Không đơn thuần chỉ là một dịch vụ cho thuê có tính phí, ở đây còn là một sự đồng cảm và thấu hiểu giữa những con người cô đơn trong nỗi cô đơn của chính mình.

Nói qua về công việc "không mất sức" này thì nó xuất phát từ trào lưu "Rent a man" - bắt nguồn từ Nhật Bản, là dịch vụ tính phí để mang đến cho khách hàng những người đàn ông lạ mặt sẵn sàng cùng trò chuyện, tâm sự, hát karaoke hay chỉ đơn giản ngồi lắng nghe và không làm bất cứ điều gì khác. Dịch vụ nghe có vẻ kỳ lạ này đang lan rộng sang nhiều khu vực khác, trở nên phổ biến tại Hong Kong thời gian gần đây. Từ những chàng trai 20-30 tuổi cho đến đàn ông trung niên bắt đầu quảng bá về dịch vụ trên Internet để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng hậu đại dịch. 

Thế nhưng bạn có bao giờ thắc mắc, những người làm công việc này họ có suy nghĩ hay hoàn cảnh thế nào khi bắt đầu đến với dịch vụ "đặc biệt" này không?

hình ảnhDịch vụ "đi cùng người lạ" phổ biến ở Hong Kong những năm gần đây (Ảnh: Vietnamnet)

Anh Fio, 27 tuổi là một người làm trong lĩnh vực tư vấn thực phẩm và đồ uống. Anh thiết lập Facebook để phát triển dịch vụ trên. Khi đăng tải, có 3 người liên hệ với anh bao gồm một nhân viên văn phòng đề nghị Fio đi cùng cô sau khi chia tay, một sinh viên ngành muốn Fio quan sát buổi tập, còn một bà nội trợ cần Fio đánh giá những món ăn mới mà cô định nấu cho buổi lễ kỷ niệm ngày cưới.

"Tôi thật sự thích nghe những câu chuyện mọi người kể với mình. Tôi muốn liên lạc với nhiều kiểu người khác nhau và biết họ đang làm gì", Fio chia sẻ.

Với Fio, sau 3 khách đầu tiên, không có khách nào nữa. Nhưng anh không ngạc nhiên vì cho rằng người Hong Kong rất thận trọng khi để người lạ lại gần mình. Fio không tính phí khi gặp 3 khách đầu tiên nhưng anh dự định sẽ tính 200 đô la Hong Kong/khách (590.000 đồng) khi gặp sau này.

Với nhiếp ảnh gia Lip, 45 tuổi ở Hong Kong bắt đầu dịch vụ này cùng lúc với Fio. Anh tự gọi bản thân là "Hong Kong Ossan Rental" - thuật ngữ trong tiếng Nhật để chỉ một người đàn ông hoặc chú trung niên.

"Trong những thời điểm khó khăn trong đời, nhận thấy mọi người cần sự động viên lẫn nhau để phát triển và làm cho cuộc sống dễ dàng hơn", Lip nói.

Trước đây anh đã trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ. Lip còn nhớ về lần cố cứu vãn cuộc hôn nhân thứ 2, khó khăn tài chính và nỗi đau buồn khi mẹ qua đời. Khi bắt đầu với công việc thú vị này, có 3 người phụ nữ gặp rắc rối với chồng hoặc bạn trai đã tìm đến với Lip để trút bầu tâm sự và xin lời khuyên. "Tôi nói với họ mình không phải là chuyên gia, chỉ là cùng nhau dùng bữa và trò chuyện", Lip chia sẻ.

Từ câu chuyện của bản thân về cách hàn gắn mối quan hệ hôn nhân với vợ, Lip có thể trò chuyện, động viên khách. Anh cũng cho rằng con cái là chìa khóa để hòa giải. "Tôi thực sự không muốn thấy các cặp vợ chồng ly hôn, đặc biệt là khi họ có con", anh nói.

Tìm hiểu thêm về những tiềm năng mà dịch vụ "đi cùng người lạ" mang lại, nhóm bạn ở độ tuổi đôi mươi Ryszard Yeung, Joseph Lui và Olivia Arakawa vừa thiết lập cổng online kết nối cho biết: "Chúng tôi nhận thấy ở Hong Kong thực sự có rất nhiều người cần bạn đồng hành và một đôi tai biết lắng nghe và sẵn lòng trả tiền. Có thị trường và nhà cung cấp, tại sao chúng ta không kết nối họ với nhau?", Yeng chia sẻ.

Theo Yeung, tương tác giữa mọi người đang bị quên lãng, ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết vì giao tiếp chủ yếu qua smartphone: "Ở bên cạnh một con người thật không phải là thứ mạng xã hội có thể mang đến và nó là điều thiết yếu trong các tương tác giữa con người với nhau", anh nói. Mà với người thân, có khi gặp rồi, bên cạnh nhau cũng khó mở lời, khó thấu hiểu khách quan được.

Chỉ trong vòng một tháng kể từ khi cổng online kết nối được mở ra, đã khoảng 30 người đăng ký cung cấp dịch vụ, chủ yếu là nam giới 20-30 tuổi, một số ít là nữ và con số trên còn có thể tiếp tục tăng nhanh trong năm 2022. Mức giá của dịch vụ này là 30 đô la Hong Kong mỗi lần gặp và 15% trong đó được tính cho cổng online kết nối.

hình ảnh

Ảnh trái, giữa: Những thanh niên, có cả người nổi tiếng nhận thấy tiềm năng của dịch vụ này; Ảnh phải minh họa (Nguồn: Vietnamnet)

Có thể thấy, dịch vụ "mượn tai" này sau những dòng chia sẻ từ người trong cuộc thì nó không quá "kì cục" như mọi người vẫn hay nghĩ. Xã hội càng phát triển hiện đại, con người càng đối mặt với nhiều cô lập. Ai cũng phải trải qua thời kỳ khó khăn về tình cảm, cảm thấy cô đơn khi không biết chia sẻ cùng ai hoặc không đủ tin tưởng với ai thì đây thật sự là một dịch vụ tuyệt vời. Cuộc sống hiện đại giúp chúng ta có đủ tiền để "mua" sự chia sẻ, một không gian có thể thỏa thích thể hiện bản thân mà không làm phiền đến người khác.

Cô đơn đáng sợ lắm, nhất là với những người trẻ. Bởi vì có quá nhiều áp lực, nên mới thấy cô đơn, bởi vì bị mất lòng tin nên mới thấy cô đơn, và bởi vì không tìm được chỗ dựa nên thấy cô đơn. Những vị khách tìm đến dịch vụ sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ lòng hơn khi được chia sẻ mà không cần phải quan tâm đối phương nghĩ gì, đánh giá mình như thế nào (so với tâm sự cùng người thân quen). Người cho thuê dịch vụ thì cảm thấy ý nghĩa hơn khi chính mình một phần nào đó san sẻ chút khó khăn, áp lực cùng khách hàng. Vậy thì mọi người có nghĩ, dịch vụ này cần phát triển rộng rãi hơn trên thế giới không nhỉ?

Theo Zing/Vietnamnet