Mùa dịch, có rất nhiều người mất việc. Nhưng lạ một điều, những bạn trẻ có thu nhập thấp lại ít lao đao hơn những bạn có thu nhập cao. Và câu chuyện sau đây, sẽ khiến chúng ta thêm một lần nữa phải suy nghĩ.

Năm 2011, vừa tốt nghiệp chuyên ngành quản trị doanh nghiệp ở TPHCM, P.L.T (31 tuổi, ngụ quận Tân Phú) được người quen giới thiệu vào làm thư ký một công ty tư nhân với mức lương 12 triệu đồng/tháng. Với vẻ ngoài ưa nhìn, thêm tài ăn nói, một năm sau, cô được đề bạt lên làm trợ lý giám đốc, lương 18 triệu đồng.

"Khi ấy, gia đình và bạn bè đều rất ngưỡng mộ vì lúc nào em cũng xuất hiện với trang phục lộng lẫy kèm nhiều phụ kiện đắt tiền. Công ty chuyên về bất động sản nên em phụ trách kế hoạch phát triển dự án", L.T. nhớ lại.

hình ảnh

L.T. từng có thu nhập cao khi đi làm việc (Ảnh: Dân Trí)

Chăm chỉ làm việc, cộng thêm công ty làm ăn thuận lợi, mỗi năm cô được thưởng từ 200 - 300 triệu đồng. Năm 2018, nữ trợ lý này mua trả góp căn chung cư rộng 95m2. Lúc này, cô cũng được tăng lương lên 35 triệu đồng, cuộc sống khá "sang chảnh" dù phải trả lãi ngân hàng 18 triệu/tháng.

"Em nhớ rõ hôm 3/2/2020, ngày đầu tiên đi làm sau khi nghỉ Tết. Nhân sự gọi em lên và thông báo cho thôi việc. Khi ấy, em thấy khá bình thản và nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng kiếm được việc mới", L.T. kể lại.

 Sau khi nhận tháng lương cuối cùng ở công ty cũ, cô lấy thêm gần 70 triệu tiền bỏ ống heo để đi du lịch. Với kế hoạch sau 2 tuần "xả hơi" rồi sẽ đi xin việc và tiếp tục cuộc sống "sang chảnh", nhưng thực tế làm cô dần suy sụp.

 "Khi đó đúng thời điểm dịch, các công ty bất động sản gần như đóng băng. Em gọi trực tiếp cho các công ty thân quen xin việc nhưng đều bị từ chối. Nộp hồ sơ online nhưng 2 tháng sau vẫn chưa ai gọi. Sốt ruột, em đến từng công ty nộp hồ sơ nhưng cũng bị từ chối", P.L.T chia sẻ.

hình ảnh

Cô gái không thể xin được việc mới sau khi nghỉ việc (Ảnh: Dân Trí)

3 tháng sau khi thất nghiệp, cô bắt đầu lo lắng vì không có tiền trả ngân hàng, mọi chi tiêu cũng bị cắt giảm. Áp lực tiền bạc khiến cô gái trẻ mất ngủ triền miên và tóc bạc nhiều.

"Từ tháng thứ 4 trở đi, em bắt đầu lên mạng tìm thông tin việc làm liên tục và nộp hồ sơ cho gần 100 công ty. Ban đầu em yêu cầu lương trên 40 triệu đồng/tháng, sau giảm còn trên 30 triệu đồng. Mấy tháng sau, em chỉ mong thu nhập đủ tiền trả ngân hàng nhưng cũng không ai nhận", cô than thở.

Hơn một năm qua, nữ trợ lý phải vay hết tiền tiết kiệm của ba mẹ để trả ngân hàng. Ngoài ra còn vay mượn bạn bè khắp nơi, người 5 triệu, nơi 10 triệu để duy trì cuộc sống. Chưa bao giờ cô nghĩ mình có lúc bế tắc như vậy.

Sau 10 tháng thất nghiệp, P.L.T phải bán lại căn chung cư vì không thể "gồng gánh" tiền lãi ngân hàng. Ngày bán nhà, cô vừa khóc vừa dọn đồ qua thuê trọ chung với bạn. Nơi ở mới khá chật chội nên 2 đêm liền cô không thể chợp mắt.

 Tháng 5 vừa qua, L.T đi làm bảo vệ cửa hàng tiện ích "Em đi làm bảo vệ ở đó ai cũng ngạc nhiên. Công việc chỉ đứng ngoài cửa để khử khuẩn cho khách là chính", cô kể. Sau khi nhận tháng lương đầu tiên, cô gái này lại khóc vì không ngờ thu nhập của mình chỉ còn 5 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, cô nghĩ nó cho mình nhiều bài học, đặc biệt là sự quý trọng đồng tiền làm ra. "Lúc trước em tiêu hoang phí quá, giờ mới nhận ra và sẽ cố gắng tiết kiệm hơn. Làm bảo vệ lương 5 triệu cũng vui. Công việc nào cũng trân trọng", P.L.T tâm sự.

hình ảnh

Căn chung cư đã mua đành phải bán lại (Ảnh: Dân Trí)

Vâng, lại thêm một câu chuyện “điển hình” trong mùa dịch. Khi mà thời điểm các bạn trẻ đang gặp khó khăn về tài chính, khủng hoảng về tâm lý và đặc biệt là họ đã nhận ra, cách sống của mình có vấn đề. Làm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, không có dự phòng cho tương lai, không có khoản để dành cho những điều bất trắc.

Ông bà mình từng có rất nhiều lời khuyên như “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” hay “làm khi lành để dành khi đau”. Thậm chí mẹ cha của các bạn cũng nói rất nhiều, nhưng hầu như các bạn đều để ngoài tai, các bạn không ngờ cuộc sống sẽ có lúc vô cùng bi đát.

Tất nhiên, các bạn cũng sẽ nghĩ có lúc mình ốm đau, bệnh tật, mất việc. Nhưng các bạn tự tin quá vào năng lực của mình, sẽ nhanh chóng có việc lại thôi, và không ai chết đói bao giờ. Nhưng bất ngờ, dịch bệnh ập tới, dù bạn giỏi cỡ nào cũng chịu, vì nghề của bạn bị đóng băng và kết quả thì chắc ai cũng đoán được.

Như câu chuyện của L.T, là trường hợp điển hình cho nhiều bạn trẻ sống hưởng thụ, sống YoLo, nghĩa là sống hôm nay không cần lo chuyện mai sau. Đi làm nhiều năm, thu nhập thuộc dạng khủng, nhưng đến cuối cùng vẫn không có tiền để dành.

hình ảnh

Thậm chí, L.T từng nghĩ mua chung cư là xem như của để dành, nhưng đã rất nhiều năm rồi mà bạn vẫn không trả xong nợ. Tiền lãi lẫn gốc là 18 triệu, con số không hề nhỏ và đem đến nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, sau cùng là bạn đã dần chiêm nghiệm được “sai lầm” của mình, vui vẻ đi làm bảo vệ lương 5 triệu/ tháng. Bạn không mắc bệnh sĩ diện, miễn kiếm tiền chân chính, đó là động thái đáng khen.

Thôi thì cuộc đời sẽ có những lúc lên voi xuống chó, qua đây cũng là trải nghiệm các bạn trẻ nên có một vài lần để trưởng thành. Quan trọng nhất, sau tất cả chúng ta có thêm nhiều bài học, không chỉ cho chính mình mà còn cho tất cả mọi người.

Nguồn: Dân Trí