Đời công nhân nhiều cơ cực, làm quần quật nhưng với nhiều người lương tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, ước mơ về cuộc sống chất lượng hơn dường như là cái gì đó xa xỉ. Chưa kể mùa dịch này lại khiến họ lao đao hơn.

Lại nói mới đây, trên báo VNE, em có đọc được một câu chuyện do chính độc giả của tờ báo này chia sẻ cùng các mẹ. Cụ thể như sau:

Anh hàng xóm công nhân nhắn tin tâm sự với tôi: “Chắc năm nay cho thằng nhóc sắp vào lớp một nghỉ ở nhà một năm”. Tôi vội hỏi thăm và khuyên anh bình tĩnh. Anh cho rằng với tình hình cả hai vợ chồng thất nghiệp như bây giờ, không xoay đâu ra đủ tiền để cho con đi học.

Chưa kể đứa lớn học lớp bảy còn gửi ở quê. "Hồi xưa ông bà già cũng giấu bớt hai tuổi nên đi học muộn hơn so với bạn bè" - anh thòng thêm câu nói, như lời giải thích rằng chuyện con anh nếu học trễ một năm cũng là điều chấp nhận được.

hình ảnh

Bài chia sẻ trên báo VNE (Ảnh chụp màn hình)

Tôi chia sẻ và không thể chỉ ra giải pháp giúp gia đình anh lúc này. Nhưng từ những câu chuyện xảy ra mà mình chứng kiến, tôi mường tượng về cảnh những đứa trẻ thất học và nói gót cha mẹ chúng làm những công việc tự do không tên và vô cùng bấp bênh.

Tôi chỉ đưa ra một lời khuyên rằng, nếu làm hết sức, hết khả năng thì cứ tạm hoãn cho thằng nhóc nhỏ đi học một năm. Nhưng đứa lớn cần được đi học tiếp và cả hai phải chí ít học xong lớp 12. Bởi chặng đường hơn chục năm sau, muốn làm công nhân trong nhà máy, xí nghiệp phải ít nhất học xong cấp ba và thậm chí phải có trình độ chuyên môn trung cấp thì người ta mới nhận vào làm.

Tôi ở xóm có nhiều dãy trọ công nhân, chuyện chứng kiến nhiều gia đình làm công nhân là không hiếm. Cha mẹ làm công nhân, con cái cũng làm công nhân. Ngay cả như anh công nhân nhắn tin tâm sự với tôi, anh ấy hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng của con chữ, của việc học. Nhưng bây giờ tiền phòng, tiền ăn còn xoay xở hàng ngày thì việc học hành của con tạm gác sang một bên là điều khó tránh khỏi.

 Và chỉ trong đợt dịch này, những nỗi vất vả của những thân phận công nhân mới được hiểu kỹ và cảm thông hơn. Ngày thường, đa số các nhà trong xóm tôi luôn phàn nàn, phản ứng khó chịu mỗi khi dãy nhà trọ công nhân ăn nhậu và phát ra tiếng karaoke loa kẹo kéo.

Riêng tôi, tuy rất khó chịu vì nó ồn kinh khủng nhưng chỉ góp ý nhẹ nhàng, sau cơn say của họ. Bởi tôi hiểu một lẽ, làm công nhân vốn có nhiều stress và lo lắng cho cuộc sống, nhưng họ không thể nào giải quyết bằng cách đi bác sĩ tâm lý hay tìm những món giải trí như xem phim, xem kịch, đọc sách được. Ăn nhậu và hát hò như xả van stress rồi ngủ, sáng mai lại vào ca mới mà làm việc.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: VOV)

Ngẫm đời công nhân, phần lớn đều từ quê lên phố với mong muốn kiếm được công việc có mức lương ổn định, trước hết là  để nuôi mình, sau nữa là nuôi gia đình nhỏ, ai biết chắt chiu dành dụm thì sẽ gửi được ít tiền về quê cho mẹ cho cha.

Với họ, tương lai không phải là những đồng tiền kiếm được, để dành dụm hay chắt chiu mà tương lao đổ dồn hết cho con cái. Bởi ngay từ đầu, họ hơn ai hết hiểu được giá trị của việc học giỏi, học thành tài.

Vì ngày xưa họ ít học, thiếu học hoặc không muốn học, không có điều kiện để học nên giờ đây chấp nhận đi làm công nhân. Họ không muốn con cái dẫm lên vết xe đổ của mình, nên bằng mọi giá họ sẽ cho con đi học.

Có những người cha, làm quần quật cả đêm để tăng ca không hề than thở, miễn là kiếm thêm được đồng vào đồng ra cho gia đình. Có những người mẹ, ngày đi làm, tối về cơm nước, đêm khuya còn cặm cụi nhận việc làm thêm để tăng thu nhập.

Những con người chăm chỉ như vậy, xứng đáng được yêu thương và tuyên dương. Còn những bạn trẻ nào có mẹ cha đang làm công nhân, cả một đời hy sinh cho con cái thì nên biết yêu thương gia đình, sống hiếu thảo và đối xử tốt với đấng sinh thành.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Cuộc sống an toàn)

Tuy nhiên, quay trở lại bài viết nói trên, có một chi tiết mà em không đồng tình với tác giả, rằng chúng ta nên thông cảm khi công nhân ăn nhậu, hát karaoke làm phiền hàng xóm (vì đó là phương thức giải trí hữu hiệu??)

Thật ra, ăn nhậu hay hát hò còn tùy vào thái độ, cách thức và suy nghĩ nữa. Nếu công nhân tụ nhau ăn nhậu hát hò với tần suất thấp (ví dụ 1 tháng/1 lần) và xin phép hàng xóm trước thì không sao. Nhưng tuần nào, ngày nào cũng xảy ra, thì là vấn đề ý thức họ quá kém, đừng lấy lý do nghèo hay ít học để biện minh cho cách hành xử này.

Lại nói, với những gia đình công nhân hiền lành, tử tế, đặc biệt với những người làm công nhân mà vẫn có chí tiến thủ. Khi rảnh rỗi, khi ở nhà, họ sẽ tranh thủ học thêm để nâng cao tay nghề, thậm chí là đọc sách, xem tivi.

Còn không thì chồng phụ vợ làm việc nhà, sửa sang lại phòng trọ, hoặc là vợ nấu thêm món ăn ngon cho gia đình, và họ sẽ không sa đà vào men bia rượu để còn làm gương cho con cái.

hình ảnh

Sau cùng, biết là đời công nhân rất khổ, vất vả trăm bề, nhất là mùa dịch lại càng khó khăn nữa. Chúng ta sẽ yêu thương, chung tay giúp đỡ họ. Nhưng chính họ cũng phải tự cứu lấy mình, họ cần phải biết  cách tiết kiệm tài chính để dành khi ốm đau, họ cũng cần phải học hỏi để vươn cao vươn xa, họ cũng nên bớt ăn nhậu hát hò tập trung lo cho con cái. Cuộc đời vốn dĩ là bể khổ, nhưng chúng ta vẫn có cách thoát ra nếu suy nghĩ tích cực và hành động đúng hướng.

Nguồn: VNE