Không chỉ những công nhân và người lao động chân tay gặp khó khăn trong thời điểm trước tết nguyên đán khi hầu hết các công ty giảm giờ làm, giảm nhân sự mà các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng không kém. Nhân viên kinh doanh bất động sản thất nghiệp, kỹ sư xây dựng bị giảm lương vào thời điểm cuối năm, rơi vào cảnh khó khăn về kinh tế, đành lỗi hẹn với gia đình trong những ngày đoàn viên.
Tận dụng những ngày Tết để kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống là cách mà một số bạn bè thích ứng với tình hình khó khăn của bản thân. Đọc về những người trẻ nỗ lực làm thêm trong dịp Tết khi mọi gia đình đang sum họp trên TTO mà cảm thấy có phần cảm thông và ngưỡng mộ.
Theo đó, anh Thế Hưng (29 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) vẫn rất sốc khi đột ngột bị mất việc. Đã có thời gian 5 năm làm nhân viên kinh doanh lĩnh vực bất động sản, Hưng vẫn chưa tin khi một buổi sáng đầu tháng 10, trong lúc chuẩn bị đi làm thì nhận được quyết định cho thôi việc. Lý do được công ty đưa ra là gặp khó, buộc cắt giảm nhân sự.
"Biết công ty khó khăn, mình chia sẻ bằng việc đồng ý giảm lương, nhưng cho nghỉ đột ngột quá nên trở tay không kịp", anh Hưng cho biết.
Các công việc thời vụ lương cao dịp Tết được các bạn trẻ lựa chọn - Ảnh: TNO
Anh Hưng tích cực gửi CV đến nhiều chỗ nhưng đến nay anh vẫn chưa có công việc mới. Tết đến nơi nhưng anh lại cảm thấy xa vời vợi bởi lúc này chỉ tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống cũng đủ chật vật. "Tôi vẫn đang nhờ vào hai tháng lương công ty đền bù vì đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bao lần tính về quê mà không đủ can đảm, Tết này chắc phải ở lại", anh Hưng chia sẻ.
Trong khi đó, là kỹ sư xây dựng từng nhận lương cả ngàn USD mỗi tháng nhưng Lê Văn Nhân (28 tuổi, TP Thủ Đức) vẫn đang phân vận giữa 2 lựa chọn: nên ở lại TP.HCM chạy xe ôm hay về Huế đón Tết cùng gia đình. Tuy chưa bị thất nghiệp như một số đồng nghiệp khác nhưng thu nhập của Nhân hiện đã giảm hơn 50%.
Nhân nhẩm tính vé bay khứ hồi Huế - TP.HCM lúc này chừng 8 triệu đồng, tiền gửi bố mẹ và các em mua sắm Tết, quà cáp... khiến Nhân cảm thấy khó nghĩ. "Giảm lương cũng tạm chịu, nhưng công ty đã nợ hơn ba tháng lương và vẫn hẹn, chưa biết có trả được trước Tết không. Với tình hình này, tôi đang định Tết ở lại TP chạy xe ôm", Nhân ngậm ngùi.
Các bạn trẻ dễ tìm được việc làm thêm trong dịp Tết - Ảnh: TNO
Một số bạn trẻ xem thời điểm Tết là cơ hội kiếm thêm thu nhập. Với anh Trường Sơn (25 tuổi, TP Thủ Đức), Tết là lúc kiếm tiền. Anh đang cùng lúc vừa làm nhân viên bảo trì hệ thống điện nước cho một khu chung cư, vừa tài xế xe ôm công nghệ. Khi các đồng nghiệp từ chối trực Tết, Sơn lại xung phong đăng ký trực. Xuyên suốt trong bảy ngày Tết (27 tháng chạp đến mùng 3 Tết), mức lương anh nhận được là 350% so với những ngày thường.
Sau ca trực 8 tiếng, thời gian còn lại Sơn bật app chạy xe công nghệ. "Giá vé máy bay từ đây về Nghệ An ngày Tết tốn tiền lắm, đi xe thì chen chúc và không an toàn nên tính sau Tết xin nghỉ phép về thăm cha mẹ sau. Đang một mình nên ở lại cũng dễ, sau này vợ con chắc không như thế được", anh Sơn chia sẻ về kế hoạch làm Tết của mình.
Không về quê đón Tết cùng gia đình nhưng chàng trai 25 tuổi này vẫn chăm lo Tết cho gia đình một cách chu đáo, ứng trước lương để gửi về 6 triệu đồng để mẹ mua sắm Tết, hoa quả dâng ông bà tổ tiên, mua quần áo mới cho các em. Có lẽ đối với anh, gia đình đón Tết đủ đầy thì anh cũng cảm thấy yên lòng trong những ngày làm việc xuyên Tết.
Có lẽ với sự năng động của bản thân, các bạn trẻ dễ tìm cách thích ứng khi bị cho nghỉ trước trước tết hơn những người đứng tuổi. Vốn độc thân chưa vướng bận gia đình, các bạn trẻ không quá khó khăn với các chi phí sinh hoạt hàng ngày, không quá lo nghĩ khi đón Tết xa và và dễ tìm kiếm các công việc thời vụ vốn được trả lương cao trong dịp tết để bớt các gánh lo về kinh phí. Chỉ mong rằng sau thời gian nghỉ Tết, tình hình các công ty, doanh nghiệp sẽ hoạt động ổn định để người lao động yên tâm về việc làm.