Theo dõi số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM rồi thấy chúng ta không thể chủ quan được bà con ạ. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành F0 cả, cho nên cần chủ động học cách phòng chống. Thật ra học cách phòng chống không thôi chưa đủ, vẫn cần phải trang bị thêm kiến thức nếu có lỡ nhiễm bệnh thì cách xử trí tại nhà như thế nào trước khi nhờ cơ quan y tế can thiệp.

>>> TP.HCM tiếp tục đề xuất hỗ trợ người khó khăn sau ngày 15/9/2021: Mức 750.000 đồng/người

Nghe kể có gia đình trong nhà mất nhiều người vì căn bệnh này, đủ cho thấy sự nguy hiểm thế nào. Người lớn còn chịu không được những cú sốc về tâm lý chứ huống hồ gì là trẻ em, chúng vốn dĩ cần được quan tâm nhiều hơn.

Nay em đọc bài báo trên trang Người Lao Động mới biết, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống ‘cô vi’ tại TP.HCM hôm chiều ngày 11/9/2021, Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM cho biết trẻ em là F0 hoặc có cha mẹ qua đời vì ‘cô vi’ sẽ được nhận hỗ trợ.

hình ảnh


Ảnh: Trẻ em và phụ nữ mang thai từ TP.HCM về Đắk Lắk được đưa đi cách ly tập trung. Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam. 

Theo đó, chính sách hỗ trợ như sau:

* Đối với trẻ em là F0 đang điều trị do nhiễm ‘cô vi’: Được hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, áp dụng từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa không quá 45 ngày. Được biết, trước đó, cũng có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em là F1 đang được cách ly y tế để phòng chống ‘cô vi’ với mức tiền hỗ trợ tương tự như trên, nhưng thời gian hỗ trợ tối đa là 21 ngày.

Ngoài ra, trẻ em thuộc các trường hợp này còn được nhận hỗ trợ thêm 1 lần với mức 1 triệu đồng/trẻ. Các khoản chi phí ngoài phạm vi chi trả của BHYT và khám chữa bệnh đối với trẻ không có thẻ BHYT sẽ được ngân sách Nhà nước bảo đảm. Nghĩa là cha mẹ không phải tốn tiền cho các khoản chi phí này.

Đến khi trẻ trở về nhà sau thời gian điều trị và cách ly tập trung sẽ được xác minh hoàn cảnh để hỗ trợ gạo, mì gói, sữa… Trường hợp khó khăn quá thì chính quyền địa phương thực hiện kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ.  

* Đối với trẻ em có cha mẹ qua đời vì ‘cô vi’: Được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng.

- Trường hợp trẻ dưới 4 tuổi sẽ được trợ cấp theo hệ số 2,5 (tương đương 900.000 đồng tại thời điểm hiện nay). 

- Trường hợp trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên sẽ được trợ cấp theo hệ số 1,5 (tương đương 540.000 đồng tại thời điểm hiện nay). 

Số tiền nhận trợ cấp trên được tính bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng theo quy định. Mức chuẩn trợ giúp xã hội được áp dụng kể từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng, căn cứ Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, trẻ em thuộc diện này còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. 

Thời gian nhận trợ cấp đến khi 16 tuổi. Đến đủ 16 tuổi nếu học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì được tiếp tục hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

hình ảnhẢnh trái: Trẻ em là F0 sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước và các đơn vị, ban ngành TP.HCM. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM. Ảnh phải: Các em nhỏ được hỗ trợ quà, động viên vượt qua khó khăn do 'cô vi'. Nguồn: Báo Vĩnh Long. 

Lưu ý là trẻ mồ côi cha lẫn mẹ thì được đưa vào diện chăm sóc, nuôi dưỡng bởi ông, bà, người thân, cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố, nhận nuôi con nuôi hoặc được đưa vào trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Tính đến thời điểm này, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã và đang vận động để chăm sóc, hỗ trợ trẻ có cha lẫn mẹ qua đời vì ‘cô vi’ hoặc có cha, hoặc mẹ qua đời vì ‘cô vi’ và người còn lại đang nhiễm bệnh đang điều trị trong khu cách ly tập trung, có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi trẻ được nhận hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, kèm theo gạo và sữa.

Chính sách hỗ trợ thật nhân văn bà con ạ, chúng ta cũng biết là ‘trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai’, hiện tại trẻ em nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt thì xã hội sau này mới phát triển tốt đẹp được. Chính sách thì tốt rồi đó, giờ quan trọng ở khâu thực thi. Mong sao cơ chế vận hành đơn giản, để chính sách hỗ trợ này kịp thời và sớm đến tay của trẻ cần được quan tâm để bù đắp những mất mát đau thương phải gánh chịu vì ‘cô vi’.