TP. HCM đã bước vào đợt tiêm chủng vắc-xin covid-19 lớn nhất từ trước đến nay với hơn 1.000 điểm tiêm chủng. Rất nhiều người thuộc diện ưu tiên được tiêm chủng trước đã nhận được thông báo của cơ quan y tế địa phương. 

Mặc dù đã được tuyên truyền nhiều về lợi ích của vắc-xin trước cơn đại dịch, nhưng chắc chắn nhiều người trong chúng ta không khỏi lo lắng, hoang mang. Không biết phải chuẩn bị gì khi đi tiêm ngừa, trường hợp nào thì không nên tiêm... 

Mới đây, một bác sĩ đầu ngành bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM có chia sẻ khá nhiều thông tin hữu ích và chi tiết dành cho những người chuẩn bị tiêm vắc-xin. Chưa hết, em tìm được nhiều thông tin về chuyện chích vắc-xin nữa, em chia sẻ lại cho các chị em nhà mình nắm thật tường tận để yên tâm đi chích, hướng tới lợi ích chung là miễn dịch cộng đồng nha. 

hình ảnh


Ảnh: Nhân viên công ty ở Khu Công nghệ cao được tiêm vắc-xin phòng dịch trong chiến dịch tiêm vắc-xin có quy mô lớn trên cả nước. Nguồn: Báo Người Lao Động. 

#1. Có phải tiêm vắc xin là sẽ không bị bệnh và lây nhiễm không?

Các bác sĩ đều có chung câu trả lời là hoàn toàn không. Tỷ lệ ngừa bệnh chỉ đạt từ 60 đến 95%, và không thể đạt được 100%. Tuy nhiên, với người đã tiêm thì diễn biến bệnh nặng và nguy cơ qua đời rất thấp so với người không tiêm.

Sau khi tiêm, mất vài tuần cơ thể mới có thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại vi-rút này, vì thế một người có thể bị nhiễm ngay trước hoặc sau khi tiêm và mắc bệnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra do vắc xin vẫn chưa đủ thời gian bảo vệ.  

hình ảnh


Ảnh: Công nhân tại Khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức khai báo y tế trước khi tiếm vắc xin. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

#2. Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin là gì?

Thông thường sau khi tiêm vắc-xin có thể gặp một số tác dụng phụ, nhưng rất nhẹ, và đó chỉ là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang được bảo vệ. Tuy nhiên nếu ai không gặp tác dụng phụ thì không có nghĩa là vắc-xin không hiệu quả, mỗi người có phản ứng khác nhau sau khi tiêm.

Tác dụng phụ tùy người có thể ở mức độ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như sốt nhẹ hay đau nhức cơ, mệt mỏi, ớn lạnh, tiêu chảy… và nó sẽ biến mất sau vài ngày.

Vì thế sau khi tiêm, chúng ta nên ở lại cơ sở y tế khoảng 30 phút để theo dõi. Ngoài ra, cần cung cấp thông tin cho dịch vụ y tế địa phương khi gặp bất cứ tác dụng phụ không mong muốn nào, chẳng hạn như tác dụng phụ kéo dài hơn 3 ngày. Hiếm có trường hợp phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ Y tế. 

#3. Tiêm ở đâu là an toàn?

Chỉ nên tiêm ở cơ sở y tế được cấp phép. Trong thời gian này, TP. HCM đã có danh sách các đối tượng ưu tiên được tiêm chủng và thiết kế những điểm tiêm ở khắp các quận huyện. Thành phố sẽ thông báo trực tiếp đến từng cá nhân lịch tiêm và địa điểm. Chương trình tiêm chủng hoàn toàn miễn phí nên người dân đừng nghe theo những lời chào mời trên mạng nhé.

#4. Những ai có thể tiêm?

Theo Quyết định 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 về hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin thì có 4 điều cần lưu ý:

* Đối tượng đủ tiêu chuẩn tiêm vắc xin này: Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin. 

* 5 đối tượng cần trì hoãn tiêm vắc xin này: 

- Đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Giải thích rõ cho chị em hiểu, đang mắc bệnh cấp tính là sao? Đó là trong thời gian gần đây, khoảng 1 tuần có bệnh gì mới xảy ra không, chẳng hạn như sốt, ho, tiêu chảy, ói mửa, nhọt da, nhức đầu, chảy mủ tai…

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù,...

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Đã mắc nCoV trong vòng 6 tháng.

- Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

* 6 đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng: 

- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.

- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

- Người trên 65 tuổi.

- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

+ Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

+ Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg.

+ Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).

* 2 đối tượng chống chỉ định:

- Tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

#5. Cần chuẩn bị gì khi đi tiêm?

Thứ nhất là tinh thần phải thoải mái. Chị em cần biết việc mình làm là tốt cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thứ hai là sức khỏe, nghĩa là ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc.

Thứ ba là trước khi tiêm, người được tiêm sẽ được nhân viên y tế khám sàng lọc để chắc chắn lần nữa là  đủ điều kiện để tiêm.

Có 2 tờ giấy chị em sẽ nhận được trước khi tiêm:

- Phiếu sàng lọc.

- Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng.

Tất cả đều cần đọc hiểu rõ và khai, nếu chưa rõ thì hỏi lại chứ không nên viết đại, rất nguy hiểm các chị em nhé.

#6. Phiếu sàng lọc sẽ điền thông tin gì?

Mục đích là để lọc ra ai an toàn và ai có nguy cơ khi tiêm, cho nên mình phải điền đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh và địa chỉ… sau đó trả lời các câu hỏi cụ thể:

- Có đang mắc bệnh cấp tính không? Câu này ở trên em giải thích rồi nhé.

