Nhắc đến Singapore có lẽ hầu hết bà con ở đây ai cũng biết đất nước này nổi tiếng với quy định cấm người dân nhai kẹo cao su để giữ gìn vệ sinh chung. Tại Việt Nam, từ lâu vấn đề bảo vệ môi trường làm sao để được trong sạch, giảm thiểu sự ô nhiễm tối đa là bài toán khó khiến các nhà chức trách phải đau đầu tìm cách giải quyết.

hình ảnh


Ảnh: Singapore cấm nhai kẹo cao su. Nguồn: VnExpress. 

Mới đây, theo tin em đọc được trên báo Thanh Niên, Bộ Tài nguyên Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường. Theo đó, đề xuất các đơn vị sản xuất kinh doanh kẹo cao su sẽ phải đóng 1,5% giá trị lô hàng hóa vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su.

Điều này đồng nghĩa với việc người ăn kẹo cao su có thể sẽ phải trả thêm tiền và ngoài lý do để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su thì việc trả thêm tiền khiến người ăn kẹo cao su có ý thức hơn. Đây là nhận định từ phía cơ quan đề xuất.

Tuy nhiên, phía Bộ Công Thương không đồng ý với đề xuất này, cho rằng việc yêu cầu đóng góp thêm tiền không giải quyết được gốc rễ của việc hạn chế xả thải mà có khi còn khiến người tiêu dùng phải trả thêm tiền, người ăn kẹo cao su có ý thức phải gánh thêm chi phí để giải quyết hậu quả do người ăn kẹo nhưng không có ý thức gây ra.

Phía Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cũng không đồng ý việc thu tiền này bởi nó sẽ đánh đồng giữa người tiêu dùng có trách nhiệm thải bỏ đúng cách, đúng chỗ với người tiêu dùng không có trách nhiệm và sản phẩm họ thải ra cần được thu gom, xử lý.

Thay vì để giảm tải việc thu gom, xử lý chất thải của kẹo cao su thì Bộ Tài nguyên Môi trường cần nghiên cứu thực hiện bằng phương pháp khác để đảm bảo xác định đúng mục tiêu và đối tượng cần xử lý. Bởi việc đưa kẹo cao su vào danh mục các sản phẩm thuộc diện đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải đi kèm với mức đóng góp và thời điểm thực hiện trách nhiệm là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Không chỉ vậy, việc đánh giá kẹo cao su là sản phẩm độc hại, khó tái chế cần phải căn cứ trên mức độ tác động sức khỏe cộng đồng, môi trường, tỷ lệ tiêu dùng trong tổng quy mô về chất thải, tính hiệu quả của biện pháp đối với việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề xả thải.

Đề xuất dự thảo này còn yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu gom sản phẩm thải bỏ và tổ chức tái chế các sản phẩm. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lo ngại rằng các sản phẩm này được sử dụng phân tán trên phạm vi toàn quốc nên khó thu gom tập trung và là rào cản chính khiến các doanh nghiệp sản xuất khó thu hồi sản phẩm thải bỏ của mình để phục vụ tái chế. Và để làm được việc này thì cần thiết lập hệ thống thu hồi, vì nếu không làm được thì dù doanh nghiệp có nộp khoản phí vào Quỹ Bảo vệ môi trường cũng không thể đạt được mục đích đặt ra ban đầu.

Bộ Công Thương hiện vẫn đang băn khoăn về cơ chế vận hành của Quỹ Bảo vệ Môi trường sau khi nhận tiền từ phía doanh nghiệp đóng vào Quỹ. Vì khi doanh nghiệp nộp tiền vào Quỹ thì lúc đó trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp chuyển thành trách nhiệm của Quỹ chứ không phải là bản thân doanh nghiệp nữa.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News và VnExpress. 

Thực tế hiện nay, pháp luật có quy định xử phạt đối với các trường hợp vứt rác bừa bãi. Trong đó việc thải bỏ kẹo cao su không đúng quy định cũng được xem là hành vi vứt rác bừa bãi. Nhưng quy định vẫn chưa được thực thi hiệu quả khi có rất ít người bị xử phạt về lỗi này. Muốn giải được bài toán khó làm sao để thu hồi và tái chế sản phẩm này thì trước tiên cần phải làm tốt quy định hiện có, rồi đánh giá tác động đến tâm lý tiêu dùng của người dân ra sao để từ đó bổ sung thêm quy định mới, chẳng hạn như người ăn kẹo cao su phải trả thêm tiền.

Việc ban hành quy định phải trả thêm tiền cần cân nhắc thấu đáo trước khi ra quyết định, để tránh tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.