Gia đình 3 đời làm thầy giáo, đời con, đời cháu được truyền cho cách ghi sổ chủ nhiệm cực kỳ có tâm, theo sát từng mảnh đời học trò.

Một điều khiến em khâm phục các thầy cô đó là dạy mấy chục năm trời, qua bao nhiêu lứa học sinh. Thế mà ngày gặp lại, chỉ cần học sinh nói tên, lớp, năm học là thầy cô có thể nhận ra ngay. Thậm chí còn nhớ những kỷ niệm gắn liền với học sinh đó.

Có lẽ trong tâm trí người thầy tâm huyết với nghề, ngoài gia đình thì học sinh chính là “người nhà” của mình. Với các thầy cô, chỉ khi nắm được cuộc sống, tính tình, khả năng của từng em mới có cách giáo dục hiệu quả được.

Đọc được câu chuyện về người thầy đi dạy từ đầu những năm 60 thế kỷ trước trên tuoitre, em cảm động lắm mọi người. Không biết mọi người thế nào, nhưng với em, người thầy này đi dạy thật sự là vì học trò, vì yêu nghề. Có những việc, chẳng ai yêu cầu thầy phải làm nhưng thầy lại muốn làm, chỉ vì muốn tốt cho học trò mình.

hình ảnh

Thông tin của học sinh được ghi chép cạnh ảnh cá nhân. Ảnh: NVCC, nguồn: Tuổi Trẻ online

Nhìn từng trang nắn nót trong sổ chủ nhiệm tự viết tay của người thầy ấy, càng cảm mến những người làm nghề gõ đầu trẻ. Phía sau những cánh cửa lớp học vẫn còn rất nhiều thầy cô có tâm huyết, yêu trò, mến trường. Mặc cho ngoài kia có những câu chuyện khiến người ta không còn mặn mà với nghề giáo.

Theo câu chuyện cảm động được chia sẻ trên tuoitre, một người thầy giáo đã chia sẻ về câu chuyện của cha mình. Nhà của thầy 3 đời làm nghề giáo, từ đời cha thầy, thầy và giờ đến lượt con trai thầy. Đời con nối đời cha, đời cháu nối đời ông, đều truyền cho nhau cách ghi sổ chủ nhiệm đầy tâm huyết.

Thầy kể cha thầy đã dùng ngòi bút lông viết hoa tên của từng học sinh. Bên dưới thì dùng bút nhỏ ghi rõ thứ hạng học lực, ngày, nơi sinh, tên cha mẹ. Một số em còn có chữ ký nữa. Em xem thấy chữ của thầy giáo ấy đẹp lắm mọi người. Nét chữ rõ ràng, chỉn chu. Người ta nói nét chữ nết người, chữ thầy đẹp và sáng, ắt tâm thầy cũng sáng như gương.

Thời của thầy giáo đó, không yêu cầu cao về hồ sơ sổ sách người thầy, cũng chưa có biểu mẫu chung. Thế là cha của thầy giáo đã tự làm một quyển sổ gần giống sổ chủ nhiệm bây giờ, bằng quyển vở 100 trang của học trò. Nội dung là niên khóa, tên thầy chủ nhiệm, danh sách học sinh xếp theo chữ cái.

Bên cạnh thông tin của mỗi học sinh là tấm ảnh 3x4 rõ nét. Những tấm ảnh đó cũng là thầy giáo đi mượn máy ảnh rồi tự in ra cho học sinh. Ông nói với con trai mình rằng đây là cách ông hiểu thêm đời sống, hoàn cảnh từng học sinh.

Chỉ khi biết chén cơm đủ no, manh áo đủ lành, cha mẹ sống hạnh phúc không, người thầy mới thật sự mang được yêu thương đến cho các em. Thầy theo sát học sinh đến mức có em thầy ghi vào đi trễ một tháng.

hình ảnh

Những quyển sổ chủ nhiệm đã qua 60 năm vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: NVCC, nguồn: Tuổi Trẻ online

Nhờ những dòng ghi, tấm ảnh rõ nét mà thầy nhớ kỹ từng học trò của mình dù qua bao năm tháng. Có học sinh 50 năm sau quay về thăm thầy, thầy vẫn nhớ được nhờ những bức ảnh đó. Rồi thì người kể chuyện cũng nối gót theo cha làm thầy, sổ chủ nhiệm của có ảnh học sinh.

Dù đồng nghiệp bảo chủ nhiệm có một năm, năm sau có làm nữa đâu mà để ảnh chi cho mệt. Nhưng với tinh thần được truyền từ người cha của mình, thầy giáo vẫn ghi chép sổ chủ nhiệm vô cùng có tâm và có cả ảnh. Nhờ cách ghi sổ đầy đủ thông tin về học sinh, thầy đã thành công khi chủ nhiệm suốt mấy mươi năm.

Kinh nghiệm lưu ảnh từng học sinh vào sổ chủ nhiệm quả thật giúp người thầy rất nhiều. Vừa dễ nhớ mặt học sinh, lại không lo nhầm lẫn khi có sự cố xảy ra. Giờ thì chính người chia sẻ câu chuyện cũng đã hoàn thành nhiệm vụ dạy học. Con trai thầy lại tiếp nối nghề nghiệp ông cha.

hình ảnh

Nhớ lời ba dặn, sổ chủ nhiệm của tôi luôn có ảnh của học sinh. Ảnh: NVCC, nguồn: Tuổi Trẻ online

Chỉ là một câu chuyện chia sẻ về cách ghi sổ chủ nhiệm, lưu ảnh học sinh nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Trong thời đại ngày nay, nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm với giáo viên. Họ nghĩ giáo viên đi dạy vì tiền, hoặc đúng giờ lên lớp, hết giờ thì ra về. Học sinh mấy chục em, em nào thích thì theo kèm, em nào không thích thì mặc kệ, học được bao nhiêu thì học.

Tuy nhiên, đâu thể vơ đũa cả nắm. Còn rất nhiều người thầy ngày đêm trăn trở vì học sinh. Như gia đình thầy giáo trên đây, mỗi thế hệ làm thầy đều vô cùng quan tâm học sinh, theo sát từng em một. Lời người thầy những năm 60 thế kỷ trước thật sự rất có ý nghĩa.

Chỉ khi giáo viên nắm rõ từng mảnh đời học sinh mới có cách giáo dục cụ thể, hiệu quả. Em cũng quen một số anh chị làm giáo viên ở vùng quê nghèo. Ở đó thì làm gì có chuyện dạy vì tiền hở mọi người. Một chị kể nhiều lúc thấy học sinh học yếu, không theo kịp bài, chị còn phải đến nhà năn nỉ phụ huynh cho chị kèm thêm sau giờ học.

Vì sao phải năn nỉ, vì những em đó nhà nghèo lắm. Sau giờ học, các em phải phụ giúp gia đình làm việc, mưu sinh. Nhưng là cô giáo, chị không thể buông xuôi để học sinh mình yếu kém được. Tất nhiên, dạy kèm thêm cho các em, chị không lấy tiền, chỉ mong các em tiến bộ.

Phụ huynh về sau thấy cô thương trò thì họ thương lại. Có khi bảo con mang cho cô giáo quả bí, con cá, nhờ vậy mà chị cũng có thể sống qua những năm tháng khó khăn, bám trụ với nghề. Cho nên đừng vì con sâu làm rầu nồi canh, vì một vài trường hợp giáo viên không chuẩn mực mà gắn mác không tốt cho người làm thầy.