Ngày mai mùng 1 Tết rồi, chị em đã nấu nướng chuẩn bị cho bữa ăn ngày mai chưa? Nói chứ đối với nhiều gia đình, có vẻ như hỏi câu này hơi thừa vì một số chị em đã chuẩn bị dần từ 28 – 29 Tết rồi, chứ không phải chờ đến 30 Tết mới lo cuống cuồng đi chợ, nấu nướng đâu.
Tùy theo văn hóa mỗi vùng miền mà chị em sẽ thấy Tết ở mỗi gia đình sẽ có những món ăn khác nhau, tuy nhiên theo thông tin em tìm hiểu được, chuyên gia phong thủy khuyên rằng ngay ngày mùng 1 Tết đầu năm, có 4 món nhất định chị em phải ăn để cầu mong cả năm gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong mọi việc. Nghe tò mò quá nhỉ, vậy đó là những món nào, mời chị em tham khảo qua nhé!
1. Chè đậu đỏ
Màu đỏ vốn tượng trưng cho niềm vui và may mắn nên theo quan niệm trước giờ, đầu năm ăn đậu đỏ thì cả năm sẽ đỏ, gia chủ làm gì cũng đều đỗ đạt, may mắn, rước thêm tài lộc vào nhà và đẩy lùi mọi xui xẻo, phiền muộn.
Ngoài ra, đậu đỏ là loại hạt quen thuộc chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp giải nhiệt hiệu quả sau khi chúng ta nạp quá nhiều đồ nóng. Vì vậy, chuyên gia phong thủy khuyên chị em đầu năm nên ăn đậu đỏ để giúp mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Món làm từ đậu đỏ dễ làm nhất, chính là chè đậu đỏ. Để làm món này, chị em cần chuẩn bị nguyên liệu gồm 300g đậu đỏ, 250g đường, 10g bột sắn dây hoặc bột năng, 1 lon nước cốt dừa.
Sau khi chuẩn bị xong, chị em rửa sạch đậu đỏ rồi ngâm trong nước khoảng từ 6 – 8 giờ cho mềm. Tiếp theo, chị em rửa sạch đậu đỏ đã ngâm và cho vào nồi nấu cùng với 1 lít nước trong vòng 30 – 40 phút. Kinh nghiệm chia sẻ, để chè đậu đỏ nhanh nhừ, chị em nên cho xíu muối vào nhé..
Đến khi chè đậu đỏ chín mềm thì chị em cho đường vào khuấy tan. Bột sắn dây hoặc bột năng cho vào chén nước, khuấy tan rồi cho vào nồi, khuấy đều chè đến khi nước hơi quánh là được. Quá trình thực hiện vẫn nên để lửa nhỏ, sau khi khuấy tan hỗn hợp được 1 phút rồi hãy tắt bếp.
Chờ chè nguội, chị em múc ra chén rồi cho thêm nước cốt dừa vào thưởng thức. Trong trường hợp muốn ăn lạnh thì chị em có thể thêm đá vào nhé.
2. Sung muối
Có lẽ đây là quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả cúng ngày Tết, bởi chúng tượng trưng cho sự sung túc. Vì có vị chát lại nhiều nhựa nên ít ai ưa ăn món này so với các loại trái cây khác, nhưng theo các chuyên gia phong thủy đây là món nhất định phải ăn để cầu cả nhà năm sung túc, ấm no, đủ đầy.
Để làm món sung muối, chị em cần chuẩn bị 500g quả sung tươi cùng tỏi, ớt, chanh, gia vị gồm đường, bột canh và muối.
Quả sung sau khi mua về, chị em hãy tách rời từng quả rồi bỏ cuống và rửa sạch, sau đó bổ ra thành 2 – 3 miếng tùy độ to của quả. Ngâm sung trong nước muối để tránh bị thâm và rửa lại nhiều lần cho sạch nhựa. Làm xong, chị em vớt sung ra để ráo nước.
Pha hỗn hợp muối sung: Chị em bóc vỏ tỏi rồi đập dập, vắt chanh lấy nước cốt, ớt thái thành miếng. Tiếp theo, ướp sung với bột canh và đường sao cho vừa miệng, để khoảng 10 – 15 phút cho thấm. Trước khi ăn khoảng 30 phút, cho hỗượn hợp tỏi, ớt, chanh vào đảo đều, để yên cho thấm.
Lưu ý, nếu chị em muốn để sung muối ăn được vài ngày thì hãy lấy chén nước sôi hòa muối với đường sao cho vừa miệng, rồi cho sung muối vào hũ cùng với nước vừa pha, trộn đều, đậy nắp lại, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh. Làm đúng như hướng dẫn, sung muối có thể ăn được thêm vài ngày mà không bị chua.
3. Cá chép hấp tương
Cá chép là loại cá vượt vũ môn hóa rồng, nên nếu ăn cá chép trong 3 ngày đầu năm mới thì trong năm đó, chị em sẽ gặp nhiều thuận lợi và hanh thông trong công việc, đạt kết quả thành công, dễ dàng nhận được sự thăng tiến.
Ngoài ra, theo chuyên gia phong thủy, ăn cá chép vào ngày đầu năm mới tượng trưng cho tương lai tươi sáng, giàu có và thịnh vượng trong năm.
