Dù sức khỏe ổn định, theo em các mẹ bầu cũng không nên quá chủ quan, tốt nhất cứ chuẩn bị sẵn sàng tinh thần trong mọi tình huống để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Các mẹ có đồng ý với em là trong suốt quá trình mang thai, nếu được đánh giá tình hình sức khỏe ổn định thì đây chính là nền tảng cực kỳ tốt để mẹ bầu có thể yên tâm vượt cạn không? Cái này thì chắc ai cũng biết rồi, nhưng mà dù có khỏe mạnh đến đâu thì khi bước vào phòng sinh, chị em rất có thể vẫn gặp phải 4 bất trắc đe dọa sức khỏe bản thân mình và con sắp chào đời đấy ạ. Hôm bữa đọc báo em nghe bảo tốt nhất khi chuẩn bị đi sinh, cứ nắm rõ những nguy cơ sau để chuẩn bị tinh thần, đảm bảo an toàn cho cả mình và con, không thừa đâu nên mọi người ai đang bầu bì thì xem qua nhé.

Nhau bong non

Đây là một biến chứng có thể xảy ra khá đột ngột gây mất máu và đe dọa tình trạng sức khỏe của thai nhi, vì thế chị em nên hết sức cẩn thận. Nhau bong non là khi bánh nhau bị bong một phần hoặc toàn bộ ra khỏi thành tử cung trong 3 tháng cuối hoặc khi đã đến ngày dự sinh. Nhau bong non khiến em bé trong bụng dễ bị ngạt thở khi chưa ra ngoài, do đó, khi gặp tình trạng này thông thường các thai phụ sẽ được chỉ định mổ cấp cứu dù trước đó có được xác định đang khỏe mạnh đến đâu đi chăng nữa. Khi bị nhau bong non, chị em có thể phát hiện một số dấu hiệu như xuất hiện những cơn co thắt bất thường, bị đau bụng dưới, đau lưng, chảy máu tử cung, mệt mỏi, huyết áp xuống thấp, nhịp tim nhanh,… Tùy theo cấp độ nghiêm trọng của nhau bong non, thai phụ sẽ  xuất hiện các dấu hiệu khác nhau. Một khi nhau thai đã bong hoàn toàn, sẽ không có bất cứ cách nào để đưa nhau thai trở lại như cũ, vì thế nếu không được điều trị kịp thời, nhau bong non có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, mẹ mất máu nặng gây nguy hiểm tính mạng,… đó ạ.

hình ảnh

(Ảnh minh họa)

Sinh khó

Nếu có thể trạng tốt và một thai kỳ ổn định, các mẹ thường sẽ được chỉ định sinh thường để sớm hồi phục và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con hơn. Tuy nhiên, dù trước đó có được xác định đủ điều kiện sinh thường hay hoàn toàn khỏe mạnh, khi bước vào cuộc sinh mẹ vẫn có thể gặp phải tình trạng sinh khó thường bắt nguồn từ những vấn đề như quá trình chuyển dạ kéo dài, cổ tử cung không mở, tử cung co bóp yếu,…ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thông thường nếu nhận thấy có quá nhiều vấn đề, các bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ chuyển qua phương pháp sinh mổ. Nhiều bà mẹ gặp phải tình trạng này thường bị sốc, không muốn sinh mổ nên bất hợp tác với bác sĩ. Tuy nhiên, chị em cần hết sức bình tĩnh, cứ tin tưởng, lắng nghe và tuân thủ theo những chỉ định y khoa để có thể đảm bảo an toàn cho mình và con là ổn nhất rồi các mẹ ạ.

Tử cung co thắt yếu

Tử cung co thắt yếu sẽ khiến mẹ dễ rơi vào tình trạng nhau thai không thể tự đẩy ra ngoài, nhau thai không rụng hết toàn bộ,… Thông thường, nếu lực cho thắt đủ mạnh, chỉ mất trung bình khoảng 15 – 20 phút để nhau thai có thể được đẩy ra ngoài một cách hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, nếu tử cung co thắt không đủ mạnh, các bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp lấy nhau thai một cách “thủ công” bằng tay. Phương pháp này có thể gây ra nhiều cảm giác đau đớn, khó chịu còn hơn khi phải trải qua hành trình vượt cạn trước đó, vì thế, chị em nên chuẩn bị sẵn tâm lý, luôn thoải mái, bình tinh để tránh làm mọi việc trở nên tồi tệ và ám ảnh hơn.

hình ảnh(Ảnh minh họa)

Thai bị thiếu oxy

Thai nhi bị thiếu oxy trong quá trình vượt cạn có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại như chậm phát triển, bại não sau khi chào đời,… Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thai nhi thiếu oxy thường đến từ việc dây rốn quấn quanh cổ trong quá trình chuyển dạ hoặc đầu thai nhi bị khung xương chậu chèn ép khi sinh làm cho nhịp tim giảm nhanh, lượng oxy cần thiết cũng giảm mạnh. Khi phát hiện tình trạng thai bị ngạt thở, thiếu oxy, các bác sĩ sẽ cho thai phụ thở oxy hoặc tiêm tĩnh mạch và cân nhắc thực hiện phương pháp sinh mổ để đưa em bé ra ngoài càng sớm càng tốt đó các mẹ.