Chuyện đi xe đậu bên đường rồi vô tình gặp quả nào đó trên cây rơi xuống trúng làm vỡ kính là bình thường, nhưng sau đó ai là người có trách nhiệm bồi thường là cả vấn đề.

Có chị nọ hỏi rằng chị đậu xe ô tô bên đường đến khi quay lại thấy kính xe bị vỡ do quả sầu riêng của nhà dân rơi trúng. Chị bực mình quá bảo chủ nhà bồi thường nhưng mà chủ nhà này cãi ngang bảo ai biểu đậu xe ở đây làm chi để cho giờ vỡ kính, vì vậy người này thoái thác trách nhiệm, nói không liên quan gì.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. 

Tức quá chị còn nói thêm chủ nhà được quyền trồng cây trong khuôn viên nhà nhưng phải tỉa cành, còn nếu để cây xòe ra ngoài đường, lỡ có chuyện gì phải chịu trách nhiệm. Bên kia nghe xong cũng đâu có chịu, tiếp tục lời qua tiếng lại, ngoài đường có bao nhiêu chỗ sao không đậu, sao phải đậu chỗ này rồi đã chọn đậu ở đây thì lỡ có thiệt hại gì đó chính là lỗi của chị chứ không ai khác?

Bức xúc quá chị mang chuyện này lên hỏi dân mạng xem ai đúng ai sai và chủ nhà kia có phải bồi thường cho chị không?

Khi vừa nghe chị trình bày xong, đa số mọi người đều cho rằng không ai phải bồi thường bởi họ nói có lý quá mà. Chỉ có số ít cho rằng chủ nhà này phải bồi thường. Vậy thực tế như thế nào mới đúng?

Cùng em tìm hiểu nhé mọi người, theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 175 có đề cập người sử dụng đất sẽ được dùng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới thửa đất phù hợp với giấy chứng nhận và không được làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các công việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình theo ranh giới đã được xác định. Trong trường hợp rễ cây hay cành cây vượt quá ranh giới thì phải cắt tỉa cho gọn gàng, trừ khi có thỏa thuận khác.

Thêm nữa, pháp luật về dân sự cũng quy định nếu cây cối gây ra thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu, chiếm hữu và người được giao quản lý đó phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng như động đất, bão tố, giông lốc, làm gãy cây cành và bật gốc dẫn đến làm hỏng tài sản sẽ không phải bồi thường.

Quay trở lại với trường hợp thực tế nói trên, chúng ta phải hỏi thêm rằng vị trí đậu của xe ô tô kia có phải là vị trí cấm đậu xe hay không? Nếu đó là vị trí cấm đậu xe thì có lẽ đó là lỗi của người lái xe ô tô vì đã đậu không đúng nơi đúng chỗ. Ngược lại, nếu không phải là vị trí cấm, và vì thế chúng ta có quyền đậu ở nơi không cấm, do đó trong trường hợp này chủ nhà kia phải bồi thường.

Như vậy, phải xét thêm tình huống cụ thể mới xác định rõ chủ nhà có trách nhiệm bồi thường không và theo luật định, số tiền bồi thường do các bên tự thỏa thuận, chỉ khi không thể thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định, song phải có bằng chứng chứng minh cụ thể cho những tổn thất phải gánh chịu trên thực tế.

hình ảnh


Ảnh minh họa: Nguồn: Vietnamnet và Kiến thức. 

Nhiều người cho rằng trong tình huống này nếu đưa nhau ra Tòa thì tốn kém và mất thời gian lắm, nên thôi ưu tiên cho thỏa thuận đi, rồi cũng có người cho rằng trách nhiệm bồi thường do công ty bảo hiểm thực hiện, tuy nhiên công ty bảo hiểm có bồi thường hay không còn phụ thuộc vào điều khoản hợp đồng đã được ký kết giữa các bên.