Là một sĩ tử trải qua rất nhiều kỳ thi trong đời học sinh, không ai là không mắc sai lầm. Đôi khi có thể trượt nhưng nó không có nghĩa là do con không chịu học mà còn bởi lý do khác.

Nhìn điểm số không như kỳ vọng của con, nhiều phụ huynh cảm thấy thất vọng, cho rằng “Con mình học mãi không vào” hay bởi “Nó không chịu chăm chỉ học hành” mà không biết rằng còn có nguyên nhân khác khiến trẻ phải nhận số điểm không mong muốn. 

Trong trường hợp này, nếu người lớn quá nóng vội khép tội cho trẻ mà không chịu bỏ thời gian tìm hiểu lý do thật sự bắt nguồn từ đâu thì chắc chắn sự can thiệp thô bạo tiếp theo sẽ gây ra tác dụng ngược. 

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: kknews

Mặt khác, có nhiều phụ huynh muốn giúp đỡ con mình để cải thiện điểm số tốt hơn nhưng sợ lời nói không khéo lại khiến con hiểu lầm là gây áp lực nên rất khó xử.

Anh Minh (Bình Tân), có con học lớp 8 tâm sự: “Học tiểu học, điểm số con tôi toàn xuất sắc nhưng lên cấp 2 thì thấp dần. Gần đây, tôi còn phát hiện điểm Toán của con chỉ được 5, 6. Tôi có giúp con sửa bài kiểm tra cô giáo phát. Thật lòng, rất muốn giúp con nhưng tôi không giỏi ăn nói. Thấy học sinh dạo này nhạy cảm với chuyện cha mẹ nhắc nhở học hành nên tôi càng ngại mở lời. Tôi rất sợ con tôi hiểu sai ý, lại trách tôi gây áp lực. Có con càng lớn càng đau đầu, không biết phải làm sao cho tốt.”

Thật ra, cha mẹ quan tâm đến chuyện học hành của con là tốt, còn tốt hơn nhiều với cha mẹ bỏ bê con cái, muốn ra sao thì ra. 

Với cách xét tuyển đầu vào các cấp và cách tuyển sinh đại học như hiện nay, một bảng điểm đẹp là điều mà phụ huynh nào cũng quan tâm. 

Một học sinh đạt điểm xuất sắc 9, 10 ở cấp tiểu học thì không có nghĩa lên cấp hai, cấp Trung học cơ sở, các em cũng sẽ đạt điểm tương đương như vậy như một lẽ dĩ nhiên. 

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Nhịp sống Việt

Có nhiều nguyên nhân cho chuyện này, chẳng hạn:

- Trẻ chưa quen với việc tự học, vốn là cách học ở các cấp lớn hơn.

- Ý thức tự giác chưa cao khiến trẻ trở nên thụ động với cách dạy của giáo viên.

- Khối lượng kiến thức cần tiếp thu tăng cao với nhiều bộ môn và đòi hỏi khắt khe hơn.

- Trẻ bị điểm thấp thường xuyên nếu không có người phân tích, hướng dẫn sẽ bị nghi ngờ về khả năng của mình, thiếu tự tin và sa sút tinh thần học tập.

… và còn nữa những lý do các chuyên gia giáo dục thường đưa ra phân tích. Nhưng có lẽ, dù không phải vấn đề mới mẻ gì nhưng phụ huynh và cả giáo viên cần phải tự hỏi liệu người lớn chúng ta quan tâm điều gì khi đề cập đến điểm số của học sinh?

Nếu cha mẹ sợ con bị điểm thấp, khó ăn nói với người khác, không thể hãnh diện khoe với ai đó thì việc bàn về điểm số của con sẽ vô nghĩa. 

Nếu cha mẹ quan tâm đến chất lượng bài học, điều con học được từ các bài tập ở lớp thì đó sẽ là vấn đề cần phải bàn tới. 

Cứ cho là cha mẹ thật sự quan tâm đến việc con đã học được gì từ trong trường lớp thì theo phân tích logic, điểm không cao đồng nghĩa với việc con không tiếp thu được bài vở, không hiểu bài và bị hổng kiến thức ở đâu đó. Điều này sẽ thật sự đáng lo ngại. 

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Ettoday

Vì sao học sinh bắt buộc phải có bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm? 

Có học phải có kiểm tra, thi cử vì thông qua bài kiểm tra, học sinh thể hiện được phần kiến thức mình "tiếp thu và thực hành được", đồng thời cũng để lộ những lỗ hổng mà trẻ không theo kịp trên trường lớp. Từ chất lượng bài kiểm tra, giáo viên sẽ có những điều chỉnh kịp thời để giúp học sinh bổ sung những lỗ khuyết và phát huy điểm mạnh. 

Cũng bằng cách này, giáo viên có thể giúp học sinh của mình nắm rõ các định nghĩa, khái niệm và nhờ đó, học sinh được củng cố kiến thức, hiểu vấn đề của bài học và tìm cách thực hành để ghi nhớ. 

Nhưng, thực tế, điểm số đôi khi không nói lên được hết các vấn đề tồn đọng sau mỗi bài kiểm tra.