- Có tiền sử dị ứng gì không? Hãy nhớ xem trước giờ bản thân có bị dị ứng món gì không, sau tiêm có uống hay thoa thuốc hoặc có tiếp xúc hóa chất không… Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, có thể nổi mề đay, đỏ da, ngứa, hay khò khè, khó thở, sưng môi sưng mặt, hoặc thậm chí tụt huyết áp. Nếu không rõ hãy hỏi nhân viên y tế để được hướng dẫn thêm nha.

- Tiền sử tiêm vắc-xin khác trong vòng 14 ngày: Nghĩa là trong vòng 2 tuần có tiêm vắc-xin nào khác không.

- Tiền sử rối loạn miễn dịch, ung thư, cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch: Nếu không rõ hãy hỏi nhân viên y tế hướng dẫn thêm.

- Tiền sử rối loạn đông máu hoặc dùng thuốc kháng đông: Các chị em có bị bệnh “máu không đông” không, mỗi lần nhổ răng hay đứt tay máu có chảy hoài khó cầm không, hoặc một số người bị bệnh tim mạch phải uống thuốc kháng đông mỗi ngày không. Nếu không rõ hãy hỏi nhân viên y tế hướng dẫn thêm. Nên mang theo sổ khám bệnh có ghi thuốc đang uống mỗi ngày theo khi đi tiêm để nhân viên y tế biết nhé.

- Có đang mang thai hay cho con bú không?

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: VietnamFinance. 

#7. Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng cần điền thông tin gì?

Phiếu này có nội dung khá ngắn, chủ yếu nói về lợi ích khi tiêm chủng và những phản ứng bất lợi không mong muốn cùng cách giải quyết. Nếu đồng ý thì mình ký tên, ghi rõ họ tên và ghi dòng chữ “Tôi đồng ý”. 

#8. Ngày đi tiêm chủng cần làm gì?

Giữ tinh thần thoải mái, tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đầy đủ và không để bụng đói. Chú ý cánh tay trái sẽ là nơi để tiêm chủng nên mặc đồ rộng rãi, áo ngắn tay dễ vén. Để tránh dùng chung đồ dùng khi đi tiêm, các chị em nên mang theo cây viết cho riêng mình và gia đình.

Nhớ đừng quên nguyên tắc 5K khi đi tiêm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách tối thiểu 1,5m – Không tụ tập đông người – Khai báo y tế.

Đặc biệt không nên nói chuyện và hạn chế chạm tay ở nơi không cần thiết, mang theo chai rửa tay nhỏ và thường xuyên rửa tay nhanh rồi làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

hình ảnh


Ảnh: Sơ đồ, quy trình thực hiện tại 1.000 điểm tiêm chủng vắc xin ở TP.HCM. Nguồn: Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM. 

#9. Tiêm xong cần làm gì?

- Cần ngồi lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi, đề phòng gặp sự cố thì được xử lý ngay.

- Không đắp, không day và không xoa nơi tiêm. Chỉ vịn miếng bông gòn nếu nhân viên y tế yêu cầu.

- Tự theo dõi các dấu hiệu như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ, phổ biến là sốt trên 38 độ C), ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, chán ăn, đau bụng, hạch to, đổ nhiều mồ hôi, phát ban.

- Sau 30 phút, nhân viên y tế sẽ khám lại, đo huyết áp. Nếu ổn sẽ được cho về. Tại nhà cần tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ và theo dõi tiếp trong vòng 7 ngày sau khi tiêm. Nhân viên y tế sẽ cho người được tiêm QR code để khai báo mỗi ngày.

- Không tự lái xe về nhà khi bản thân thấy không khỏe sau khi tiêm.

- Ở nhà nên trang bị sẵn vài viên thuốc hạ sốt và 1 cái áo lạnh.

- Xin số điện thoại của cơ sở y tế mà bản thân đã đến tiêm và số điện thoại bệnh viện gần nhất rồi ghi ra tờ giấy A4 dán lên tường để ai cũng có thể thấy và hỗ trợ mình khi cần.

#10. Khi nào cần quay lại cơ sở y tế ngay lập tức?

Đó là khi thấy bản thân sau khi tiêm sốt cao từ trên 39 độ C liên tục, tím tái, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, vật vã, lừ đừ,… hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ kể từ khi tiêm chủng. Ngoài ra, nếu bản thân thấy bất kỳ triệu chứng khác làm mình cảm thấy không khỏe, lo lắng thì hãy gọi ngay cơ sở y tế nơi tiêm ngừa để được trợ giúp.

hình ảnh


Ảnh: Tin nhắn mời công nhân đi tiêm vắc xin. Nguồn: Sở Y tế. 

#11. Hiện tại, Việt Nam đã có mấy loại vắc xin ngừa dịch bệnh này và hiệu quả ra sao?

Theo em tìm hiểu, có 6 loại vắc xin được nhập về Việt Nam trong năm nay bao gồm:

- Mordena: 5 triệu liều và TP.HCM đề nghị được mua vắc xin này.

- Sputnik V: 20 triệu liều.

- AstraZeneca: 30 triệu liều.

- Pfizer/BioNTech: 31 triệu liều.

- Covax: 38,9 triệu liều.

- Sinopharm: 500.000 liều.

Như trên đã nói, hiệu quả của các loại vắc xin không thể đạt 100%, hiệu quả chỉ từ 60% đến 95%.

Em hy vọng các thông tin cần thiết nêu trên sẽ giúp các chị em nhà mình an tâm quyết định tiêm ngừa phòng bệnh cho bản thân, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng nhé.