Có nhà có cửa của riêng mình ai mà chẳng ham, nhưng để đạt được điều đó không phải là dễ, đòi hỏi mẹ phải dành một quãng thời gian dài tích lũy mới có được.

>>> Chồng mua nhà không hỏi ý vợ, đứng tên một mình: Vợ hiểu luật để không lo lắng

Ngày nay có rất nhiều người trẻ thấy bạn cùng lứa với mình mua được nhà Sài Gòn sẽ đặt nghi vấn kiểu như chắc tại nhà nó giàu, chắc người thân 2 bên gia đình cho, chứ bằng này tuổi làm gì mà mua được nhà?

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Có chị gái nọ chia sẻ câu chuyện thật của mình, chị nói mấy bạn trẻ giờ cứ kêu ca mua nhà Sài Gòn khó, trong khi lương có 10 triệu đồng mà uống một ly cà phê, hoặc trà sữa 50 60 ngàn đồng mỗi ngày, chưa kể còn đi du lịch thường xuyên, quần áo giày dép cứ thấy thích là mua, phim nào mới ra rạp cũng đi xem ngay, vậy thì bao giờ mới mua được nhà Sài Gòn?

Nhiều người nghe sẽ phản biện ngay đời sống có bao lâu đâu, thôi thì cứ hưởng thụ. Vâng, đó là quan điểm của mỗi người, không thể tranh cãi được vì cãi tới bao lâu cũng sẽ không đi đến hồi kết. Nhưng nếu thích và muốn có nhà ở thành phố, hãy lập kế hoạch chi tiêu cho mình. Vì ít nhất là mình có được cái nhà (an cư) rồi mới lo được cho con cái và đảm bảo môi trường sống ổn định và còn những thứ khác sau này nữa.

Chị kể, thu nhập của 2 vợ chồng chị dao động khoảng 20 đến 30 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình chị gồm 1 mẹ già và 2 con. Kết hôn được 7 năm, bây giờ vợ chồng chị đã có nhà ngoại thành Sài Gòn và một khoản nợ 200 triệu đồng, dự định 1 năm nữa sẽ trả xong khoản này. Chị chia sẻ với chừng ấy thu nhập chị lên kế hoạch chi tiêu như thế này:

Vì tính của vợ chồng chị không phải dạng tiêu xài bừa bãi cho nên trước khi lấy nhau anh chị đã có một khoản tiết kiệm gần 200 triệu đồng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Anh chị lên kế hoạch chi tiêu trong giới hạn lương của một người hoặc ít hơn lương của một người. Phần tiền lương của người còn lại và khoản tăng lương khác nếu có sẽ bỏ vào quỹ tiết kiệm.

Anh chị rất cân nhắc việc chi tiêu từ những thứ nhỏ nhặt nhất, chẳng hạn như:

- Ăn uống thế nào? Thay vì ra hàng quán ăn uống mỗi ngày, nhà chị sẽ chọn cách đi chợ mua đồ về nấu ăn, vừa tiết kiệm tiền lại đảm bảo vệ sinh. Ngày nào đi làm thì mang theo cơm, cuối tuần muốn ăn uống gì đặc biệt thì mua vừa đủ về nấu ăn, chứ không để dư thừa.

- Nuôi con ra sao? Chị chọn cách nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp luôn được các bác sĩ khuyên dùng, vừa đỡ tốn kém, lại tốt cho con hơn bất kỳ loại sữa công thức nào. Khi con lớn thì thay bằng sữa ngoài những bổ sung vừa đủ chứ không lạm dụng vì còn để con đói và ăn uống đầy đủ đa dạng các loại thực phẩm. Hạn chế dùng tã bỉm cho con để da con được thoáng mát, không bị hăm. Quần áo mua cho con cũng vừa đủ, hoặc tận dụng từ áo quần của các cháu trong gia đình để sử dụng lại, trẻ con mà mau lớn nhanh lắm, mua nhiều chỉ có phí tiền.

- Cho con đi học ở trường công với mức chi phí rẻ và phù hợp với thu nhập của gia đình. Những món ăn vặt con thích thay vì để con mua ở ngoài, chị tự tay làm. Trái cây thì mua theo mùa, ăn vừa tốt cho sức khỏe lại tiết kiệm được tiền.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Pixabay và Pinterest. 

- Hiếu hỷ, ăn uống với bạn bè vẫn bình thường và xét theo từng mối quan hệ. Không tụ tập la cà với bạn bè thường xuyên trừ trường hợp cần thiết, du lịch thì tận dụng các chuyến đi theo cơ quan, con cái cho đi chơi cũng vừa phải.

- Những thứ khác cần chi tiêu thì chi tiêu hợp lý để không thừa cũng không thiếu.

Mỗi năm thu nhập lẫn lương thưởng sau khi chi tiêu xong vợ chồng chị vẫn để dư được khoảng 150 đến 200 triệu đồng. Đến khi tích được số tiền 400 triệu đồng thì chị tìm đất ven Sài Gòn là huyện Hóc Môn để mua, lúc đó mua được giá 600 triệu đồng và có vay thêm người thân. Chỉ sau 1 năm là trả đủ.

4 năm sau khi mua đất, giá đã lên 4-5 lần, vợ chồng lại tích lũy được khoảng 300 triệu đồng và mượn người thân rồi thuê thợ xây nhà gồm 1 trệt, 2 lầu. Tổng cộng chi phí gần 800 triệu đồng, chị thuê khoán công còn vật liệu tự chuẩn bị, cái gì chắc chắn khó sửa chữa thì phải làm chắc, còn cái gì có thể thay thế được thì chọn vừa phải.

Xây nhà xong, đa phần chị dùng lại đồ cũ, chỉ những thứ trước giờ chưa có thì chị mới đi mua. Khoản nợ gần 500 triệu sau hơn 1 năm đã trả được một nửa, phần còn lại dự kiến sẽ trả nốt trong năm nay.

Người ngoài nhìn vào có thể thấy vợ chồng chị chắt bóp chi tiêu nhưng bản thân cả nhà chị nào giờ vẫn cảm thấy sống khá thoải mái trong chính căn nhà riêng của mình với đầy đủ tiện nghi cơ bản như máy lạnh, máy giặt, nệm…

Mình thấy khá hay đó chứ, cũng là cách để mẹ học hỏi chi tiêu. Mình phải lập kế hoạch thôi, đừng đợi lúc đủ tiền mới mua nhà, câu trả lời là sẽ không bao giờ đâu mẹ ạ. Thay vào đó hãy tích lũy một phần vừa đủ rồi chọn căn nhà vừa ý và mua rồi vay thêm từ người thân, bạn bè, ngân hàng… Lấy khoản nợ đó làm động lực để mình cân đối chi tiêu trong gia đình và là thứ để tích lũy tài sản có giá trị trong dài hạn, còn để dành cho con cái sau này nữa, phải không các mẹ?