Tình hình COVID-19 hiện giờ vẫn còn diễn biến phức tạp lắm bà con ạ. Cho nên khu vực nào đã được phủ vắc-xin đến hầu hết người dân thì yên tâm. Tuy nhiên nói thế không có nghĩa bà con chủ quan, quên đi nguyên tắc 5K phòng dịch.

Ngày nào theo dõi báo chí cũng thấy số ca nhiễm tại TP.HCM trên 1.000. Nhiều bà con chia sẻ khi họ phát hiện mình nhiễm bệnh, trở thành F0 thì báo với cơ sở y tế, hy vọng được hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, trái với niềm mong mỏi đó, có người gặp tình huống nhân viên y tế sợ khi thấy bà con là F0, nên bà con lo lắng. Thậm chí có trường hợp lo ngại lây nhiễm nên có bệnh viện từ chối tiếp nhận. Gặp tình huống này thì phải giải quyết như thế nào?

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Chính phủ. 

Trước mắt, bà con cần hiểu rằng, hiện tại TP.HCM cho phép F0 được cách ly và điều trị tại nhà khi có đủ điều kiện. Đó là khi F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Đồng thời, tại nhà có đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện cách ly.

Tuy nhiên, có một số nhóm là F0 có thể phải xem xét đưa đi cách ly tập trung là người có bệnh nền, người béo phì… để đề phòng bệnh tình diễn biến xấu.

Các trường hợp cách ly và điều trị tại nhà sẽ cần phải nhập viện điều trị khi có chuyển biến nặng. Tuy nhiên, nếu gặp tình huống bệnh viện từ chối tiếp nhận thì phải làm gì?

Theo bài đăng trên trang Zing News em đọc được, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hầu hết các bệnh viện đều phải tiếp nhận tất cả người bệnh, từ đó sàng lọc xem người đó có nhiễm bệnh COVID-19 hay không. Theo quy định, các bệnh viện, cơ sở y tế đều phải có bộ phận tiếp nhận phân luồng, sàng lọc COVID-19. Thậm chí có một số bệnh viện phải thành lập khoa hoặc khu điều trị COVID-19 để tiếp nhận hoặc chuyển tiếp F0 đến cơ sở điều trị.

Gặp tình huống bệnh viện từ chối tiếp nhận F0, bà con có thể liên hệ đường dây nóng của bệnh viện. Trong trường hợp vẫn không thể liên hệ được thì gọi vào đường dây nóng của Sở Y tế TP.HCM là 096 777 1010. Đường dây nóng này được trực 24/24 do Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phụ trách.

Phía Sở Y tế TP.HCM cho biết họ khá ngạc nhiên khi nhận được phản ánh có nhân viên y tế tỏ ra sợ hãi khi thấy F0 vì hơn 1 năm qua, hầu hết nhân viên y tế bất kỳ chuyên khoa nào đều phải tham gia phòng chống dịch nên vốn dĩ họ đã quá quen thuộc với việc tiếp xúc F0. Vậy nên khi gặp tình huống cá biệt này thì phải gọi lên Sở Y tế TP.HCM để phản ánh và được giải quyết.

Trước đó, ngày 19/11/2021, Sở Y tế đã quán triệt với lực lượng y tế là bệnh viện xanh không phải là bệnh viện không có COVID-19, mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng tiếp nhận, điều trị F0, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tất cả các bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh. Đứng trước bối cảnh hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã kích hoạt lại Tổ điều phối chuyển viện do Thanh tra Sở Y tế và Nghiệp vụ Y phụ trách. Đồng thời thiết lập các Trạm Y tế lưu thông và các cụm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng ứng phó với các ca bệnh nặng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Người Lao Động và VnExpress. 

Cũng thông tin thêm cho các bệnh viện nếu gặp khó khăn trong việc chuyển viện, đề nghị chủ động liên hệ số 098 940 1155 để được hỗ trợ.

Cách đây không lâu em từng chia sẻ đến với bà con rằng, để đảm bảo quyền lợi sức khỏe cho bà con, nhà chức trách đặt ra yêu cầu, nếu F0 điều trị tại nhà bị bỏ rơi thì sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ y tế. Cụ thể trách nhiệm ra sao cũng cần phải xem từng hành vi cụ thể.

Nói để cho bà con biết, khi cách ly và điều trị tại nhà, nếu thấy không ổn và bệnh tình có dấu hiệu chuyển nặng thì cần liên hệ ngay bệnh viện. Trong trường hợp họ từ chối tiếp nhận mình thì cũng biết cách để giải quyết vấn đề, kẻo nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của mình.