Dạo gần đây, nhiều người trẻ rủ nhau cùng về quê. Có người vì muốn lập nghiệp, có người theo trào lưu, có người chán phố thị, có người vì dịch dã. Nhưng cũng có những lý do bất ngờ hơn, ví như câu chuyện của cặp vợ chồng sau.

Năm 2018, chị Phi Hằng phát hiện có khối u ác tính khi mang thai con đầu lòng ở tuần 35. Sau khi được mổ lấy thai, người mẹ trẻ bắt đầu hóa và xạ trị. Trong một năm, chị sụt hơn 20 kg. Lúc này, chồng chị là anh Tường Hải quyết định đưa cả nhà về quê sinh sống.

Trước đó, kinh tế gia đình khá ổn định khi anh Hải làm quay phim, chụp ảnh cho các sự kiện và đám cưới, còn chị Hằng là chủ quán trà sữa ở tỉnh Bình Dương. Sau khi gia đình gặp biến cố, anh Tường Hải đưa vợ con về quê ngoại ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai dưỡng bệnh.

hình ảnh

Anh Hải tự xây ngôi nhà cho vợ dưỡng bệnh (Ảnh: Zing)

Gia đình ủng hộ nhưng chị Hằng còn chần chừ vì tham công tiếc việc. Cuối cùng, sự kiên quyết và câu nói “giờ không gì quan trọng bằng sức khỏe” của chồng, chị chấp nhận cùng anh đưa con rời phố về quê.

Năm ngoái, anh Hải bắt tay vào dựng nhà giữa khu đất đồi rộng 50.000 m2 của bố mẹ vợ. Anh thuê thợ xây phần thô, còn lại cùng một người em tự hoàn thiện. “Diện tích chỉ khoảng 45 m2 nhưng nhà đầy đủ khu chức năng như phòng ngủ, bếp, ban công, nhà vệ sinh. Tôi cũng tự đóng đồ đạc trong nhà như tủ quần áo, tủ chén bát”, anh nói.

Ban đầu, do không quen với công việc nông dân, người đàn ông 35 tuổi phải học bố mẹ vợ cách cầm cuốc, xẻng. Nhờ sự kiên nhẫn và chăm học hỏi, anh trồng thành công nhiều loại cây, trái sau không ít lần thất bại.

Vườn nhà tôi đang có các loại rau thơm, cải, đay, mồng tơi, cà bắp, dưa leo, bầu, bí, mướp, đậu xanh, bí đỏ, bơ… mùa nào ăn trái đó, riêng chuối có quanh năm. Quý nhất là vạt cây thảo dược như xạ đen, trinh nữ hoàng cung, xương khỉ, cây đuôi chuột để vợ uống và làm nước xông”, anh cho biết.

hình ảnh

Anh Hải học cách làm người nông dân thực thụ (Ảnh: Zing)

“Sau thời gian dài gần gũi với thiên nhiên, tôi thấy rất sảng khoái. Mỗi sáng có thể tự pha một tách trà hay cà phê ngồi nhâm nhi, không còn lo nghĩ mấy giờ phải đi làm. Sức khỏe vợ tôi cũng ổn định hơn. Bé con thoải mái chạy chơi trong vườn và tìm hiểu các loại cây, côn trùng xung quanh nhà”, ông bố trẻ nói.

Về phía chị Hằng, khi biến cố ập đến, chị thấy mình may mắn khi được chồng và người thân kề cạnh chăm sóc. Trong dịch căng thẳng, gia đình chị vẫn sống những ngày tháng bình yên giữa đồi. Khi sức khỏe được cải thiện, chị Hằng chơi với con gái và có thể giúp chồng những công việc nhẹ nhàng trong vườn.

Khoản tiền tích lũy khi còn ở thành phố giúp hai vợ chồng chi tiêu hàng ngày. Nhiều hôm có việc, ông bố trẻ không ngại chạy gần 100 km lên Bình Dương để duy trì thu nhập. Dù còn khó khăn, căn nhà không khi nào vắng tiếng cười.

