Sau một năm có nhiều biến động, nhiều người chấp nhận mất khoản tiền thưởng Tết hoặc bị trừ lương để được về đón Tết sớm bên gia đình. 

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, trong năm qua có không ít người “tha hương cầu thực” đã không thể về thăm nhà. Do đó, trong những ngày cuối năm thế này, nhiều trường hợp đã sử dụng ngày nghỉ phép hoặc thậm chí chấp nhận bị trừ lương, mất thưởng để có thể đoàn viên bên gia đình. 

Chia sẻ trên Tuổi trẻ Thủ đô, Vũ Minh Tuấn (26 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) cho biết anh đã về quê ở Bình Định vào ngày 22 tháng Chạp, nghĩa là trước Tết cả tuần. Ban đầu, Tuấn còn dự định sẽ về nhà sớm hơn nhưng phải tự cách ly theo dõi do thuộc diện F1 nên phải dời ngày lại. 

hình ảnh

Hành trang về quê đón Tết sau một năm nhiều biến động. (Ảnh: Thanh Niên)

Để được trở về đón Tết sớm với gia đình, chàng trai này đã chấp nhận bị công ty trừ một tuần lương do anh đã sử dụng hết ngày nghỉ phép trong năm. Tuy vẫn phải giải quyết một số công việc qua online nhưng Tuấn cho biết không hối hận khi về nhà sớm như vậy. Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội và Bình Định hiện đang diễn biến phức tạp nên anh chàng hy vọng về quê sớm chừng nào hay chừng nấy.Năm vừa qua đã rất khó khăn rồi, mình không muốn đón một cái Tết xa nhà nữa”, Tuấn tâm sự.

hình ảnh

Sân ga trong ngày cuối năm với những chuyến tàu ngược xuôi chở theo niềm vui đoàn viên. (Ảnh: Thanh Niên)

Chung hoàn cảnh với anh chàng 26 tuổi, Hải Anh (24 tuổi, đang làm việc tại Hà Nội) cũng chia sẻ trên Tuổi trẻ Thủ đô là cô đã về nhà ở Quảng Ninh từ ngày 18/1. Để được nghỉ Tết sớm như vậy, Hải Anh chấp nhận bị công ty trừ mất 1 tuần lương đúng với hợp đồng lao động đã thỏa thuận từ trước. 

“Mấy ngày trước, Quảng Ninh yêu cầu người về từ vùng cam phải cách ly 7 - 14 ngày nên mình khá lo lắng. Hiện tại, quy định đó đã được gỡ bỏ nên nhiều bạn bè khác của mình cũng dễ thở hơn. Về sớm như thế này dù hơi đáng tiếc vì bị trừ lương nhưng mình cũng yên tâm hơn phần nào”, cô bạn chia sẻ. 

Trong năm qua, nếu như không phải công việc quá bận thì cũng vì ảnh hưởng từ dịch bệnh nên Hải Anh không thể sắp xếp để về thăm bố mẹ. “Mình nhớ nhà, nhớ mọi người nên để an toàn và yên tâm hơn, mình quyết định xin nghỉ sớm để về quê”, cô bạn cho biết không hề hối hận với việc định xin nghỉ phép sớm để về nhà bên gia đình. 

hình ảnh

Nhiều công nhân được hỗ trợ vé về quê miễn phí. (Ảnh Thanh Niên)

Tâm lý mong được về quê đón Tết sớm cũng dễ hiểu vì thời gian qua nhiều người bị “kẹt dịch”, e sợ không biết khi nào dịch sẽ "ghé" lại nên chỉ muốn về đến nhà an toàn. Trong đại dịch, nhiều người đã ý thức được giá trị của gia đình, của những phút được quây quần bên người thân. “Tiền có thể kiếm lúc nào cũng được nhưng bố mẹ đâu thể cứ chờ mình mãi được. Dịch bệnh thế này chỉ càng muốn được sớm về với gia đình”, một cư dân mạng bày tỏ. 

Đoàn viên, hẳn đây là từ được nhắc đến nhiều trong những ngày cuối năm thế này. Đặc biệt, nhìn lại những gì đã qua trong năm 2021 mới càng thêm thấm thía về giá trị của sum họp gia đình, của cái gọi là “về nhà có gì ăn nấy”. 

Nhớ lại những dòng người chật kín trên đường quốc lộ để được về nhà sau thời gian bám trụ lại thành phố đến kiệt quệ mà thương thắt lòng. Đứa bé kiệt sức đến ngất xỉu ở Đèo Hải Vân khi cùng bố mẹ rời bỏ nơi “lắm hoa mà cũng nhiều lệ”. Có gia đình chất lên chiếc xe máy cà tàng đủ thứ xoong chảo, quạt mát, mùng mền cũ kỹ để về lại quê nhà khi hy vọng về cuộc sống đỡ khổ hơn ở thành phố đã bị dập tắt vì dịch bệnh. 

hình ảnh

(Ảnh phải: VNE)

Chỉ còn 1 tuần nữa, một năm với nhiều điều khó khăn, không như ý sẽ khép lại. Những ai trong cảnh “tha phương cầu thực” rồi sẽ bịn rịn chia tay gia đình để quay lại thành phố, tiếp tục với mưu sinh, nỗ lực vì cơm áo gạo tiền. Hy vọng vài chục ngày đoàn viên sau một năm nhiều biến động vừa qua sẽ giúp những đứa con xa nhà luôn nhớ một điều đơn giản nhưng thấm thía: “Tết là để về nhà”.