Cách đây không lâu, mạng xã hội từng được phen xôn xao về cô gái chỉ tiêu 35 ngàn mỗi ngày nhưng mua được 2 căn nhà thì hôm nay, lại có câu chuyện tương tự về người đàn ông sống tằn tiện để được nghỉ hưu sớm.

Đó là ông Sakaguchi Kazuma (hiện sống ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) từng là một nhân viên văn phòng bình thường như bao người khác. Khi ông bước qua tuổi 51, tức là 7 năm trước, Kazuma đưa ra quyết định táo bạo là xin nghỉ việc, cắt đứt nguồn thu nhập duy nhất của mình.

hình ảnh

Người đàn ông tự về hưu sớm nhờ lối sống tiết kiệm (Ảnh: Sohu)

Lý do từ chức không phải do mệt mỏi hay bị bắt nạt nơi công sở mà bởi người đàn ông này đã tích lũy được 100 triệu yen (hơn 20,7 tỷ đồng) sau 33 năm làm việc. Mức thu nhập hàng năm của ông là 4,5 triệu yen, nhỉnh hơn một chút so với mức trung bình hàng năm của người Nhật là 4,36 triệu yen.

Để tiết kiệm được 100 triệu yen không phải điều đơn giản so với mức sống khá đặt đỏ tại xứ phù tang. Không chỉ có khoản tiền phòng thân, Kazuma còn sở hữu căn hộ rộng 90 m2 với 3 phòng ngủ, nội thất đầy đủ, mua cách đây 15 năm. Mọi khoản nợ đã được thanh toán hết, người đàn ông 58 tuổi không còn áp lực với các khoản thế chấp.

Nhờ vào lối sống tối giản, tiết kiệm của ông suốt nhiều thập kỷ nên mỗi năm ông giữ lại được 3,3 triệu yen trên tổng thu nhập. Nhiều người khẳng định với cách tiêu tiền đó, hẳn ông phải là người sống rất chi li, kham khổ và khắc nghiệt với bản thân.

Tuy nhiên, Kazuma nói rằng ông thoải mái với cuộc sống của mình. Người đàn ông cho biết chỉ chi tiền cho những thứ thực sự cần thiết và sử dụng cho đến khi chúng cũ nát. "Tôi đã mặc một chiếc áo phông tới 10 năm. Nhiều người hỏi tại sao tôi không vứt nó đi. Nhưng tại sao tôi phải mua một cái mới trong khi áo đó vẫn còn mặc được chứ", Kazuma nói.

hình ảnh

Chiếc điện thoại cũ và tủ lạnh trống không của ông Kazuma (Ảnh: Sohu)

Kazuma có ham muốn vật chất thấp, chỉ tập trung vào những thứ mình cần và không chạy theo xu hướng. Ông cũng chọn những tiệm cắt tóc rẻ tiền nhất. Những salon đắt tiền thường có nhiều nhân viên chào mời, quảng cáo khiến ông thấy phiền phức.

Tủ lạnh nhà Kazuma thường trống không. Ông không mua dự trữ mà nấu ngày nào, mua ngày đó. Như vậy, ông vừa tiết kiệm được tiền, lại không lãng phí đồ ăn. Ông cũng dùng chiếc điện thoại mua cách đây gần 15 năm, vỏ ngoài bong tróc, chỉ phục vụ nhu cầu gọi điện và nhắn tin.

Nhờ vậy, tiền bạc của ông được tiết kiệm một cách tự nhiên. Trong khi nhiều người liên tục làm "phép cộng", mua thêm nhiều thứ để khiến bản thân hạnh phúc, Kazuma lại thích làm "phép trừ" để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Cách đây hơn 2 năm, ông và vợ đã ly hôn. Cả hai không có con cái nên sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, ông không có điều gì hối hận, cảm thấy tự do hơn với cuộc sống độc thân. Thỉnh thoảng ông đăng ký làm tình nguyện viên ở những vùng bị thiên tai, hoặc một mình đi du lịch, gặp gỡ bạn bè và trò chuyện mà không cần lo lắng về bất cứ ai.

Kazuma cũng có nhiều thời gian cho sở thích cá nhân sau khi nghỉ việc. Ông thường mang bếp nướng vào công viên, tự nấu nướng và thưởng thức một mình. Nhiều người cho rằng điều đó khá nhàm chán, song ông thấy hạnh phúc. Không để tâm đến ánh mắt của người xung quanh, Kazuma chỉ chìm đắm vào thế giới riêng của mình.

hình ảnh

Người đàn ông hài lòng với lối sống của mình (Ảnh: Sohu)

Nếu là ngày bình thường, hẳn sẽ có rất nhiều ý kiến chê trách lối sống của ông Kazuma, rằng ông keo kiệt với bản thân, phí hoài tuổi xuân, tồn tại mà phải kham khổ thì có ý nghĩa gì. Thế nhưng, khi đại dịch ập tới, chúng ta dần nhận ra, những người có đức tính tiết kiệm lại là những người bền vững nhất.

Ở nhiều đất nước, kể cả Việt Nam, nghỉ hưu ở độ tuổi 51 không có gì là quá sớm. Thế nhưng tại Nhật Bản, nhất là ở những thành phố lớn, nhiều người sống đến già vãn không có nhà, vẫn phải đi làm mưu sinh cả đời. Thế nên, khi ông Kazuma chia sẻ mình đã có tài sản ổn định, có tiền dự phòng, làm cho nhiều đồng nghiệp cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ.

Vậy là từ đây, ông được sống với thế giới của riêng mình, đi câu cá, đi dạo phố, đi tản bộ. Ông không còn phải chịu áp lực từ công việc, từ những lời trách móc của sếp, không còn cảnh đi làm sớm mà đi về trễ, quần quật cả cuối tuần...vốn là văn hóa đặc trưng của xứ sở mặt trời mọc.

Với ông Kazuma, một chiếc điện thoại chỉ nên làm đúng chức năng của nó là gọi điện, nhắn tin. Một bộ áo quần còn dùng được thì không cần thiết phải vứt bỏ. Tư tưởng này là tư tưởng của người xưa cũ, có thể không còn hợp thời, có thể không hợp quan điểm của người trẻ, nhưng lại bí quyết lớn để cụ ông hoàn thành mơ ước của mình.

hình ảnh

Căn nhà đầy đủ tiện nghi của ông Kazuma sau 33 năm làm việc  (Ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, lối sống của ông Kazuma cũng không nên cổ xúy cho lớp trẻ ngày nay, nếu không thì các nhãn hiệu quần áo, điện thoại, tủ lạnh, tivi sẽ không có cơ hội tồn tại, không có kích cầu mua sắm thì làm sao tăng động lực lao động?

Thôi thì, chúng ta hãy cứ trung hòa, tiền làm ra vẫn phải chi tiêu cho bản thân, riêng phái nữ vẫn phải mua son, có đồ trang điểm, có quần áo mới, vẫn phải tụ tập bạn bè xả tress. Nhưng hãy cân nhắc tài chính của mình để biết điểm dừng và đừng bao giờ bỏ bê việc tích lũy, để dành cho tương lai, đó mới là lối sống khoa học nhất!

Nguồn: Zing