Nhà mình ở Hà Nội và mấy hôm nay miền Bắc đang bước vào những ngày nắng nóng cực độ. Nhiệt độ cứ khoảng từ 38 đến hơn 40 độ. Ở trong nhà dù ban đêm cũng rất nóng nên phải mở điều hòa cả đêm.

Mình có 2 con nhỏ, 1 đứa học lớp 1 và bé còn lại mới 8 tháng. Cứ tắt điều hòa đi là cả 2 bé đều trằn trọc khó ngủ, bé nhỏ thì quấy khóc, toát mồ hôi. Bản thân mình cũng cảm nhận thấy nóng nhưng vì sợ con bệnh nên cứ tắt đi. Nhưng khi bé khóc mình lại phải bật lên và kết quả là sau 2 đêm nằm điều hòa từ tối đến sáng, bé ngủ ngon nhưng lại bị sổ mũi, sốt 38 độ.

Chồng mình cứ khăng khăng là do mình bật điều hòa cả đêm nên con mới ốm như vậy. Mình thì cũng phân vân nên đã lên mạng tìm hiểu thì thấy thông tin các bác sĩ tư vấn.

Đúng là không nên nằm điều hòa cả đêm đâu các mẹ ạ, nhất là với các bé. Điều hòa tuy không gây hại cho sức khỏe nhưng với cách sử dụng không đúng thì sẽ khiến các bé bị ốm vặt rất nhiều.

hình ảnh

Điều hòa giúp làm mát trong ngày hè, ảnh: DSAD

Mình nghĩ những điều như thế này nhiều người cũng chưa biết nên mình chia sẻ lại ở đây cho mọi người cùng tham khảo nhé!

Các bác sĩ tư vấn rằng: Việc trẻ bị sổ mũi, ho sốt có rất nhiều nguyên nhân và khi bắt gặp hiện tượng này cần cho bé đi khám bác sĩ để được điều trị đúng hướng và kịp thời. Còn việc dùng điều hòa cả đêm thì với trẻ em và cả người lớn, sử dụng điều hòa liên tục, 24/24 đều không tốt cho sức khỏe.

Khi ngủ máy lạnh cả đêm trong một thời gian dài, sẽ khiến cho niêm mạc đường hô hấp của con người dễ bị khô, dẫn tới viêm nhiễm mạn tính. Điều này dẫn đến việc khi thức dậy, người lớn sẽ cảm nhận được cảm giác  khô họng, khô mũi, đau họng, nặng hơn là hắt hơi, sổ mũi. Cho nên, trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu thì cũng tương tự như vậy.

Khi chúng ta sử dụng điều hòa nhiệt độ thấp trong thời gian dài, kéo dài nhiều ngày sẽ dễ làm niêm mạc đường thở bị khô, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lý đường hô hấp, ví dụ viêm xoang, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn... 

Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ đưa ra lời khuyên như sau: Với trẻ em, đặc biệt những trẻ từ 1 tuổi trở lên nên để nhiệt độ phòng duy trì 26-27 độ C sẽ an toàn cho đường hô hấp của bé vì hệ hô hấp của trẻ rất nhạy cảm. Thêm vào đó, người lớn trong gia đình nên trang bị nhiệt kế phòng để đảm bảo nhiệt độ duy trì thích hợp.

hình ảnh

Dùng điều hòa có thể gây khô mũi, ảnh: DAD

Một cách khắc phục hơn nữa là sử dụng điều hòa 2-3 giờ rồi tạm dừng 30 phút, để phòng thoáng khí, như vậy sẽ đảm bảo được lưu thông không khí, khiến cho niêm mạc mũi họng không bị khô.

Đặc biệt, vào ban ngày nên bổ sung lượng nước đầy đủ cho cả gia đình, cho bé ăn nhiều trái cây, rau xanh... nhằm đảm bảo đủ chất điện giải cho cơ thể, kết hợp vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn chưa chú ý đến việc vệ sinh thiết bị định kỳ. Điều hòa thường được 'để không' vào mùa đông và đến mùa hè sẽ hoạt động trở lại. Lúc này các thiết bị bên trong bao gồm cả tấm lọc gió sẽ rất nhiều bụi bẩn, thậm chí có cả các côn trùng sống ở bên trong đó. Nên trước khi sử dụng cần được vệ sinh lau chùi sạch sẽ thì điều hòa mới phả ra luồng không khí sạch, không gây hại cho sức khỏe của các em bé cũng như cả gia đình.

Các bác sĩ lưu ý người dùng nên chỉnh nhiệt độ ở mức 26-28 độ C. Một vấn đề thường gặp khi sử dụng điều hòa là không khí trong phòng bị khô. Khi đó, có một số cách để tăng độ ẩm trong phòng như: treo khăn ẩm hoặc thau nước, dùng máy tạo ẩm hoặc dùng điều hòa có chức năng cân bằng độ ẩm giúp duy trì độ ẩm ở mức tối ưu nhất cho hệ hô hấp của trẻ.

Thông thường, mọi người hay mắc một số sai lầm phố biến khi dùng điều hòa, bà con tham khảo để tránh nhé

- Không vệ sinh điều hòa, việc này có thể tự làm hoặc gọi thợ nhé

- Sử dụng điều hòa nhiệt độ thấp liên tục, nhiều ngày mà không bổ sung nước, trái cây đầy đủ khiến cơ thể thiếu hụt nước, chất điện giải... 

- Để luồng gió thổi trực tiếp vào cơ thể.

- Không thường xuyên mở cửa sổ, phòng kín, không khí không lưu thông được.