"Chỉ cần các con muốn, bố mẹ có phải đi nhặt đồng nát, bưng bê kiếm thu nhập cũng đồng ý".

Trẻ con, một khi được chiều chuộng quá mức sẽ rất dễ sinh hư, được voi đòi tiên, được một sẽ đòi hai và không có điểm dừng. Trong khi sức lực bố mẹ có hạn, cố cho con mọi thứ con muốn thì làm sao được. Chưa kể bây giờ trẻ con phát triển sớm, rất dễ nhiễm thói phù phiếm, hơn thua vật chất.

Em có chị đồng nghiệp, chị kể cháu chị được bố mẹ chiều riết sinh hư luôn rồi. Mới học tiểu học mà đã biết chê bai xe này xe nọ. Chị kể là gia đình đó vì để con được học ở trường nằm trong nhóm tốt nhất thành phố nên đã mua hẳn một căn nhà gần trường, nơi đất rất đắt đỏ. Cũng bởi nhà quá gần trường nên bố mẹ hay đưa con đi học bằng xe máy cho tiện. Chứ hơi đâu, nhà cách trường có 5 phút mà cứ phải đánh lái ô tô ra vào bất tiện. 

Nhưng có hôm con về nói bố mẹ đừng đưa con đi học nữa. Nhà các bạn khác toàn đón bằng ô tô, bố mẹ đi xe máy, thà là con đi bộ còn hơn. Thế là từ đó, bố mẹ toàn đưa con đi học bằng cách đi bộ.

Tin được không, đây là lời nói, suy nghĩ của một đứa trẻ tiểu học. Nghe mà thấy ngán rồi đó các mẹ, đợi lớn lên tí nữa, nếu học trường xa hơn, chắc không có ô tô con nó không đi học luôn quá.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: thepaper

Em thấy trên trang Vietnamnet cũng có tình huống tương tự. Vị phụ huynh Q. chia sẻ con gái chị cũng đòi bắt ô tô đi học. Sau đó có bác sĩ tâm lý tư vấn cho chị về cách dạy con. Em thấy thông tin rất bổ ích nên muốn chia sẻ với mọi người. Mình hiểu để mình biết mà yêu thương con cho đúng cách, uốn nắn con kịp thời cho con khỏi hư.

Theo lời kể trên Vietnamnet, chị Q. có tuổi thơ thiệt thòi nên khi lấy chồng, sinh con, chị yêu thương con, cưng chiều con hết mực. Chị có hai con, con gái lớn đang học lớp 11, tuổi ẩm ương. Bố mẹ thì cố gắng làm tất cả vì con, nhưng con lại không ghi nhận, không biết ơn, còn quay lại phán xét.

Bố mẹ chỉ làm viên chức, thu nhập bình thường nhưng luôn dành những thứ tốt nhất cho các con. Chị Q. cho con học trường tư tốt ở Hà Nội, con thích bất kể thứ gì đắt đỏ, chị cũng mua sắm cho con. Gia đình có phải thắt lưng buộc bụng để lo cho con cũng chịu.

Chị Q. hay bảo các con rằng chỉ cần các con muốn, có phải đi nhặt đồng nát, bưng bê, bố mẹ cũng đồng ý. Chính sự cưng chiều và lời nói này của chị Q. đã khiến các con nghĩ chuyện bố mẹ lo cho mình là điều hiển nhiên. Nó sẽ làm nảy sinh sự ích kỷ, vô tâm trong lòng những đứa con.

Năm con chị học lớp 9, bé so sánh gia đình mình với nhà người ta. Con khó chịu hỏi mẹ sao bố mẹ nghèo. Con chất vấn vì sao bố bạn X. lương trăm triệu, bố mẹ chỉ 10 triệu. Tại sao bố mẹ chỉ đi xe máy. Con còn đòi bắt xe ô tô dịch vụ đi học, không muốn bố mẹ đưa đón bằng xe máy.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: 8bb - cunman

Người mẹ nghe con hỏi thì giận, đồng thời cũng thấy mình kém cỏi, tự ti với con mình. Con càng lớn, quen được nuông chiều nên ngày càng lệch chuẩn. Đến giờ, chị muốn uốn nắn lại con thì muộn màng. Cứ bố mẹ răn con là đòi bỏ nhà đi, giận dỗi đóng cửa phòng. Con cứ như “chị đại” trong nhà, không ai dám động đến.

Trên Vietnamnet, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách có chia sẻ là do bố mẹ chiều chuộng con thái quá nên con ích kỷ. Chúng dễ dàng chê bai, phán xét, so sánh bố mẹ. Nguyên nhân là bố mẹ quá cưng con mà quên đưa con vào nề nếp, kỷ luật, con muốn làm gì thì làm.

Việc chỉ cho con quá nhiều mà không để con cảm nhận tình thân, sự biết ơn sẽ khiến con vô cảm, chỉ quen được nhận. Một khi bố mẹ không đủ khả năng cho con thứ con muốn, con sẽ quay ngược lại trách móc.

Bác sĩ cũng cho biết trường hợp như con nhà chị Q. có rất nhiều. Những đứa trẻ này thường đòi hỏi một cách quá đáng, không cho thì bật lại bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ không nên chiều chuộng, nhường con, cung phụng con bất chấp. Trái lại phải uốn nắn con từ bé, có thương nhưng phải có giới hạn, có nề nếp. Thương là phải dạy, không dạy con sẽ hư.