Đi ăn hàng quán lề đường rẻ tiền, vệ sinh an toàn thực phẩm không có thì không nói làm gì, đằng này ở các bếp ăn, nơi ký hợp đồng mua thực phẩm an toàn hay ngay cả một số nhà hàng xuất hiện nạn trà trộn như thế này thì thật đáng lo các mẹ à.

>>> An Giang: Bắt hơn 3 tấn chả chay nghi trộn thịt cá, không có chứng nhận an toàn thực phẩm

Theo tin từ trang Vietnamnet mình đọc được, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã có tình trạng các bếp ăn, cơ sở chế biến thực phẩm ký kết hợp đồng mua hàng với đơn vị cung cấp nông sản, nguyên liệu thực phẩm trong chuỗi an toàn thực phẩm của TP.HCM nhưng chỉ lấy lượng nhỏ, rồi thu gom sản phẩm ở ngoài trà trộn vào thu lợi.

Chẳng hạn đã có đơn vị báo cáo tiêu thụ số lượng lớn trứng sạch của thành viên thuộc chuỗi này nhưng khi kiểm tra hóa đơn thu mua thì chỉ chiếm một phần nhỏ, nhiều khả năng đã thu gom trứng trôi nổi từ bên ngoài đưa vào tiêu thụ dưới danh nghĩa trứng sạch.

hình ảnh


Ảnh: Kiểm tra, giám sát ATTP tại các gian hàng kinh doanh thực phẩm trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Nguồn: Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. 

Thậm chí, ở một số nhà hàng, khách sạn lớn cũng đã xuất hiện tình trạng nhập nhèm này. Có thể lãnh đạo, quản lý đều muốn có nguyên liệu đạt chuẩn nhưng bộ phận bếp vì lợi nhuận đã mua đồ trôi nổi tráo vào.

Nguồn nông sản, thực phẩm ở TP.HCM phần lớn đến từ các tỉnh, thành nên rất khó kiểm soát về chất lượng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã tính đến khả năng lập hàng rào tiêu chuẩn rồi đưa về TP.HCM tiêu thụ, trước mắt sẽ kiểm soát chất lượng ở trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể rồi đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Các mẫu không đạt chuẩn sẽ được truy xuất nguồn gốc và báo tới cơ sở thực phẩm và yêu cầu cơ sở giải trình, nêu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

hình ảnh


Ảnh: Đoàn Kiểm tra, giám sát ATTP thực hiện kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu nguyên liệu thực phẩm kinh doanh trong khuôn khổ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021. Nguồn: Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM. 

Theo mình biết, các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, căn cứ Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

hình ảnhẢnh trái: Cơ quan quản lý lấy mẫu thực phẩm bày bán trên thị trường TP.HCM để kiểm tra. Nguồn: Vietnamnet. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. 

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với án phạt từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể phải nộp tiền phạt từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bởi vậy, kinh doanh ăn uống là phải chú trọng đến vấn đề này, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là trên hết, có như vậy mới tăng giá trị uy tín thương hiệu của mình được các mẹ à. Đừng vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe, tính mạng của người khác, rồi có ngày phải trả giá đó.