Một bài học nhớ đời cho anh chàng khi vui mừng quá sớm dù chưa biết kết quả ra sao. Cuộc đời đừng nên chủ quan, mọi thứ đều có thể xảy ra ở phút 89.

Kết quả thi đại học đã có, người người rục rịch chuẩn bị hành trang vào giảng đường mới, bước ngoặt mới của cuộc đời. Nhưng cũng có người đang trong tâm trạng rối bời, không phải là không đậu đại học, chỉ vì lỡ ăn mừng linh đình với dòng họ khi chưa biết kết quả, bây giờ chỉ đậu nguyện vọng 2 thì không biết ăn nói thế nào.

Chuyện là, có chàng trai nọ lên mạng than thở về lần mừng hụt khiến gia đình cảm thấy ái ngại với bà con dòng họ sau khi thi được 27 điểm, mỗi môn 9 điểm và gia đình chắc chắn là đậu 99%. Đáng lẽ chưa ăn mừng ngay nhưng thấy con nhà hàng xóm thi 26 điểm đã vội làm tiệc tưng bừng nên gia đình chàng trai này cay cú, muốn tổ chức cho nở mày nở mặt:

hình ảnh

Bài đăng của chàng trai vừa nhận kết quả thi đại học. Ảnh: Công lý & xã hội

“Mọi người chúc mừng, xong cho quà em, người thì phong bì, người mua giày, tặng laptop các kiểu. Nói chung cũng đủ đồ để lên Hà Nội học rồi nhưng vì dịch nên không lên sớm chuẩn bị được… Cả gia đình cứ thế lờ đi, kể cả ngày các trường công bố điểm chuẩn cũng không gọi là quá care cho lắm (chủ quan, nghĩa là đỗ rồi). Thì ối dồi ôi, ngành em công bố điểm chuẩn trên 27 điểm (em xin giấu ngành với trường). Em là người bất ngờ đầu tiên, xong em gửi cho bố mẹ em xem xong bất ngờ tiếp theo:

- Gì? 27 điểm mà còn trượt á? Không thể tin nổi?

- Vâng nhưng sự thật là thế bố à.

Sau đó thì bố bảo thôi học theo nguyện vọng thứ 2 cũng được, không sao…nhưng bố chỉ ngại là thằng hàng xóm nó thấp điểm hơn mà nó đỗ, mình cao điểm hơn mà phải học nguyện vọng thứ 2 thì…ngành thằng hàng xóm chọn cũng 26,5. Quay ra quay vào cả 2 gia đình liên hoan, party các kiểu giờ trượt hết nguyện vọng 1".

hình ảnh

Ảnh minh họa, saostar, po369.com

Anh chàng này và gia đình đâu thể ngờ 27 điểm vẫn chưa đủ chuẩn để vào ngành học mơ ước. Tuy vẫn đậu nguyện vọng 2 nhưng họ cảm thấy ái ngại với người xung quanh và không thể tin nổi số điểm cao như thế vẫn rớt nguyện vọng 1. 

Cư dân mạng cho rằng, đây chính là bài học đầu tiên mà anh chàng nhận được: Đừng mừng vội khi chưa nắm chắc kết quả trong tay:

- 1 bài học nhớ đời nhé. Rồi em sẽ nhận ra rằng bước vào cánh cửa đại học đã khó, bước ra cánh cửa đại học còn khó hơn. Khi em ra trường rồi chẳng ai còn quan tâm em thi đại học bao nhiêu điểm, em học trường gì, lúc đó họ chỉ quan tâm em kiếm được bao nhiêu đô la.

- Tuyệt vời rồi còn gì. Chưa đi học mà đã có được 1 bài học rồi.

- Em ơi chị nói thật nè. Em thi xong thì em cũng phải nhìn xung quanh mình và tham khảo mạng xã hội xem phổ điểm năm nay của học sinh như nào. Chị lên đại học rồi, không phải với tâm thế người đợi điểm mà chị cũng biết năm nay 27 điểm quá nhiều nữa là...

Chuyện thi cử ngoài năng lực vốn có thì hên xui là điều không ai biết trước. Ngay cả khi thi được điểm cao như anh chàng trên đây thì cũng chưa chắc sẽ đậu. Vì vậy, trong bất cứ việc gì cũng đừng quá vui mừng khi chưa nắm được kết quả chính xác trong tay. Cuộc đời vốn có nhiều khúc cua bất ngờ, mọi thứ đều có thể xảy ra ở phút 89.

Cánh cửa đại học vốn là mục tiêu mà đại đa số chúng ta đều cố gắng đạt được. Thế nhưng ngoài chuyện phấn đấu để trúng tuyển, hãy xem lại năng lực bản thân phù hợp với ngành nghề nào, trường nào và đặc biệt là ngành nghề mình chọn là thật lòng mong muốn hay đó chỉ là ý kiến, ép buộc từ phía người thân. Việc chọn ngành nghề là vô cùng quan trọng cho tương lai, chọn trường để học cũng vậy. Nếu tự đánh giá cao bản thân mà không chịu nhìn vào năng lực thật sự của mình thì việc thi rớt cũng là điều dễ hiểu.