nghiệm nắng mưa cùng người nông dân trên ruộng đồng bao mùa lúa.

Chẳng biết từ bao giờ, trâu bỗng gần gũi với người làm nông đến vậy. Nghe ông nội tôi kể, trâu Việt Nam có bắt nguồn từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, phân bố rộng rãi trên khắp Việt Nam. Có lẽ cũng bởi vậy, dù đặt chân ở bất kỳ đâu trên bản đồ hình chữ S, tôi cũng đều có cảm giác thân thuộc của vùng quê mình.

Lông trâu thường có màu xám đen, thân hình vạm vỡ. Với đôi sừng nhọn, uốn cong như hình một lưỡi liềm. Người ta sử dụng đôi sừng đó làm đồ trang sức. Trâu là loài động vật thuộc lớp có vú. Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày, trâu đực trung bình cày bừa từ 3~4 sào còn trâu cái có thể cày bừa từ 2~3 sào, không những vậy trâu còn được coi là một tài sản quý của của nhà nông.

Trong nhiều thế kỷ trước, trâu thường được dùng để kéo xe, chở hàng. Với thân hình khỏe mạnh, một con trâu có thể kéo đến 400 - 500kg. Đồng thời, trâu còn cung cấp các sản lượng về thịt và sữa. Người ta thường trồng cây xen lẫn các cây ăn quả, phân trâu ủ xanh là thuốc bón tốt nhất cho cây. Trâu chính là tài sản nên rất được người dân chăm sóc rất chu đáo.

Trong giới ẩm thực, trâu cũng có thể được chế biến thành nhiều món ăn nổi tiếng. Thịt trâu tuy dày và dai nhưng nếu biết cách chế biến, thịt trâu sẽ trở nên mềm và ngọt. Một số món ăn từ thịt trâu phải kể đến như: trâu gác bếp, trâu xào lăn, trâu xào lá lốt, trâu nướng tảng, v.v..

Trâu cũng là hình ảnh nổi bật trong nhiều lễ hội. Ví như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Lựu, Hàm Yên, Phù Ninh,v.v.. đều rất nổi tiếng trên cả nước. Ngoài nhu cầu vui chơi, tìm hiểu, qua lễ hội người ta tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, để cầu nguyện cho "nhân khang, vật thịnh".

Hình ảnh con trâu ung dung gặm cỏ non, xanh mát và trên trời là những cánh diều bay cao giữa không trung đã in sâu trong tâm trí người Việt Nam. Chăn trâu thả diều là 1 trong những trò chơi của trẻ em nông thôn, 1 thú vui đầy lý thú. Trên lưng trâu còn có bao nhiêu là trò như đọc sách, thổi sáo... Những đứa trẻ đó lớn dần lên, mỗi người mỗi khác nhưng sẽ ko bao giờ quên được những ngày thơ ấu .

Con trâu đã trở thành một hình ảnh không thể xóa nhòa trong tuổi thơ của tôi. Mỗi lần bắt gặp một con trâu ở trên đồng lúa, trong lòng tôi lại thổn thức câu thơ:

Trâu anh con cưỡi con dòng,


Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn.

Tổng Kết 

Trên đây là những gợi ý cũng như ví dụ bài văn thuyết minh về con trâu có sử dụng biện pháp nghệ thuật. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thể phần nào kiến thức để làm các bài văn thuyết minh khác, khiến cho văn thuyết minh trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo!