Hè đến rồi, ba mẹ đã có kế hoạch gửi nhờ con ở đâu chưa? Nhà nào có ông bà còn nhờ vả được chứ không cũng đành chấp nhận để con ở nhà một mình, đi làm mà thấp thỏm lo lắng sợ con gặp nguy hiểm, nhất là vấn đề điện đóm trong nhà.

Khi bị điện giật, ngay lập tức sẽ tác động vào hệ thần kinh làm rối loạn hệ hô hấp cùng với hệ tuần hòan, lúc đó sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp, gây nên cảm giác đau nhức. Người bị điện giật sẽ cảm giác khó thở và rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp nặng, sẽ bị ngừng thở và ngừng các hoạt động và cuối cùng qua đời trong tình trạng bị ngạt, bỏng nặng và co rút, tê liệt các cơ bắp.

Theo chia sẻ của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, người bị điện giật sẽ không thể tự rút tay hoặc bứt cơ thể khỏi nơi chạm vào điện, nên nếu như không cấp cứu kịp thời thì tỷ lệ mất mạng sẽ rất cao.

hình ảnh


Ảnh: Một bé gái 7 tuổi trở thành người thực vật sau tai nạn giật điện thương tâm. Nguồn: Báo Công an TP.HCM. 

Cách tốt nhất là phòng tránh sự cố điện giật, theo đó, ba mẹ chú ý những điều sau đây:

Thứ nhất, đảm bảo an toàn về điện trong nhà:

- Tuyệt đối không dùng dây điện trần (không có vỏ bọc nhựa) để mắc điện trong nhà.

- Thiết kế dây điện âm tường hoặc dùng ống luồn dây điện để đi các đường dây điện gọn gàng, tránh để vật nuôi hay chuột cắn.

- Dùng các nắp hoặc băng keo che ổ điện để ngăn bé chọc tay vào ổ điện.

- Dùng loại ổ cắm và phích 3 chấu vì chấu thứ 3 của phích cắm là chấu tiếp đất, giúp bảo vệ mạng sống của người dùng nếu như điện bị rò rỉ.

- Cất dây sạc điện thoại sau khi dùng xong nhằm tránh để trẻ nghịch ngợm và cho đầu dây sạc kia vào mũi miệng.

- Cất máy sấy tóc và các thiết bị điện tử khác xa tầm tay trẻ.

- Rút hết phích cắm điện của các đồ dùng điện tử nếu như không dùng nữa.

- Thường xuyên kiểm tra hệ thống đường dây điện cùng các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.

Thứ hai, ngoài cách đảm bảo an toàn về điện, tùy theo độ tuổi của trẻ mà áp dụng thêm biện pháp khác nhau:

* Đối với trẻ từ 0 – 6 tuổi: Ba mẹ hãy chú ý để mắt tới trẻ, đừng lơ là để trẻ gặp hiểm nguy.

* Đối với trẻ từ 6 – 15 tuổi: Ba mẹ hãy dạy trẻ không được sờ tay vào ổ cắm điện, đồng thời ghi các biển báo những dấu hiệu nguy hiểm nơi có nguy cơ gây điện giật, nhắc trẻ tránh xa nơi dây điện đứt rơi xuống, đặc biệt là khi trời mưa không nên núp dưới gốc cây cao to.

Không chỉ vậy, hãy dạy trẻ cách sơ cứu và chuẩn bị xử trí những tai nạn có thể xảy ra chẳng hạn như dây điện rơi xuống trong mùa mưa bão… và tuân thủ an toàn dưới hành lang điện như không trèo lên cột điện cao thế ngoắc điện, không lấy sào chọc dây điện, không câu móc điện bừa bãi…

Trong trường hợp phát hiện con bị điện giật, ba mẹ cần bình tĩnh làm theo hướng dẫn sau đây:

Bước 1: Hãy ngắt nguồn điện trước khi chạm vào trẻ.

Bước 2: Nếu phải nhấc sợi dây điện ra khỏi người trẻ, hãy dùng cây khô, tờ báo hay quần áo dày hoặc vật cứng, khô mà không có tính dẫn điện để làm.

Bước 3: Di chuyển trẻ càng ít càng tốt vì nếu điện giật quá nặng có thể gây nứt cột sống của trẻ.

Bước 4: Khi dòng điện tắt, hãy kiểm tra hơi thở, màu da và sự tỉnh táo của trẻ. Trong trường hợp thấy trẻ bị bỏng hoặc không có nhịp tim, ba mẹ hãy hô hấp nhân tạo cho trẻ ngay và đưa trẻ đi cấp cứu.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Sức khỏe hằng ngày và Khoa học đời sống. 

Hy vọng hướng dẫn trên đây sẽ giúp ba mẹ sớm phòng tránh và xử lý kịp thời nếu có sự cố điện giật xảy ra với trẻ, nhằm tránh gây ra hậu quả mất mạng nhe.