Thất nghiệp là vấn đề không còn xa lạ trong mùa dịch. Tuy nhiên, những câu chuyện dưới đây lại khiến hội chị em xúc động vì nhiều hoàn cảnh rất giống với bản thân mình, rất cần sự đồng cảm.

Mất việc làm từ tháng 6, chị Phan Thị Nga, ngụ ở Quận 12, TPHCM vẫn chưa thể đối diện với thực tế thất nghiệp. Chị làm tại phòng kinh doanh của một công ty in ấn được 8 năm. Từ đầu năm nay, công ty đã thu hẹp quy mô, bắt đầu cắt giảm nhân sự.

Cho đến lần ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ 4 này, chị thuộc trong danh sách gần 10 nhân sự được "gọi tên". Từ ngày mất việc, chị ăn không được, nhiều đêm nằm trằn trọc nghĩ ngợi đủ thứ rồi lịm đi được 2-3h. Chưa đến 3 tháng, dù không tập môn thể dục nào nhưng chị đã giảm trọng lượng từ 57 kg xuống còn chưa đến 50 kg. Người xanh xao và mệt mỏi, tóc chị nhiều chỗ đã bạc trắng.

hình ảnh

Một người mẹ tại TPHCM đang phải nghỉ việc ở nhà (Ảnh: Dân Trí)

Nhưng suy sụp không chỉ ở thể chất mà đáng sợ hơn là ở tâm lý, tinh thần. Áp lực vô hình đè nặng, chị giấu kín việc bị rơi vào cảnh thất nghiệp, không thể mở lời nói với chồng và 2 đứa con đang tuổi mới lớn. "Tôi ráng diễn vai "mình ổn" nhưng thường xuyên mệt mỏi, hay cáu gắt, khó chịu nên gia đình cũng lục đục, căng thẳng", chị tâm sự.

Vợ chồng chị có 2 con, anh làm tại một công ty sản xuất nhôm kính. Từ lâu, 2 người đã phân chia: Chồng trả tiền ngân hàng mua căn hộ, tiền học phí của một người con. Chị lo cho bé thứ hai và mọi khoản chi tiêu trong gia đình. Thu nhập của chị ở mức khá, gần 20 triệu đồng nhưng cũng không dành dụm được bao nhiêu.

"Tôi có khoản tiết kiệm hơn 50 triệu, mấy tháng nay phải đưa ra dùng. Tôi tính chi ly từng đồng, từng bữa ăn nhưng chẳng thấm tháp vào đâu. Vì lúc này, mọi người đều ở nhà, nhu cầu tăng mà thực phẩm lại đắt đỏ", người mẹ thở dài.

Chung tình cảnh với chị Phan Thị Nga, cuộc sống vốn yên bình với chị Trần Ngọc Ân, 40 tuổi Tân Bình, TPHCM đảo lộn hoàn toàn khi công ty giải thể. Yên phận cả chục năm nay với công việc văn phòng, chị chưa từng hình dung có ngày sẽ bị thất nghiệp.

Tình hình gia đình chị càng tệ hơn khi chồng cũng bị giảm lương. Thu nhập của 2 vợ chồng lâu nay khoảng 30 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học ở mức thoải mái một chút. Giờ vỏn vẹn chỉ có hơn 10 triệu đồng. Nhiều tháng qua, chị phải tằn tiện chi tiêu để kéo dài khả năng cầm cự. Nhiều bữa ăn trong nhà, cha con ngồi thở dài vì chỉ có cơm với đậu phộng. 

hình ảnh

Nhiều chị em bị xáo trộn cuộc sống bình yên vì mất việc làm (Ảnh: Dân Trí)

Thất nghiệp là nỗi ám ảnh với tất cả mọi người. Nhưng với phụ nữ trung niên, nó có thể coi như một thảm họa, bởi phía sau họ có rất nhiều vấn đề phải lo, nhất là chuyện ăn uống và học hành của con cái.

Chưa kể, phụ nữ dù ở nhà cũng phải làm mẹ, làm nội trợ, khó dồn hết sức lực cho công việc bán thời gian. Lại nói ngày bình thường, họ có thể buôn hàng online, nhận hàng thủ công về làm, kể cả giữ trẻ hay giúp việc theo giờ nhưng vì giãn cách, mọi thứ cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Tiền để dành, bao nhiêu cũng không đủ, thậm chí có người rao bán đất đai, nhà cửa nhưng lúc này cũng chẳng ai dám mua. Vậy mới thấy, dịch bệnh ảnh hưởng đến bao nhiêu người, không chỉ là sức khỏe mà còn là sự suy sụp kinh tế và những ám ảnh tâm lý.

Đặc biệt với những ai đang ở nhà chồng, bỗng một ngày mang tiếng ăn bám lại cảm thấy đau đớn vô cùng. Nếu người thân và bạn đời hiểu cho thì không nói, đằng này vì kinh tế suy giảm, cả hai bên cứ chất vấn và gây sức ép cho nhau, khiến tâm lý căng thẳng, lâu dần sinh ra trầm cảm.

hình ảnh

Tâm sự với chị em như vậy, không phải là để than vãn hay kêu ca mà để chúng ta có cái nhìn thẳng vào sự thật, rằng ngoài kia cũng có nhiều người đang chung cảnh ngộ như mình. Thôi thì chẳng biết khi nào dịch hết bệnh tan, nên chúng ta hãy cứ động viên nhau mà sống.

Nếu thấy ai đó đang khó khăn, xin hãy giúp đỡ họ. Nếu thấy ai đó đang mệt mỏi, xin hãy động viên tích cực. Đừng so sánh họ với những người nghèo khổ hơn rồi nói họ vẫn còn may mắn. Bởi lúc này, tâm lý của ai cũng nặng nề như nhau.

Nhưng một lần nữa, xin chị em hãy nghĩ thoáng lên, hết bệnh chúng ta lại lao vào kiếm tiền. Nợ nần thì cũng đã nợ rồi, việc của tương lai là trả nợ, nhưng muốn trả nợ thì phải có ý chí và sức khỏe, nên đừng quá lo lắng, rồi ngày mai mọi chuyện sẽ ổn hơn.

Nguồn: Dân Trí