Sau thời gian dài thương thảo, bàn luận, cuối cùng cũng đã chốt tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 01/7/2022 thêm 6% so với trước đó. Đây hẳn là tin vui đối với nhiều người lao động đấy ạ.

Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng đối với người lao động làm việc tại khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đây là mức lương thấp nhất mà công ty phải trả cho người lao động để làm một công việc hoặc chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường. Nếu công ty trả lương cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng theo quy định thì tùy theo số người lao động bị vi phạm mà công ty sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 75 triệu đồng, đồng thời phải trả đủ lương cho người lao động theo đúng quy định kèm với lãi chậm trả tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm công bố quyết định xử phạt.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Từ mức lương tối thiểu này sẽ là cơ sở để tính tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu cho người lao động. Vì theo quy định của pháp luật hiện hành, tiền lương tháng làm cơ sở tính đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Kể từ ngày 01/7/2022, theo quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động tăng thêm 6%, cụ thể như sau:

- Vùng I: 4,68 triệu đồng/tháng.

- Vùng II: 4,16 triệu đồng/tháng.

- Vùng III: 3,64 triệu đồng/tháng.

- Vùng IV: 3,25 triệu đồng/tháng.

Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ‘lách luật’ bằng cách đóng BHXH bắt buộc theo mức lương tối thiểu vùng, nên việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 01/7/2022 sẽ dẫn đến tăng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.

Đối với doanh nghiệp, việc thỏa thuận đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng nhằm tiết giảm chi phí và cho rằng đấy là có lợi cho cả công ty lẫn người lao động khi số tiền đôi bên nhận về nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ về lâu dài, khi hưởng các chế độ từ ốm đau đến thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp hay kể cả nghỉ hưu… đều không có lợi cho người lao động. Minh chứng rõ nhất là nhiều chị em cứ than sao sinh nở mình nhận tiền thai sản ít, không đủ lo bỉm sữa cho con, trong khi một số chị em khác dư sức xài số tiền này trong 6 tháng thai sản.

Thêm nữa, pháp luật hiện hành, không chỉ giới hạn mức đóng BHXH bắt buộc tối thiểu mà còn quy định mức đóng BHXH bắt buộc tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở (tức là khoảng 29,8 triệu đồng). Trước mắt, chưa có thay đổi mức lương cơ sở, do vậy, giới hạn tối đa tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc vẫn giữ nguyên như cũ, chưa có điều chỉnh mới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu mức lương cơ sở thay đổi thì lẽ dĩ nhiên, giới hạn tối đa này cũng sẽ tăng lên.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nghệ An và báo Nhân dân. 

Tăng lương đồng nghĩa với việc sẽ tăng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và đó cũng là quyền lợi của chúng ta về lâu dài. Vì vậy, mong rằng bà con hiểu được quyền lợi của mình để cùng công ty thực hiện đúng quy định mới, đừng vì lợi ích trước mắt mà không tính toán đến phúc lợi mình sẽ được hưởng mai sau nhé.