1. Trẻ gái khi có kinh nguyệt mới gọi là dậy thì !

Đây là một sai lầm phổ biến ở các bậc phụ huynh. Nếu quá trình dậy thì của trẻ khởi phát do các xung nội tiết từ não bộ, dậy thì sớm được phân loại là dậy thì sớm trung ương với dấu hiệu đầu tiên là vú bắt đầu phát triển. Thứ tự tiếp theo của quá trình dậy thì là xuất hiện lông mu, và cuối cùng là kinh nguyệt, đánh dấu quá trình dậy thì hoàn thiện. Như vậy, dấu hiệu có kinh nguyệt là dấu hiệu trễ, chứng tỏ quá trình dậy thì đã tiến xa (thường xuất hiện sau khi phát triển tuyến vú từ 2 đến 3 năm). Phụ huynh nên chú ý, quá trình dậy thì bắt đầu từ khi ngực trẻ tăng kích thước, hoặc nổi một khối nhỏ mà dân gian gọi là “trái chàm”. Hiện tượng này nếu xuất hiện trước 8 tuổi thì con bạn có khả năng dậy thì sớm và cần đưa đến khám bệnh kịp thời. (1)

2. Trẻ cao lớn nhanh là dấu hiệu tốt chứ không liên quan đến dậy thì sớm!

Trong quá trình dậy thì, các nội tiết tố sinh dục kích thích sự trưởng thành ở các đầu xương và làm trẻ cao nhanh. Nhiều bậc phụ huynh thấy con mình đột nhiên “lớn nhanh như thổi”, cao vượt trội so với bạn cùng lớp thì vui mừng vì sự phát triển của bé. Tuy nhiên, dậy thì sớm sẽ gây đóng đầu xương sớm và gây ảnh hưởng chiều cao khi trưởng thành, vậy thì con cao lớn vượt trội bạn bè vốn nên là điều đáng lưu tâm. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp vào thời điểm đó, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Thông thường, một trẻ trước tuổi dậy thì sẽ tăng khoảng 5-6 cm/ năm. Nếu trẻ tăng chiều cao nhanh lớn hơn 6 cm trong một năm thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nội tiết nhi vì có thể trẻ đã mắc dậy thì sớm. Do vậy, thường xuyên theo dõi chiều cao của trẻ, ghi chú lại các mốc phát triển chiều cao cho bé cũng là một cách giúp các bậc phụ huynh nhận biết con mình bị “lớn trước tuổi”. Cha mẹ luôn muốn con mình cao lớn, nhưng không phải tất cả sự tăng trưởng trong thời gian ngắn là bình thường. Nếu trẻ chưa đến tuổi phát triển mà đột ngột cao bất thường, cha mẹ cần đề phòng xem trẻ có bị dậy thì sớm hay không. (1)(2)

hình ảnh
Hình: Thường xuyên theo dõi chiều cao con trẻ giúp phát hiện dậy thì sớm

3. Con trai khi xuất tinh mới gọi là dậy thì !

Dậy thì sớm trung ương ở trẻ trai khởi phát với dấu hiệu đầu tiên là tăng kích thước tinh hoàn. Thể tích tinh hoàn bình thường ở một trẻ trước dậy thì là nhỏ hơn 3 ml, trong khi thể tích tinh hoàn từ 4 ml trở lên được xem là dấu hiệu bắt đầu vào tuổi dậy thì. Thứ tự tiếp theo của quá trình dậy thì là tăng kích thước dương vật và xuất hiện lông mu, và cuối cùng là xuất tinh. Như vậy, xuất tinh là dấu hiệu trễ, đánh dấu quá trình dậy thì đã hoàn thiện. Nếu bố mẹ chủ quan và đợi đến khi trẻ xuất tinh mới đưa trẻ đến khám thì đã chậm trễ, ảnh hưởng hiệu quả điều trị.

4. Dậy thì sớm chỉ là bệnh lành tính, không tiềm ẩn nguyên nhân gì bên trong.

Phần lớn dậy thì sớm do xung nội tiết từ não bộ hay còn gọi là dậy thì sớm trung ương ở trẻ gái trên 6 tuổi là không rõ nguyên nhân, chiếm 90%. Tuy nhiên, ở trẻ gái dưới 6 tuổi và ở trẻ trai ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ có nguyên nhân do khối u từ não hoặc do các tổn thương do nguyên nhân khác ở não cao hơn nhiều, có thể lên đến 50% (3). Do vậy, dậy thì sớm không chỉ đơn thuần là lớn trước tuổi mà còn có thể tiềm ẩn bất thường từ hệ thần kinh trung ương, nên bạn nên đưa con em đến bác sĩ khám để chẩn đoán và tìm hiểu nguyên nhân. Bên cạnh, dậy thì sớm ngoại biên (không do sự điều khiển của não bộ) có thể do nang buồng trứng, tăng sản thượng thận bẩm sinh, u ở tinh hoàn,…. Những bệnh lý tiềm ẩn này cần được khảo sát và điều trị kịp thời.

hình ảnh
Hình: Phát triển ngực là dấu hiệu đầu tiên của dậy thì sớm ở trẻ nữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Nguyễn Phú Đạt (2016), "Rối loạn phát triển dậy thì", Trong: Sách giáo khoa nhi khoa, hiệu đính: Nguyễn Công Khanh, Lê Nam Trà, Nguyễn Thu Nhạn, Hoàng Trọng Kim. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. tr. 1281-1285

(2) Berberoğlu M (2009), "Precocious puberty and normal variant puberty: definition, etiology, diagnosis and current management", Journal of Clinical Research in Pediatric Endocrinology, 1, pp. 164-174.

(3) Dennis M, Melvin M (2011), "Puberty: Ontogeny, Neuroendocrinology, Physiology, and Disorders", In: Melmed, Polonsky, Larsen, Kronenberg, editors, Williams Textbook of Endocrinology, 13 ed. pp. pp1054-1199