Đối với hầu hết chị em phụ nữ đã lập gia đình, Tết dường như ít mang đến niềm vui cho họ, bởi xung quanh đó là nỗi lo về tiền nong, rồi chưa kể suốt mấy ngày Tết cứ cặm cụi trong bếp. Nhiều người không biết đến niềm vui chơi Tết là gì, không còn đực tận hưởng trọn vẹn mùa Tết như thời độc thân.

Nói chuyện với 10 chị em thì chắc cũng 8 người than vắn thở dài về mấy ngày Tết còn cực hơn đi làm, nấu nướng để cúng kiếng thôi chưa đủ, còn phải đãi khách từ sáng tới tận chiều tối. Chị em nào vớ phải nhà chồng câu nệ thì càng mệt mỏi hơn, tất tần tật đều phải làm chứ không mua sẵn khiến Tết càng thêm vất vả. Còn chị em nào may mắn gặp nhà chồng tân thời thì sướng thôi rồi.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik. 

Có chị nọ kể rằng mấy ngày Tết đối với chị dường như là thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng, ngày nào cũng được ngủ nướng dài tới trưa thay vì phải dậy sớm đi làm như mọi hôm. Nhà chồng chị không như nhiều gia đình khác, họ tiếp thu cái mới khiến Tết thêm vui khỏe. Chị tâm sự mẹ chồng hỏi chị định cúng kiếng ra sao, chị bảo rằng chỉ cần để bánh chưng cùng với khoanh giò rồi thắp hương, xong trong nhà ăn với nhau là được, không cần phải tụ tập. Bà nghe vậy gật gù đồng ý.

Vốn dĩ chồng chị không phải là người thích tụ tập ăn uống linh đình, ngày thường, lễ hay ngày Tết cũng vậy. Anh chẳng thích nhậu nhẹt nên khách có tới chỉ mời lên phòng uống trà rồi nhâm nhi miếng bánh, mứt kẹo và nói chuyện. Còn con chị nếu có bạn đến chơi sẽ mời đến phòng khách ngồi nghe nhạc vì đó là sở thích của bọn chúng. Riêng chị có khách tới chơi cứ mời ra sân vườn uống cà phê, trà bánh.

Đó là nói khách đến chơi vào những giờ không phải cơm trưa hay cơm tối, còn nếu đến đúng bữa thì mình cứ có gì đãi nấy. Không nhất thiết phải là cơm mà có khi là phở, bún, mì xào, miến măng, mì Ý sốt kem hay thậm chí là sushi. Khách nào thích uống bia hoặc rượu, nhà chị vẫn có sẵn vài món để nhấm nháp như bò khô hay chân giò hun khói. Giờ là thời buổi công nghiệp, tất cả đều có sẵn, mình chỉ việc mua về để tủ lạnh, khách tới lấy ra dùng thôi. Quá trời tiện lợi, đâu cần mất nhiều thời gian.

Tất nhiên, khách nào đến chơi cũng biết gu ăn uống nhà chị nên có gì ăn nấy, không bàn cãi nhiều, còn cứ cố bận tâm suy nghĩ làm cho đủ món theo đúng phong tục, sợ bị đánh giá này nọ chỉ khiến bản thân thêm mệt. Người ngoài nói xong rồi họ đi chứ có ở với mình đâu mà phải sợ chê trách... Quan trọng là người trong nhà có nhìn thấu, hiểu và cảm thông cho nhau hay không.

Thông thường, theo lịch trình của gia đình chồng chị, mùng 1 và 2 sẽ đi chúc Tết họ hàng bà con thân quen, rồi những hôm sau cứ vô tư thoải mái nghỉ dưỡng, chứ chẳng cần phải câu nệ nấu nướng hay dọn dẹp như mấy chị em khác.

Đọc đến đây, chắc có nhiều chị em tỵ nạnh cho rằng chị không biết làm gì và nhà chồng tân thời nên mới thế, chị bày tỏ mình cũng yêu bếp và thừa sức nấu rồi bày biện các mâm cỗ truyền thống ngon và đẹp mắt nhưng với chị làm ra mà không có người ăn sẽ lãng phí vô cùng, trong khi ngoài kia có biết bao người đói kém không có ăn. Dù gia đình thuộc dạng khá giả nhưng chị luôn tiết kiệm và trân trọng thức ăn mình đang có, bởi tất cả đều phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được. Vậy nên quan niệm của chị, mình ăn gì cúng nấy, đơn giản và tinh gọn, mình khỏe mà cả nhà cũng vui nữa.

Đừng nói rằng mình cúng ít món là sơ sài, quan trọng vẫn là thành tâm và tính trang nghiêm của buổi lễ cúng thôi. Đồ ăn lưu cữu mà không thành tâm, để thừa mứa và lãng phí thì có phải đắc tội với người làm ra chúng không?

Bởi vậy mới nói Tết có vui khỏe hay không là do mình và những người sống cùng gia đình, nên giữ và bỏ cái gì tất cả đều do ta thôi.

Chị này chia sẻ rằng để Tết vui khỏe, thay vì siêng năng chăm chỉ, ôm đồm hết việc thì chị em nên cho phép bản thân lười một chút rồi phân chia việc nhà cho các thành viên trong gia đình (chồng và con), đừng nói rằng họ làm không tốt bằng mình, có bẩn hay xấu hoặc không đạt yêu cầu thì cũng mặc kệ, một lần không được thì nhiều lần sẽ rút kinh nghiệm và làm được. Suốt ngày cứ sợ con rửa chén làm hao nước, tốn nước rửa chén, còn chồng lau nhà lại thấy không sạch thì còn lâu mới mong Tết khỏe Tết vui được.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik và Pixabay. 

Nghe chị này bày tỏ xong, rất nhiều người tán thành, song không phải cứ muốn là được, nhất là những chị em phải làm dâu, họ khó lòng thay đổi được cách nghĩ và góc nhìn của các ông bố bà mẹ thời trước dù biết rằng Tết là nét đẹp truyền thống văn hóa cần phải được gìn giữ.