Chị em nên mua 2 con cá chép, trong đó 1 con để ăn vào đêm giao thừa và 1 con để ăn vào ngày mùng 1 Tết với ý nghĩa ước muốn năm nay đạt được qua năm sau dư dả. Đồng thời, nên ăn nguyên con từ đầu tới đuôi, không cắt rời và bỏ thừa phần nào. Trong đó, phần đầu cá sẽ dành cho người lớn tuổi để thể hiện sự tôn kính, còn phần đuôi dành cho những người trẻ tuổi.
Với quan niệm như vậy, món dễ làm nhất chính là cá chép hấp tương (xì dầu). Chị em có thể tham khảo cách nấu dưới đây nhé!
Nguyên liệu: 1 con cá chép, 1 củ gừng, 2 quả ớt, 1 củ hành tây, 3 củ hành tím, 30gram hành lá (hoặc có thể thay thế thì là), ớt bột, nước tương, dầu mè, rượu trắng cùng gia vị thông thường như đường, muối, hạt nêm, tiêu...
Cách làm:
- Cá chép làm sạch, bỏ hết phần nội tạng, đánh vẩy cá rồi thoa rượu trắng lên mình cá, để khoảng 10 phút cho bớt tanh, sau đó rửa sạch với nước, để ráo.
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch và thái lát mỏng. Hành tím bóc vỏ, thái lát mỏng. Hành tây bóc vỏ và thái múi cau. Hành lá bỏ gốc rễ, rửa sạch và để ráo rồi cắt khúc. Thì là rửa sạch và cắt khúc nhỏ.
- Cho 2 thìa cả-phê hạt nêm, 2 thìa cà-phê ớt bột (nếu nhà có trẻ nhỏ không ăn cay thì không cho ớt nhé chị em), ½ thìa cà-phê tiêu, ½ thìa cà-phê bột ngọt, 1/2 thìa cà-phê muối, 3 thìa cà-phê đường, 1 thìa cà-phê dầu mè vào bát, trộn đều rồi thoa hỗn hợp lên cá chép. Sau đó, cho gừng và hành tím cùng ớt, hành nhồi vào bụng cá. Đồng thời, rải những thứ này lên trên bề mặt cá và ướp chừng 30 phút để thấm đều gia vị.
Trong thời gian chờ đợi, chị em hãy bắc chảo lên bếp rồi cho 300ml nước tương với 300ml nước cùng gừng, hành lá, hành tây vào đun sôi, tắt bếp.
Đến lúc này, cá đã thấm gia vị sẽ cho vào nồi hấp trong vòng 20 phút, sau đó rưới phần nước sốt đã làmlên và để thêm trên bếp 20 phút.
Kết thúc các bước, chị em bày cá ra dĩa và thêm gừng, hành, ớt lên trên. Món này có thể ăn cùng với bánh tráng hoặc cơm nóng rất tuyệt luôn đấy.
4. Canh khổ qua
Tuy không có màu đỏ mang lại may mắn nhưng quan niệm trước giờ trong nhà ngày Tết phải có loại canh này, tượng trưng cho những vất vả, cực khổ đã qua, năm mới đón nhiều tin vui tốt lành.
Để nấu món canh khổ qua dồn thịt ngon, chị em cần chuẩn bị 4 trái khổ qua, 250gram thịt heo xay, 70gram nấm mèo, 1 quả trứng vịt, 800ml nước xương hầm, 1 củ hành tím, 2 tép tỏi và các gia vị thông thường.
Cách làm:
- Khổ qua sửa sạch rồi cắt đường dọc thân một bên quả, nạo hết phần ruột bên trong bỏ. Để bớt vị đắng khó ăn, chị em có thể ngâm khổ qua trong nước lạnh từ 10 – 15 phút rồi vớt ra để ráo.
- Nấm mèo ngâm nở rồi rửa sạch, bỏ chân và cắt nhỏ. Hành tím và tỏi bóc vỏ, băm nhỏ để ướp cùng với thịt dồn khổ qua. Hành, ngò (rau mùi) bỏ gốc rồi rửa sạch và cắt nhỏ.
- Trộn nấm mèo, hành tím, tỏi băm, trứng vịt và thịt heo cùng với gia vị gồm 1 thìa cà-phê đường, 1 thìa cà-phê tiêu, 1 thìa cà-phê hạt nêm, để khoảng 10 phút cho ngấm, sau đó dồn thịt vào ruột khổ qua sao cho thật chặt.
- Đun sôi 800ml nước hầm xương (nếu không có thời gian, chị em có thể mua nước dùng thay thế ở ngoài chợ, siêu thị), sau đó cho 1 thìa cà-phê muối vào và đến khi sôi hãy cho khổ qua vào cùng 2 thìa cà-phê hạt nêm. Quá trình nấu canh khổ qua thường mất khoảng 40 phút. Kết thúc, chị em tắt bếp và cho hành, ngò vào để món ăn dậy mùi và bắt mắt.
Trên đây toàn là những món bổ dưỡng, vừa giúp mang đến sự may mắn, thuận lợi cho chị em trong công việc, cuộc sống năm sau, vừa giúp đuổi đi những điều xui xẻo, không may đến với mình. Nào còn chần chờ gì nữa, bắt tay vào bếp làm thôi.