Bỏ công việc ngân hàng, anh chàng từng học xong chương trình Thạc sĩ đã trở về “nối nghiệp” bán bún bò và gặt hái thành công ngoài mong đợi. 

Đó là câu chuyện thú vị mà mình đọc được trên Thanh Niên về anh Phan Lê Duy Anh (sinh năm 1990), chủ quán bún bò đắt khách ở quận 3 (TP.HCM). Thời điểm anh tiếp quản quán bún bò từ mẹ là năm 2015, sau khi học xong chương trình Thạc sĩ và chuẩn bị bảo vệ luận án tốt nghiệp. 

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Duy Anh cho biết quán bún này được mẹ anh mở bán hơn 25 năm. Ban đầu, chỉ là một gánh nhỏ bán trước nhà bà ngoại của anh trên đường Hoàng Sa (Quận 3, TP.HCM). Ngày đó, mẹ của anh quyết định mở bán bún bò vì muốn nuôi con ăn học, trả nợ và đây là món mà Duy Anh rất thích. 

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Thương mẹ tần tảo, anh Duy Anh chăm chỉ học hành và sau này trở thành nhân viên của một ngân hàng với mức lương không thấp. Sau gần 30 năm buôn bán, mẹ của anh có ý nhường lại quán bún bò cho người khác để toàn tâm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, vì nghĩ đến công sức bao năm gầy dựng quán bún cũng như đây là một phần ký ức gắn liền với tuổi thơ nên Duy Anh thuyết phục mẹ “truyền nghề” cho mình. 

“8 tuổi tôi đã phụ mẹ bán quán, quán ăn này là kỷ niệm, có ý nghĩa đặc biệt với tôi. Tôi không đành lòng để quán mất đi”, anh chia sẻ trên Thanh Niên. 

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Vậy là, hàng ngày anh làm việc ở ngân hàng tới gần 5 giờ chiều sẽ tan làm rồi nhanh chóng về nhà để cùng vợ bán bún bò. Cứ vậy, hai vợ chồng quần quật làm có khi đến 15-16 tiếng mỗi ngày. 

Vạn sự khởi đầu nan, thời gian đầu mới tiếp quản, quán bún bị lỗ nặng trong cả năm. Tuy vậy, thay vì nản lòng, anh Duy Anh nỗ lực trau dồi kết hợp thăm dò ý kiến của thực khách để tay nghề ngày càng hoàn thiện hơn. Cứ vậy, công thức nấu bún bò của anh dần “lên tay”, được nhiều người ủng hộ. 

“Ông trời không phụ người có lòng mà! Với tôi bí quyết lớn nhất để níu chân khách ghé quán mình chính là cách mình phục vụ khách. Tôi luôn coi khách hàng là thượng đế, cố gắng hết sức để khách đến ăn được hài lòng. Bất cứ lúc nào quán cũng nghe khách góp ý, và chắc chắn sẽ sửa đổi”, anh Duy Anh chia sẻ. 

Có thể thấy, ngoài việc nâng cao tay nghề nấu nướng để có được tô bún bò ngon lành, yếu tố phục vụ khách hàng cũng chiếm một phần rất quan trọng. “Vui lòng khách đến, hài lòng khách đi”, phương châm quen thuộc của bao người làm trong nghề dịch vụ ăn uống. 

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Sau này, khi quán bún đã đi vào hoạt động ổn định và được nhiều người ủng hộ, anh Duy Anh quyết định bỏ việc ở ngân hàng để tập trung phát triển quán ăn. Ban đầu, nhiều người trong gia đình đã phản đối quyết định này của Duy Anh bởi công sức học hành bao năm, lại đang có công việc ổn định tại ngân hàng mà nghỉ ngang có khác gì “quăng tấm bằng đại học vào nồi nước lèo”. Tuy vậy, anh chàng 9X vẫn không lung lay vì muốn toàn tâm toàn ý để phát triển quán ăn ngày càng chỉn chu hơn, mở được nhiều chi nhánh. 

“Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề. Tôi hạnh phúc khi thấy khách hài lòng ăn sạch tô bún mình nấu, tôi hạnh phúc khi mỗi ngày được gặp khách, được nói chuyện, được khách khen, góp ý món ăn của mình. Ở quán ăn này, tôi thấy được mục đích sống, có được niềm vui”, anh chủ trẻ bộc bạch. 

hình ảnh

(Ảnh: Thanh Niên)

Được biết, giá mỗi tô bún là 50 nghìn và được rất nhiều người yêu thích nên thường chỉ bán trong 2 tiếng là hết sạch khoảng 200 tô. Được đông đảo thực khách đến ủng hộ, anh Duy Anh cho biết đôi khi nhân viên của quán không kịp trở tay để phục vụ. Do đó, nhiều lần anh chủ trẻ cảm thấy áy náy vì để khách phải đợi lâu nên đi đến từng bàn, gục đầu xin lỗi mong mọi người thông cảm. 

Anh Duy Anh từng cho biết, anh có suy nghĩ sẽ tăng giá tô bún, một phần vì để tăng doanh thu, một phần vì để khách đến ăn… giảm đi, khi đó quán sẽ phục vụ chu đáo hơn. Tuy là có ý tăng giá nhưng đằng sau đó là tâm huyết của chủ quán dành cho khách nên cũng không quá đáng trách. Điều này cho thấy Duy Anh rất muốn mỗi người đến ăn tại quán sẽ vui vẻ tận hưởng tô bún ngon, được phục vụ chỉn chu hơn. 

hình ảnh

Cuộc sống vốn dĩ khó lường, đôi khi có những cú rẽ đầy bất ngờ và thành công ngoài sức tưởng tượng. Anh chàng học xong Thạc sĩ, có việc làm ổn định tại một ngân hàng nhưng đã quyết định bỏ hết, khởi nghiệp với quán bún bò quả là chuyện đầy hy hữu, thú vị. Tuy nhiên, dù làm bất cứ công việc gì, nếu chịu khó dành trọn tâm huyết và biết lắng nghe, thay đổi chắc chắn sẽ gặt hái thành công không sớm thì muộn.