Chia sẻ về lựa chọn của mình, anh Hải nói: “Cuộc sống bỏ phố về quê sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy mọi người hãy chuẩn bị tinh thần thật kỹ. Đó không phải là màu hồng mà phải đánh đổi nhiều thứ hoặc tiện nghi công việc. Nếu chưa chắc với lựa chọn của mình, mọi người nên tìm một nơi để trải nghiệm rồi hãy quyết định ở phố hay quê”.

hình ảnh

Sức khỏe của chị Hằng dần chuyển biến tốt hơn (Ảnh: Zing)

Lặng nghe những tâm sự của anh Hải chị Hằng, chúng ta bỗng thấy cuộc sống ngày ngắn ngủi quá. Dẫu biết tuổi trẻ ai cũng có những đam mê hoài bão, có chí lớn cần vươn cao bay xa nhưng đến sau cùng, thứ đáng giá nhất trong cuộc đời mỗi người vẫn là gia đình và sức khỏe.

Bỏ quê lên phố mưu sinh, nhiều người trẻ không mong quá giàu sang, chỉ mong kiếm được chút vốn liếng làm hành trang cho tuổi già. Trong quá trình ấy, những cặp đôi được se duyên trời, gặp gỡ, kết hôn rồi sinh con. Nếu không vì lý do nào quá đặc biệt, chắc chắn họ sẽ bám trụ ở thành phố đến cuối cùng, vì tương lai của thế hệ sau và vì công việc của chính mình.

Thế nhưng, câu chuyện của anh Hải chị Hằng lại cho chúng ta một góc nhìn rất khác. Nhất là khi người vợ đối diện với bệnh tật, cần một cuộc sống có không khí trong lành và bình yên hơn. Lúc ấy, anh chồng đã không ngần ngại bỏ tất cả, kéo gia đình cùng về quê, tự tay dựng nhà cho vợ chữa bệnh.

Phải yêu bạn đời mãnh liệt lắm, người đàn ông mới sẵn sàng hy sinh cả tương lai, thu nhập, công việc của chính mình, từ bỏ ước mơ dang dở để về quê làm nông, học cách dùng cuốc xẻng, học cách trồng rau, nuôi cá, làm việc của nhà nông.

Nếu chỉ nghe kể, nếu chỉ nhìn hình ảnh, hẳn ai cũng nghĩ “ôi sao bình yên, xinh đẹp, mộng mơ thế”. Nhưng hãy làm đi rồi biết, với mảnh đất đồi gần như trắng – trọc, anh Hải đã phủ xanh nó bằng những ngày tháng lao động vất vả, giữa nắng mưa, giữa những trăn trở và miệt mài suy nghĩ.

hình ảnh

Vườn cây của anh chị lúc nào cũng đầy ắp cây trái (Ảnh: Zing)

Thậm chí đến bây giờ, khi đã có sản phẩm thu hoạch, anh chị vẫn chưa dám nhận mình đã thành công vì đang phải dùng đến tiền để dành lúc còn ở thành phố. Thậm chí anh Hải còn phải làm thêm công việc ở hai nơi. Nhưng bằng tình yêu gia đình, tình yêu với vợ, anh Hải ngày một chững chạc hơn, sắc bén hơn trong chiến lược về quê của mình.

Tất nhiên, câu chuyện bỏ quê lên phố hay bỏ phố về quê đều do mỗi người quyết định. Về quê mà không có quyết tâm, không có đất đai canh tác, không có kinh nghiệm vốn sống, không có động lực gắn bó thì ở phố thị vẫn hơn.

Tuy nhiên, câu chuyện của anh Hải chị Hằng, một lần nữa mở ra một góc nhìn khác cho những ai muốn về quê, đặc biệt là về để tĩnh dưỡng, chữa bệnh. Sau cùng, dù thành công hay không, thì ít nhất, tình yêu hai anh chị dành cho nhau rất đỗi, đó mới là điều đáng trân quý.

Nguồn: Zing