Cô gái trẻ ở Vĩnh Phúc từ bỏ công việc mới ra trường có mức lương đủ sống, liều lĩnh dấn thân lên Đà Lạt để “sống một đời thật khác”. Tuy nhiên, liệu thành công có dễ dàng đến với người trẻ “bỏ phố về rừng” không? 

Một lần lên Đà Lạt chơi, Anh Thư (24 tuổi) đã say mê vùng đất cao nguyên có khí hậu mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên lãng mạn này. Khi đó, Thư vừa ra trường, có công việc với mức lương 12 triệu/tháng nhưng lại không khiến cô cảm thấy vui vẻ. Sau thời gian đắn đo, cô gái trẻ đã quyết định nghỉ việc, dọn từ Bắc vào Đà Lạt sinh sống, lập nghiệp. 

Dĩ nhiên, cô gái trẻ không được gia đình ủng hộ khi chia sẻ về quyết định liều lĩnh này. “Nhà mình có 3 người: ba, em trai và mình. Nhà ít người nên quyết định đi lập nghiệp của mình ban đầu bị ba phản đối dữ lắm”, Anh Thư chia sẻ. 

Tuy thương gia đình nhưng cô gái trẻ cũng muốn một lần được sống cho trọn vẹn với tuổi trẻ. “Mình muốn được một lần sống cho ra sống để không phải hối tiếc về điều gì cả”, cô gái 24 tuổi bộc bạch. 

hình ảnh

(Ảnh vietnamnet)

Tháng 12/2020, cô nàng lên Đà Lạt lập nghiệp với 18kg hành lý. Anh Thư thuê trọ ở gần nông trại và bắt đầu hành trình khởi nghiệp với hồng treo gió. Ban đầu, cô nàng xin vào các nông trại để vừa làm việc vừa học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực tế thì mọi chuyện không hề dễ dàng. 

“Tháng 1/2021, mình vay mượn, cầm cố sổ đỏ của ba, chính thức ký với cô chú hợp đồng thuê nông trang trong 2 năm. Đối với mình, đó là một quyết định vô cùng quan trọng. Mình cảm ơn ba đã cùng mình mà cố gắng”, Anh Thư chia sẻ trên vietnamnet. 

Tuy ban đầu, ba của Thư phản đối quyết định lên Đà Lạt lập nghiệp nhưng ông vẫn sẵn sàng là hậu phương vững chắc, dõi theo con gái. Lúc Thư gặp khó khăn về vốn, ba không ngần ngại đi cầm sổ đỏ để con gái có thể sống với đam mê. Không ai thương con bằng bố mẹ là vậy đấy!

hình ảnh

Thư khởi nghiệp với hồng treo gió. (Ảnh vietnamnet)

Càng dấn thân vào con đường lập nghiệp và “bỏ phố về rừng”, cô gái trẻ mới càng thấm thía thêm nhiều nỗi vất vả. Anh Thư không quen sống một mình nên cô liên tục khóc trong thời gian đầu đến Đà Lạt lập nghiệp.

“Chưa một lần nào nghĩ lại hành trình lên đây sống mình không khóc. Mình đi đúng dịp cuối năm. Năm đầu tiên xa nhà, tối nào mình cũng khóc. 20 tháng Chạp mình vẫn còn trong Đà Lạt, vẫn phụ cô chú đóng hồng. Nỗi nhớ nhà, nhớ ba cứ ùa về. Mình quyết định trở về nhà ăn Tết. Mình không biết đã khóc bao lâu trên máy bay ngày về Bắc”, Thư bộc bạch. 

hình ảnh

(Ảnh vietnamnet)

Phía trước là tương lai với hoài bão nung nấu và biết bao gian nan, đằng sau là gia đình làm hậu phương vững chắc, Anh Thư quyết chí phải nỗ lực để gặt hái thành công thay vì đầu hàng bỏ cuộc. Những lúc nản lòng, chính câu nói của ba thôi thúc cô vực dậy khỏi buồn bã: “Trước lúc đi ba mình có dặn, hãy sống và cố gắng làm việc hết sức lực của con. Khi nào không thể cố gắng nữa thì hãy nghĩ đến ngày ba đưa con ra sân bay, nghĩ xem lúc đó con đi vì điều gì?

Hành trang ba gói cho mình ra sân bay là 2 cái bánh chưng và 1 cây giò Bắc. Với mọi người đó là bình thường, nhưng với mình đó là tình quê nhà mà ba gửi gắm nơi đây”, cô gái 24 tuổi chia sẻ. 

Có thể nói tình cảm từ gia đình luôn là động lực, là chỗ an ủi êm ái giúp mỗi người có thêm sức mạnh với hoài bão của mình. Ngoài kia là bão tố, về nhà với vòng tay ba mẹ là bình yên. Tuy nhiên, bão tố sẽ dạy mỗi người thêm trưởng thành, va vấp rồi đứng dậy sẽ dạy mỗi người biết “thất bại là mẹ thành công”. 

Một cô gái với tuổi đời chỉ ngoài 20, thậm chí chưa quen với việc làm nông nên việc một thân một mình đến vùng cao nguyên khởi nghiệp với hồng treo gió quả là thử thách vô cùng. Sau thời gian đầu trầy trật, thậm chí phải đi vay mượn từng bữa ăn, Anh Thư đã dần tìm ra “lời giải” cho con đường của mình. Giờ đây, mỗi ngày cô nàng 9X sẽ dậy từ 6h sáng, đến nông trang gọt hồng cùng mọi người rồi mang hồng ra treo gió. 

“Nói là thành công với mình lúc này thì không phải. Nhưng thời gian qua, mình đã có được rất nhiều điều đáng trân quý. Ít nhất sản phẩm của mình cũng được nhiều người biết đến. Và đó thực sự là sản phẩm làm bằng cái tâm của người trẻ như mình”, Thư cho biết.

hình ảnh

Nếu như ngày trước, nhiều người trẻ chọn lên phố lập nghiệp vì cơ hội việc làm ở quê không có nhiều thì giờ đây đã ngược lại khi nhiều bạn trẻ “bỏ phố về quê”. Cuộc sống ở phố thị ngày càng áp lực, mức độ cạnh tranh công việc cao nên chuyện “về quê trồng rau nuôi cá” được nhiều bạn trẻ chọn.

Hiếm ai khởi nghiệp là sẽ thành công ngay, do đó phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ, đặc biệt là khi bạn chọn nông nghiệp để bắt đầu một hành trình mới. Và tin chắc, những trái tim kiên cường, những cái đầu tỉnh táo và thêm một chút may mắn rồi sẽ gặt hái thành công. Ai biết chịu đựng gian khổ, biết vượt qua khó khăn thì “quả ngọt” sẽ đến.