Dù dịch bệnh đã tạm lắng xuống, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn đang còn “sốc tâm lý” vì cạn kiệt tài chính. Họ cố gắng thoát khỏi những ngày tháng chật vật nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu.

1h sáng, Quỳnh Trang (23 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn ngồi bên máy tính. Cô chưa thể hoàn thành công việc mà sếp giao. "Đây chắc chắn không phải công việc tôi yêu thích và có khả năng đảm đương tốt. Nếu không do dịch bệnh và cạn tiền tiết kiệm, tôi chắc chắn đã nghỉ việc từ lâu", Trang mệt mỏi nói.

Gắn bó với nghề sáng tạo nội dung đã 2 năm, Quỳnh Trang từng nhiều lần muốn nhảy việc. Cô gặp khó khi liên tục phải tăng ca, thức đêm hoặc làm việc vào cuối tuần để kịp deadline. Không những thế, mức lương của Trang là khoảng 7 triệu đồng/tháng, chỉ đủ trang trải cuộc sống một mình tại Hà Nội, khó có thể để dành.

Trong đợt dịch, cô còn phải chịu cắt giảm 25% lương, tình hình tài chính càng trở nên chật vật. Trang tự nhận xét mình chính là một "zombie công sở", đi làm và ra về lặng lẽ, thực hiện nhiệm vụ một cách thiếu năng lượng, uể oải, mất tinh thần.

hình ảnh

Trang thường xuyên phải thức đêm để hoàn thành công việc (Ảnh: Zing)

"Mỗi lần tôi tính nghỉ việc thì một đợt dịch mới lại bùng phát. Đặc biệt, trải qua đợt dịch vừa rồi với nhiều tháng phải ở nhà giãn cách, tôi nghĩ rằng mình cần công việc để sống chứ không phải lựa chọn theo sở thích, đam mê ", Trang chia sẻ.

Bùi Minh Đức (24 tuổi) tốt nghiệp đại học và đi làm tại TP.HCM vào giữa năm 2019. Anh làm nhân viên sale cho một công ty chuyên sản xuất giày dép. Thời gian đầu, Đức nhận lương cứng 6 triệu đồng và được thưởng thêm theo doanh số.

Thu nhập hàng tháng không quá cao nhưng đủ để một người vừa ra trường trang trải cuộc sống ở mức cơ bản. Tuy nhiên, công ty của anh chỉ gắng gượng qua được 1-2 đợt dịch đầu, đến đợt dịch thứ 3 phải bắt đầu cắt giảm lương và nhân sự.

Tháng 4/2020, Đức được công ty trả đúng 4 triệu đồng, mức lương thấp nhất anh nhận được từ lúc đi làm cho đến nay. Với khoản tiền này, Đức không đủ để trả tiền trọ và xăng xe, chưa tính đến ăn uống, chi tiêu khác.

"Nhận lương xong, mình stress, mất ngủ mấy ngày liên tục. Chưa bao giờ mình cảm thấy chán nản, mệt mỏi như lúc đó". Một tuần sau, Đức xin nghỉ việc, trả phòng trọ rồi dọn đồ về quê ở Đắk Lắk. "Cha mẹ rất buồn khi nghe chuyện nhưng cũng động viên mình suy nghĩ tích cực, chờ dịch bệnh yên ổn rồi tìm công việc mới", anh nói.

Tuy nhiên, với Đức, việc thất nghiệp và phải trở về quê sống dựa vào người thân chỉ sau hơn một năm ra trường đi làm là thất bại không dễ để vượt qua. Nó như một "cú vấp" khiến anh trở nên khép mình, tự ti. "Mình rất sợ cảm giác phải trở về thành phố, tìm kiếm công việc, nỗ lực làm lụng nhưng cuối cùng lại trắng tay vì dịch bệnh hay một điều gì đó tương tự".

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: nationalgeographic.com)

Mùa dịch, có rất nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp và đây là câu chuyện không của riêng ai. Tuy nhiên, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến chỉ trích rằng, thế hệ ngày nay không biết tiết kiệm, không có khoản để dành, nên khi gặp sự cố liền lao đao và hụt hẫng.

Nhưng thực tế có phải vậy không, bạn không ở trong hoàn cảnh của người khác sao vội phán xét? Bởi thực tế là có nhiều bạn trẻ mới ra trường, đi làm lương thấp (đó là điều hiển nhiên), tiền ăn còn chưa đủ thì rất khó để dành. Chưa kể dịch dã kéo dài gần nửa năm, đến người giàu cũng rụng, huống chi là người nghèo, tiền để dành - biết bao nhiêu mới đủ?

Thế nên là, rất thương và đồng cảm với những bạn trẻ từ quê lên phố, họ mang theo nhiều hoài bão và ước mơ, họ cố gắng làm lụng mưu sinh, chấp nhận đi làm cả tuần, chịu cảnh bị sếp mắng, deadline dí, khách hàng chê trách phàn nàn, miễn là đồng vào đồng ra, để tăng thêm kinh nghiệm sống và làm việc.

Nhưng dịch bệnh, khiến họ không thể trụ nổi và sau dịch, họ vẫn chưa thể hồi phục lại trạng thái ban đầu. Điều đáng buồn hơn, có những bạn trẻ xuất hiện khủng hoảng tâm lý, cảm thấy mình bất tài vô dụng, họ không dám nhảy việc dù nghề nghiệp đang làm chẳng có tương lai, hoặc nếu về quê “ăn bám” cha mẹ lại còn mệt mỏi hơn nữa vì hầu như ai cũng nghĩ mình là gánh nặng.

hình ảnhHình minh họa (Ảnh: news.skydoor.net/Facebook)

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, bởi suy cho cùng, bạn không có việc làm hay không dám nhảy việc là bởi bạn chưa giỏi, khi bạn không giỏi bạn không tự tin, không dám mơ về một mức lương cao xa xỉ. Trong khi ngoài xã hội, nhiều bạn trẻ dù mới ra trường vẫn có thể nhận lương tháng cả ngàn đô.

Vậy thì, hãy tranh thủ khoảng thời gian được “nghỉ ngơi”, gác lại những suy nghĩ tiêu cực, hãy tự hỏi mình là ai, giỏi cái gì, khát khao muốn làm gì và lên kế hoạch để thực hiện. Đặc biệt, cần nhìn rõ năng lực của mình đang còn yếu chỗ nào để khắc phục và làm nó mạnh lên.

Hãy tin rằng, khoảng thời gian khó khăn này sẽ nhanh chóng qua đi, chỉ cần bạn đủ dũng cảm để nhìn vào thực tại, đủ kiên trì để thay đổi bản thân, đủ mạnh mẽ để đương đầu với sóng gió thì tương lai, dù dịch bệnh hay thiên tai, bạn cũng chẳng cần phải lo chuyện thất nghiệp!

Nguồn: Zing