Nói chuyện không chủ vị ngữ, cũng chẳng biết lịch sự chào hỏi đã đành, người xin việc bây giờ còn "tỉnh bơ" phốt luôn nhà tuyển dụng trong khi bản thân sai rành rành.

hình ảnhNhắn tin xin việc, nữ ứng viên thái độ "cộc lốc" khiến nhà tuyển dụng từ chối thẳng: Thái độ hơn trình độ (Ảnh minh họa: cunman.com & zhifure.com)

Tuyển dụng ngày càng nhiều tiện lợi khi các ứng viên không cần phải đến tận công ty để gửi CV nữa. Các công đoạn đều có thể online hóa, giúp cho ứng viên chỉ cần gửi qua email hay thậm chí nhắn tin thôi là cũng có thể sắp xếp công việc. Tuy nhiên có lẽ do dần "cởi mở" quá hay sao mà tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu ý tứ quá. Ngay cả phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp hàng ngày mà các bạn vẫn không nắm rõ thì dù chưa biết năng lực thế nào, nhà tuyển dụng cũng sẵn sàng từ chối thẳng. Cái đó gọi là thiếu kỹ năng mềm đấy! Điển hình như trường hợp của nữ ứng viên trong câu chuyện đang được chia sẻ ít ngày gần đây.

Cụ thể theo như đoạn tin nhắn mà cô ứng viên đăng tải, thay vì lịch sự chào hỏi và dùng kính ngữ đàng hoàng thì cô gái này lại có màn chào hỏi rất "chợ". Để rồi bị nhà tuyển dụng chất vấn thì cô lại chụp màn hình và đem lên mạng "phốt" như lỗi chẳng phải thuộc về mình.

Cô gái viết: "Mấy bạn ơi cho tui hỏi HR này là tới tháng hay sao mà khó khăn quá vậy các bạn? Bây giờ ứng viên có nói chuyện mà nó phũ như vậy luôn à?".

hình ảnhDòng tin nhắn xin việc của nữ ứng viên và nhà tuyển dụng (Ảnh: 2Sao)

Bên dưới bài viết, nhiều người cho rằng chắc cô gái muốn nhận thêm "gạch đá" nên mới dám đăng lên "phốt" như vậy. Ngoài ra, một số bình luận khác còn cho rằng, nữ ứng viên này chắc còn trẻ, lần đầu đi xin việc chưa có kinh nghiệm nên mới dẫn đến tình huống kể trên. 

- Kiểu nói chuyện như bạn này là không thèm trả lời. HR kia trả lời là còn lịch sự lắm rồi. Trường hợp này là bạn cần việc, người ta trả lương cho bạn đấy.

- Công nhận là thời đại ngày nay cởi mở rồi nhưng cái tối thiểu khi đi xin việc thì phải chuyên nghiệp, lịch sự.

- Bởi vậy nhiều công ty để slogan: "Thái độ hơn trình độ" cũng có lý do cả. Đến cả câu giao tiếp cơ bản cũng mất điểm thì làm sao mà đi xin việc được.

Những câu chuyện đi xin việc nhưng lại "đánh rơi" phép lịch sự như trên vốn dĩ không mới, tuy nhiên lần nào được chia sẻ trên mạng xã hội thì cũng đều nhận được sự chú ý đông đảo từ phía cộng đồng mạng. Còn nhớ cách đây không lâu, câu chuyện về chàng trai sinh năm 2000 đi xin việc nhưng lại chẳng dạ thưa hay có chủ ngữ, vị ngữ gì trong tin nhắn khiến dân mạng hết sức "nóng máu". Thậm chí nam sinh này còn rất bình thản trả lời một cách trống không như “Alo”, “Ở bạn cần tuyển nhân viên không”, “Việc tại nhà”. Chính những điều này đã khiến cho nhà tuyển dụng tỏ ra lắc đầu ngao ngán ngay từ lần đầu tiếp xúc chứ đừng nói gì đến việc cùng hợp tác phát triển.

Và để dạy nam sinh bài học nhớ đời cho thái độ hống hách khi nói chuyện với người khác, nhà tuyển dụng này đã tuyên bố thẳng thừng một điều có lẽ sẽ khiến anh chàng khắc cốt ghi tâm: “Bạn nên xem lại cách ăn nói xong thì đi xin việc”.

hình ảnhĐoạn tin nhắn trao đổi giữa nam sinh 2000 với nhà tuyển dụng. Ảnh: Trọng Thủy BG/ Saostar)

Đúng là thời buổi công nghệ 4.0, chuyện xin việc thông qua tin nhắn thế này công nhận tiện lợi mà cũng bất cập quá, mọi người ha! Mà nhiều bạn trẻ giờ cũng ngộ, muốn tìm việc nhưng lại không thể hiện được sự cầu thị hay làm cho người tuyển dụng cảm thấy có ấn tượng tốt ban đầu. Đã vậy lỗi sai thuộc về mình "rành rành" mà cứ hễ chút là mang lên mạng 'bóc phốt"...

Hi vọng những câu chuyện trên sẽ mang đến bài học cho nhiều bạn trẻ, cần có nhận thức đúng hơn về thái độ trong giao tiếp. Hai chữ thái độ đôi khi chính là chìa khóa quyết định tất cả.

Nguồn tham khảo: 2sao