Giữa Sài Gòn hoa lệ này lại tồn tại một quán cháo hơn 40 năm với giá chỉ 5 nghìn đồng/tô, không những ngon mà còn chứa đựng những câu chuyện đầy tình người.

Quán cháo "hào sảng" này là của của bà Phan Thị Thu Hồng (hay còn gọi là cô Tư Hồng), 52 tuổi, ở tại số T6 đường Nguyễn Hữu Hào (Phường 8, Quận 4, TP.HCM). Quán cháo tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông kín người từ sáng sớm. Cô Tư bày một chiếc tủ kính đựng hành lá, gừng, tiêu, bánh quẩy, da lợn và bát đĩa, thìa... cạnh bà là hai nồi cháo lớn luôn nghi ngút khói. Quán không thuê người ngoài phụ giúp mà đều là người thân của bà Hồng bao gồm chồng, con gái, cháu ngoại, toàn chị em con cháu... phụ quán xong buổi sáng thì việc ai người đó làm, có người thì đi may đồ, người thì chạy xe ôm công nghệ..."

Thật không ngoa khi gọi quán cháo của cô Tư là quán cháo rẻ nhất Sài Gòn, bởi ở cái thành phố đắt đỏ này hiếm có quán nào vẫn còn giữ mức giá bán 5.000 đồng cho một tô cháo. Nghe đâu trước đây từ thời của mẹ bà, mỗi tô cháo chỉ có giá 1.500 đồng, sau vì vật giá leo thang nên phải tăng lên 5.000 đồng rồi giữ miết mấy chục năm qua không thèm đổi giá.

hình ảnh

Cận cảnh tô cháo huyết giá thì thấp nhưng chất lượng thì cao của cô Tư Hồng, nêm nếm rất hợp khẩu vị nha! (Ảnh: VNE)

Quán cháo cô Tư không có biển hiệu, không bàn để đặt tô cháo cho sang trọng, tô muỗng cũng là những vật dụng từ thời xưa nhưng người dân vẫn thích, vẫn ghé. Bởi đa số thực khách ở đây là người lao động, họ không cần một không gian ăn sáng quá chỉn chu, chỉ cần nhanh gọn, no bụng là chịu. Cô Tư còn chia sẻ, bán cháo huyết không cần quá lời, cảm thấy đủ "kiếm cơm ăn" là được. "Khách đến quán đông mình rất vui, người ta tìm mình mua cháo, ăn lần 3-4 tô là mình đã hạnh phúc, trước giờ vẫn vậy".

Anh Thuận Triều (quận 8) thường chở vợ con qua quán của bà Hồng ăn sáng. Anh thích ăn tại đây vì món nóng, phục vụ nhanh và rẻ. "Cháo có mùi vị đậm đà, nước cháo rất ngọt, bán giá 5.000 đồng là quá rẻ. Một mình tôi có thể ăn 4-5 tô cháo, còn con trai thì ăn 2 tô. Chỗ này bán đắt hàng lắm, có khi tôi qua lúc 9h30-10h là tiệm hết cháo. Đợt trước qua thì cô còn 4 tô, đủ tôi, vợ và hai con ăn, rất ngon miệng nên lần nào cũng phải đi sớm", anh Triều cho biết.

hình ảnh

Quán cháo không có bàn, chỉ có ghế con cho khách ngồi và cũng dùng để tô cháo cho đỡ nóng. Khách đi xe máy đến quán để xe phía trước, xếp gọn cạnh chỗ ăn (Ảnh: VNE)

hình ảnh

Giờ đây, không chỉ là người lao động có thu nhập thấp, nhiều nhân viên văn phòng, công nhân viên chức cũng bị mê hoặc bởi quán cháo cô Tư (Ảnh: Dân Trí)

Còn cô Bích Huệ (quận 4) là khách quen của quán nhiều năm nay: "Hiện có nhiều quán cháo nhưng họ biến tấu với thành phần đa dạng, ăn dễ ngán, cháo huyết thì dễ ăn, đơn giản nên mình thích, không quá ngấy. Với lại, cháo vừa ngon vừa rẻ, giá bình dân. Với những người dân không có thu nhập nhiều thì rất phù hợp, chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng là đã có phần ăn sáng, giờ ít có nơi nào bán giá rẻ như vậy", cô Huệ nói.

hình ảnh

Hơn 40 năm qua, quán cháo huyết của cô Tư Hồng đã làm "mê mệt" biết bao nhiêu thế hệ (Ảnh: VNE)

Thiệt tình nói ra nhiều người không tin, bán 5.000 đồng làm sao mà lời, làm sao mà sống? Ấy vậy mà cái hàng cháo nhỏ không tên này vẫn bền vững theo thời gian, là cái tình của người lao động ở cái đất này nó thiệt thà mà dễ thương vậy đó. Nhìn những tô cháo đầy ắp nghi ngút khói của cô Tư làm tôi nhớ thời còn nhỏ quá đi thôi! Hồi đó nhà tôi ở gần chợ, cũng có gánh cháo dạng như vầy. Sáng nào trước giờ học cũng được mẹ mua cho một tô ngồi xì xụp húp lấy húp để. Giờ mà tìm được quán cháo bình dân thế này khó lắm, tranh thủ thời tiết Sài Gòn dạo này se se lạnh thì mọi người qua ủng hộ cô Tư nhen!

Theo VNE