Trong quãng thời gian đi học, nhiều người luôn có những ấn tượng tốt đẹp với các giáo viên của mình, luôn tận tâm với học trò, dành cho học trò những bài học bổ ích, những lời nhắc nhở chân thành và những kinh nghiệm, vốn sống làm hành trang để học sinh khôn lớn, trưởng thành. Có một số giáo viên luôn thể hiện sự nghiêm khắc, mong muốn học trò học hành đến nơi đến chốn, tuân thủ những nội quy của trường, của lớp, tất cả cũng chỉ vì muốn những điều tốt đẹp cho học sinh của mình. Một giáo viên ở Đắk Lắk cũng vì học sinh mà quyết tâm dạy dỗ, nhưng thầy dạy dỗ bằng cả thước gỗ, mũ bảo hiểm ngay giữa sân trường khiến nhiều người không thể chấp nhận trước hành động này.

Sau sự viện xảy ra, ngành giáo dục địa phương đã chỉ đạo xử lý, người giáo viên cũng đã viết tâm thư giải bày, thể hiện sự ăn năn, hối tiếc của bản thân và một số cựu học sinh, phụ huynh cũng lên tiếng trần trình, mong muốn bỏ qua cho hành động của thầy giáo này. Cụ thể về thông tin này, theo NLĐ, tối 9/9, một lãnh đạo Trường THPT Hùng Vương (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận nhà trường vừa nhận được thư của nhóm cựu học sinh về vụ việc thầy Lê Văn Tú vung tay ‘dạy dỗ’ 2 hs ngay giữa sân trường.

hình ảnh

Vụ việc xảy ra ngay giữa sân trường - Ảnh: Dantri

Theo đó, tâm thư từ nhóm cựu học sinh khóa 2012-2015 do thầy Lê Văn Tú chủ nhiệm. Người viết tâm thư cho biết từng là lớp cá biệt, mang đến nhiều phiền lòng cho thầy cô và nhà trường nhưng từ lúc thầy Tú chủ nhiệm thì lớp đã khác hoàn toàn, trở thành một lớp đoàn kết, học lực tiên tiến đứng top của trường.

Cũng theo tâm thư, với cách giảng dạy vì tất cả học sinh lớp mình chủ nhiệm nên áp lực luôn nặng trĩu trên vai thầy. Vụ việc đáng tiếc xảy ra vào ngày 8/9 khiến nhóm cựu học sinh rất buồn và tiếc cho thầy, thương cho một người cầm cân nảy mực thương trò như thương con. 

"Cha mẹ chúng ta trong lúc dạy dỗ con cái nhiều lúc cũng bực tức, không kiềm chế được bản thân, thầy cũng vậy, vẫn mong muốn cho học trò của mình nên người.... Qua vụ việc trên, chúng em mong muốn ban giám hiệu nhà trường hãy xem xét và đưa ra một quyết định thật đúng đắn. Nếu trên giảng đường thiếu đi một người thầy như vậy thì đây là một sự mất mát quá lớn cho trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung" - tâm thư viết.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh, cựu học sinh của trường cũng đã đăng tải những lời chia sẻ về thấy Tú trên mạng xã hội. "Mong quý cơ quan chức năng có hướng giải quyết thấu tình đạt lý. Mong cho thầy có cơ hội sửa sai..." - một phụ huynh có con từng học thầy Tú chia sẻ trên mạng xã hội.

hình ảnh

Nam giáo viên này đã viết tâm thư xin lỗi về hành động của bản thân - Ảnh: Infonet

Trước đó, khuya 8/9, mạng xã hội đăng tải clip ghi lại cảnh một thầy giáo dùng thước gỗ, mũ bảo hiểm ‘dạy dỗ’ hs. Sự việc xảy ra trong khuôn viên nhà trường và có rất nhiều em học sinh chứng kiến. Sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Trong ngày 9/9, thầy Tú đã có "tâm thư" nhận trách nhiệm về vụ việc và gửi lời xin lỗi tới gia đình phụ huynh, lãnh đạo cùng toàn thể giáo viên ngành giáo dục Đắk Lắk. "Một lần nữa tôi mong muốn toàn thể ngành giáo dục và gia đình 2 em nhận lời xin lỗi và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật cho tôi. Bản thân mong muốn được tiếp tục phục vụ trong ngành giáo dục. Tôi xin hứa sẽ thay đổi, sửa chữa bản thân..." - tâm thư thầy Tú viết.

hình ảnh

Tất cả vì học trò của mình là một điều có thể ghi nhận nhưng hành động một cách bất chấp, vung tay một cách không thể chấp nhận được như giáo viên này thì thật đáng trách, ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân cũng như của nhiều đồng nghiệp khác. Thầy đã vung tay vung chân một cách khó hiểu rồi khi sự việc được nhiều người quan tâm thì tỏ ra hối tiếc, viết tâm thư xin lỗi, mong muốn được thay đổi, sửa chữa bản thân, dường như nếu sự việc không được nhiều người biết đến và lên tiếng thì người giáo viên này vẫn nghĩ hành động của mình không có gì là quá đáng, tất cả cũng chỉ vì muốn ‘dạy dỗ’. Mong cơ quan chức năng xác minh và xử lý nghiêm hành vi khó chấp nhận này, tạo sự yên tâm, tin tưởng của các em học sinh, các bậc phụ huynh của nhà trường cũng như địa phương.