Công việc nấu ăn cứ tưởng là dễ dàng, nhàn nhã nhưng thực ra rất mất sức, phụ nữ có khi chịu không nổi. Lời tâm sự của một đầu bếp nam cho thấy việc nấu nướng đúng là không phải đơn giản.
Từ xưa, người ta vốn mặc định chuyện bếp núc là dành riêng cho phụ nữ, đàn ông lo sự nghiệp lớn. Thế nhưng tại Việt Nam và trên thế giới có rất nhiều đầu bếp là nam, họ thậm chí còn nổi tiếng toàn cầu và là cái tên bao người nể phục. Chuyện bếp núc không còn mặc định cho phụ nữ và thời buổi hiện đại, chị em cũng không cần phải biết nấu ăn ngon, đồng thời giá trị mỗi người cũng không còn bị đánh giá thông qua việc này nữa.
Một người đầu bếp chuyên nấu đám tiệc vừa có những chia sẻ xoay quanh công việc của mình. Anh lý giải nguyên do vì sao nghề này lại có nhiều đàn ông làm đến vậy. Thực tế trải qua nhiều lần nhân viên nữ xin nghỉ, anh đã biết nguyên do.
Nam đầu bếp cho biết công việc này rất vất vả. Ảnh Beatvn
Bài đăng của nam đầu bếp như sau:
“Khoe với các bác 1 ngày làm việc của đội em đây, 4-5 thằng quẩy từ sáng tới trưa mà toàn trai trẻ nhé. Hồi trước đội em còn nhận chị em vào làm nhưng đa phần rụng hết à, giờ có một chị ở lại thì chị làm sơ chế thực phẩm.
Lúc nào có thành viên mới là cũng phải nói trước công việc này khá vất vả nên phải suy nghĩ kĩ, luôn trong tư thế sẵn sàng tinh thần để quẩy hàng chục mâm cỗ mà không ngơi tay.
Em thấy nấu ăn cho gia đình đa phần là phụ nữ làm, nhưng để mà nấu cỗ, nấu nhà hàng lại toàn anh em đứng bếp chính. À, nhưng em nói không phải quy chụp đâu nhé vì vẫn có chị em làm bếp chính, chỉ là không nhiều thôi”.
Trong ảnh là 3 người đàn ông đang sắp xếp thức ăn lên bàn. Trưng bày các món đẹp mắt, cẩn thận, tay nghề của họ khéo léo không kém bất kỳ chị em phụ nữ nào. Để chuẩn bị được tươm tất như vậy, chắc chắn là trải qua thời gian đi chợ, sơ chế, nấu nướng, bày biện cần nhiều sức lực và tâm huyết. Đối với công việc tưởng chừng như đơn giản và được ăn ngon như thế này, sự chịu khó là không phải ít.
Để có những mâm thức ăn ngon như thế này phải mất nhiều công sức. Ảnh Beatvn
Cư dân mạng cũng đồng quan điểm với việc nấu đám tiệc, nhà hàng thì đầu bếp nam sẽ nhiều hơn phụ nữ. Không chỉ là về khẩu vị, khéo léo mà còn ở sức lực nam tốt hơn nữ, họ cũng chịu được nhiệt độ khá tốt:
- Đa số phụ nữ thích nấu ăn, nhưng phần lớn đầu bếp chuyên nghiệp là nam giới vì chỉ họ mới chịu được áp lực công việc này.
- Mình đứng phụ bếp đám cưới rồi, xong nhà mình đầu 2 họ, 1 năm 5 cái giỗ, 1 cái Tết. Mình biết đứng bếp chính vất vả lắm, ngoài kỹ năng ra còn cần sức khoẻ. Chị em thì làm các món nhẹ nhàng, chứ bắt đứng bếp xong điều hành, phối hợp món thì mệt đứt hơi luôn. Những năm mình còn bé, một mình mình đứng cho đến lúc ăn luôn.
- Sức khỏe tốt mới chịu được nhiệt với cái nghề này, trước làm quản lý bếp ăn công nghiệp đầu bếp cũng toàn con trai, duy nhất một cô nhưng chuyên làm ca đêm ít số xuất ăn nhất. Anh em bếp toàn thành phần không cần tập gym cơ tay vẫn to đùng.
- Hồi học nấu bếp thầy tôi nói 2 lý do chính: 1) là nghề bếp quá vất vả, ngoài đứng nóng suốt, bếp ít khí, khó thở thì nhiều lúc phải làm nặng như nhấc nồi nước, đảo chảo to suốt ngày... cần đàn ông khỏe để trụ. 2) phụ nữ đến tháng thì có cảm nhận vị nó khác bình thường nên nêm gia vị ko chuẩn những ngày đó.
Bài đăng của nam đầu bếp không phải là phân biệt nam nữ mà chính là để nói công việc nấu nướng coi vậy mà khắc nghiệt, đàn ông sẽ có sức chịu đựng bền bỉ hơn. Mỗi giới luôn có năng lực, sở trường, ưu điểm riêng nên không thể so sánh. Nhưng nếu đứng bếp suốt nhiều tiếng đồng hồ, đối diện với sức nóng, tay liên tục cầm những chiếc nồi niêu xoong chảo to thì phụ nữ sẽ không thể chịu được như đàn ông.
Ảnh minh họa, Vnexpress
Còn về độ khéo léo, tỉ mỉ, vệ sinh, thì chẳng bên nào thua bên nào. Để cho ra được món ăn ngon, người đầu bếp phải có sự tinh tế, khéo léo và sáng tạo không khác gì nghệ sĩ của màu sắc và hương vị để mang đến cho khách cảm giác hài lòng nhất. Cả hai giới đều làm tốt việc này, nhưng trụ lại được với nghề đầu bếp hay không là xuất phát từ nhiều nguyên do.
Vậy còn bạn, bạn có đồng tình với quan điểm của nam đầu bếp trên hay không?