‘Cô vi’ kéo dài khiến hàng loạt công ty đóng cửa, nhiều lao động thất nghiệp và chưa biết ngày có thể đi làm trở lại được. Nhưng có người nhanh chóng nắm bắt cơ hội, chuyển hướng kiếm tiền và vui mừng khi nguồn thu nhập đó bằng hoặc có khi hơn tiền lương ngày trước đi làm ở công ty.

>>> Tranh thủ lúc nhiều người cần, gom rau quê lên TP.HCM bán: Mới 2 ngày lời chục triệu

Em đọc được một bài viết trên trang Vietnamnet nói về chị Liên ở Linh Đàm, Hà Nội mất việc ngay đúng dịp giãn cách nên không thể tìm được việc làm thêm. Chị kể vốn dĩ trước đây chị làm marketing cho một công ty văn phòng phẩm, vì tình hình ‘cô vi’ mà chị phải nghỉ làm không lương hơn 2 tháng nay. Thất nghiệp lại không có nguồn thu nhập khác khiến chị như đang ngồi trên đống lửa, phải cố gắng thắt chặt chi tiêu.

hình ảnh


Ảnh: Chị Liên khởi nghiệp làm và bán bánh Trung thu chỉ với số vốn 3 triệu đồng. Nguồn: Vietnamnet. 

Dịp Tết Trung thu sắp đến, đang thất nghiệp nên chị chẳng có tâm trí để bỏ tiền ra mua bánh Trung thu. Thời điểm này mua bánh Trung thu để ăn là thứ gì đó xa xỉ với gia đình chị. Bất chợt chị lại nghĩ đến chuyện tự làm bánh cho con nhỏ ăn cho có không khí Rằm tháng 8, lại tranh thủ lúc nhàn rỗi thử làm bánh kiếm thêm tiền.

Sau chị suy tính năm nay do ảnh hưởng ‘cô vi’ mà nhiều công ty sản xuất bánh Trung thu tạm ngưng, nên chị nghĩ đây là cơ hội để chị và các bà nội trợ khéo tay trổ tài làm bánh Trung thu handmade bán.

Thêm nữa là những năm gần đây, người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm bánh Trung thu handmade hơn vì không có chất bảo quản, không theo dây chuyền nên có thể điều chỉnh hương vị và độ ngọt nhân bánh cũng như dày mỏng theo ý thích và khẩu vị ăn của từng người.

Bán bánh Trung thu handmade không cần tốn tiền mặt bằng, chỉ cần bán online cũng có thể mang lại thêm nguồn thu nhập. Để bắt tay vào việc làm bánh Trung thu handmade, chị Liên đã chi ra 3 triệu đồng mua sắm các thứ gồm:

- Dụng cụ làm bánh cơ bản: 300.000 đồng.

Đó là trọn bộ các thứ như khuôn làm bánh, rây lưới, giấy thấm dầu, nhiệt kế lò, tạp dề, găng tay nướng bánh...

- Lò nướng bánh: 2 triệu đồng.

Hiện giờ trên thị trường có nhiều loại lò nướng với giá cả khác nhau, nếu mua loại của Trung Quốc thì tầm 2 – 3 triệu đồng, loại Âu Mỹ đắt hơn khoảng 10 triệu đồng.

Vì mới bắt đầu nên chị Liên chỉ mua loại rẻ, và chịu khó canh lò nên cũng cho ra được những mẻ bánh ngon, thậm chí có thể làm được bánh dẻo mà không cần sử dụng lò nướng.

- Nguyên liệu làm bánh: 400.000 đồng.

Trong đó nhân bánh khoảng 300.000 đồng, còn vỏ bánh thì khoảng 100.000 đồng. Bởi một chiếc bánh Trung thu hoàn hảo không chỉ có phần nhân thơm ngon, đậm đà mà vỏ cũng cần đẹp mắt. Nên chị chủ động cân bằng nguồn tài chính để giúp tạo ra sản phẩm như ý.

Nhân bánh thì thường có dạng nhân thập cẩm và nhân nhuyễn. Đối với nhân bánh thập cẩm thì phải có các nguyên liệu như mứt bí, hạt sen, hạt dưa, hạt bí, lạp xưởng, mè trắng, lá chanh, thịt xá xíu và các loạt sốt như dầu mè, mật ngô, hắc xì dầu, bột bánh dẻo, rượu và mai quế lộ… Đối với nhân nhuyễn thường được làm từ hạt sen, các loại đậu, khoai hoặc là trứng muối, giá khá đắt đỏ.

Phần vỏ bánh thì chỉ cần có nước đường, tro tàu hoặc baking soda, bột làm bánh nên có giá rẻ hơn.

- Vỏ hộp đựng bánh: 300.000 đồng.

Chị chọn mẫu thiết kế theo phong cách cổ điển xen hiện đại nên giá không quá đắt chỉ tầm 10.000 đồng đến 20.000 đồng/hộp tùy loại.

Dùng hết 3 triệu làm vốn khởi nghiệp, chị Liên đã làm được bánh Trung thu handmade và bán với giá 40.000 đồng/cái.

hình ảnh


Ảnh trái: Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng bánh Trung thu tự làm. Ảnh phải: Mỗi chiếc bánh Trung thu chị Liên bán 40.000 đồng. Nguồn: Vietnamnet. 

Giờ đây, chị Liên đang tất bật với những mẻ bánh phục vụ cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cư dân chung cư nơi chị sống. Mới 2 – 3 mẻ đầu, chị bán thu về lãi được một nửa sau khi trừ hết các chi phí. Những người khách đầu tiên ăn bánh khen ngon, đẹp và chất lượng nên giới thiệu cho người khác, nhờ vậy mà chị bán được. Bình quân mỗi ngày bán được 20 – 30 cái bánh.

Theo chị, đây chỉ là những người thân quen mua ủng hộ, chị thực sự vẫn chưa bước vào nghề để kiếm tiền, trở thành nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, khởi đầu như vậy với chị là tạm ổn và dường như nó mở ra hướng đi mới cho chị trong lúc khó khăn.

Chị cho biết sau khi hết ‘cô vi’ sẽ tìm nơi học làm bánh bài bản hơn rồi tìm cách quảng bá bán hàng, có lẽ khi bắt tay làm thực sự mới gặp khó khăn, thử thách và vất vả vì phải làm từ sáng đến tối. Đối với chị như vậy là vui rồi vì có hy vọng về công việc mới chủ động mang lại nguồn thu nhập cho mình.

Đúng là thời điểm này ai cũng khó khăn, nhưng thay vì than vãn và trách móc thì chúng ta nên tìm hướng đi mới cho mình. Biết đâu sau khoảng thời gian này, chị em mình giỏi hơn, lại chủ động tìm được thêm nguồn thu nhập cho mình ngoài tiền lương từ công ty. Hãy biến khó khăn thành cơ hội để vượt qua thử thách, rồi sau này có khi nhìn lại mình cảm thấy tự hào và cũng có khi chợt nghĩ vì sao thời điểm đó mình lại làm được như vậy.

Bữa giờ đọc báo em thấy rất nhiều mẩu chuyện biến thời điểm này thành cơ hội vàng để học cách tự kinh doanh và làm chủ, đó cũng là điều mà nhiều chị em mong muốn và hướng tới phải không nè?