Học sinh thi với điểm không cao thì không có nghĩa là các em không học, không hiểu.

Một cô giáo dạy Toán đã lấy một ví dụ như sau để giải thích cho chuyện này.

Một học sinh đạt hơn 30 điểm (tính theo thang điểm 100) trong bài kiểm tra Toán và người mẹ tỏ ra rất khó chấp nhận sự thật này. Sau đó bà ấy nhận ra rằng con mình chỉ là không nhận ra câu hỏi kiểm tra có cài bẫy, vì vậy mà con chỉ có thể thực hiện phép tính cơ bản. Để kiểm tra lại nghi ngờ của mình, bà cho con mình tự làm lại bài kiểm tra ở nhà và số bài đúng đã đạt được khoảng 80%. Chỉ khi thấy con mình hiểu bài, làm được bài thì người mẹ mới an tâm phần nào, ít ra những kiến thức cơ bản con đã nắm rõ. 

Cô giáo còn kể, ở trên lớp, khi có bài kiểm tra điểm thấp, cô sẽ cho học sinh của mình làm lại bài để xác nhận xem em hiểu được bài ra sao. Đa phần, học sinh của cô đã có thể qua được các bài Toán dạng cơ bản nhất.

Trẻ nhỏ có thể bất cẩn khi đọc đề Toán hoặc sai sót ở câu tính toán. Các bé có cơ hội làm lại sẽ làm đúng thì điều đó có nghĩa là không phải các con không hiểu bài mà điểm số còn do các yếu tố khác quyết định, trong đó có cả yếu tố bị sập bẫy. 

Những năm gần đây, các bài tập Toán đã bắt đầu đi về điều cơ bản, hạn chế đánh đố, gài bẫy học sinh với những dữ liệu mập mờ, không phù hợp với thực tế cuộc sống và khiến học sinh hoang mang. 

Cô giáo này cũng đã đưa ra một ví dụ về bài Toán như thế để phụ huynh dễ hình dung như sau:

hình ảnh

Ảnh minh họa

Đề ghi: “Có 9 em học sinh tạo thành một đội bóng chày. Hỏi 8 đội như thế có bao nhiêu em học sinh?”


Các học sinh hỏi lại cô giáo: “Đội bóng chày không phải là 25 người sao ạ?”; “Người ném bóng ở đâu ạ?".

Thực tế, chúng ta phải biết trung bình một đội bóng chày thường có từ 20 – 25 cầu thủ tùy vào quy mô. Tuy nhiên, không phải tất cả các cầu thủ đều được ra sân. Có 10 vị trí quan trọng trong một cuộc thi đấu bóng chày. Có những vị trí người chơi sẽ ném bóng, đánh bóng nhưng cũng có những vị trí không đảm nhận các nhiệm vụ này. 

Như vậy, để tính được số học sinh trong 8 đội bóng sẽ là làm khó cho học sinh lớp 2 và vô hình trung, nó cản trở các em hiểu được ý nghĩa của câu hỏi và nếu để sai, các em sẽ cảm thấy mất tự tin. 


Từ ví dụ này, có thể thấy khả năng không phải là học sinh không hiểu bài hay khả năng giải quyết bài toán có vấn đề mà là trẻ gặp khó khăn do chính người thiết kế đề đã không xem xét đến tính hợp lý của nó trong thực tế. 

Nếu là một chủ đề mẹo như vậy, dù trẻ có luyện tập bao nhiêu lần cũng không thể cải thiện được, ngược lại, trẻ sẽ mất thời gian và cơ hội để thảo luận với người khác nhằm hiểu được ý nghĩa của câu hỏi có thể lặp lại trong thực tế là gì.  

Chưa kể, theo kinh nghiệm dạy học lâu năm, cô giáo này còn xác nhận mỗi học sinh học mỗi môn với một tốc độ khác nhau. Đôi khi, trẻ kiểm tra năng lực cho kết quả thấp, có vẻ như trẻ không tiếp thu được kiến thức nhưng thực chất, có thể còn nguyên nhân khác khiến trẻ bị điểm thấp. Do đó, người lớn đừng bao giờ nóng vội mà quở trách, hoặc dùng biện pháp nặng để đe nạt, sẽ gây tác dụng ngược. 

Nếu người lớn muốn cùng con sửa bài, trước hết đừng để phân tâm bởi phản ứng cảm xúc, hoặc tước đi cơ hội suy nghĩ của trẻ mà hãy để trẻ cố gắng tự giúp mình. Con đường này so với việc chỉ thẳng toẹt ngay cách giải và đáp án có thể rất chông gai và nhiều nước mắt nhưng lại là con đường duy nhất đem lại điều tốt nhất.

Nếu bố mẹ cảm thấy không thể làm được như vậy, tốt hơn hết là không nên kèm trẻ và để trẻ đến gặp trực tiếp giáo viên trong trường.

Còn nếu thấy mình làm được, hãy nhớ “chất vấn” trẻ. Phải hỏi trẻ làm sao để trẻ hiểu được ý nghĩa của câu hỏi, từ đó chỉ ra những “điểm mù” của trẻ.