Gì chứ trong tình cảm mà nhắc tới tiền bạc đôi khi hơi nhạy cảm. Có nhiều người quen nhau rồi chia tay cũng chỉ vì các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền bạc nè.

Qua nay cộng đồng mạng xôn xao chuyện một anh chàng thanh niên hào phóng mới quen cô bạn gái đã chuyển cho 5 triệu đồng để mua đồ và đi picnic cùng nhóm bạn. Tuy nhiên, xui rủi anh này lại chuyển nhầm tận 50 triệu đồng. Sau này anh giải thích lúc đó do bạn gái cứ liên tục hối thúc anh nên anh luống cuống mới chuyển nhầm.

Rồi anh gọi ngay cho bạn gái thì cô nàng than thở chưa nhận được tiền nên không biết gì. Lúc in sao kê ngân hàng cũng là lúc anh phát hiện bạn gái mất liên lạc. Biết bạn gái không trung thực nên anh tìm đến bố mẹ của cô bạn gái, nhưng nào có ngờ anh vẫn không được trả lại tiền.

hình ảnh


Ảnh: Mẹ cô gái quanh co, cho rằng bản thân không biết gì về chuyện của con gái. Nguồn: Hóng Express. 

Từ vụ việc của anh chàng này, mẹ cần rút ra kinh nghiệm gì cho bản thân khi lỡ một ngày đẹp trời nào đó, mình chuyển nhầm tiền cho người khác (dư vài số 0 chẳng hạn) thì làm thế nào để lấy lại tiền?

Thủ tục để lấy lại được tiền không phải là dễ đâu nha mẹ, thêm nữa cần phải có sự kiên trì và quyết tâm làm đến cùng. Mình thấy nhiều trường hợp rất buồn cười, lúc đầu rất muốn lấy tiền nhưng sau thấy vất vả quá, mất thời gian nữa nên nhiều người kiểu xem như bỏ luôn. Hóa ra mình làm việc công cốc.

Mẹ nhớ là luật pháp cho phép chúng ta ưu tiên biện pháp thỏa thuận, thương lượng. Nếu như chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm đã trả lại, 2 bên thương lương được thì không cần phải làm các bước dưới đây. Nhưng nếu chủ tài khoản kia nhất quyết không trả lại thì mẹ cần thực hiện theo hướng dẫn dưới đây để lấy lại tiền.

Bước đầu tiên là mẹ phải kiểm tra và chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm.

Sau đó, mẹ mang đến ngân hàng mà mình có tài khoản đã chuyển nhầm để nhờ nhân viên hỗ trợ. Tại đây, họ sẽ đưa cho mẹ mẫu đơn điền thông tin vào, rồi kiểm tra và xác nhận giao dịch nhầm.

Tiếp tục, phía ngân hàng sẽ làm việc với chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm. Trong trường hợp ngân hàng của chủ tài khoản nhận chuyển nhầm khác với ngân hàng mà bạn có tài khoản thì sẽ mất thời gian dài hơn do phải làm việc với phía ngân hàng khác để họ xử lý đối với khách hàng của họ.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

Việc liên hệ với chủ tài khoản nhận chuyển nhầm là bắt buộc, đồng thời phải kiểm tra số dư trong tài khoản của họ có đủ để hoàn trả lại không? Ngoài ra, họ phải đồng ý việc chuyển trả lại thì ngân hàng mới được phép thực hiện.

Trong trường hợp họ cố tình không trả lại dù mẹ đã áp dụng nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ thì mẹ có thể làm Đơn khởi kiện rồi gửi đến Tòa án cấp huyện nơi cư trú của bị đơn để yêu cầu trả lại số tiền theo quy định tại Khoản 1 Điều 579 của Bộ luật dân sự năm 2015, đó là người chiếm hữu và sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó…”.

Lưu ý nếu người chiếm hữu trái phép cố tình không trả lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với án phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Để tránh rủi ro chuyển nhầm tiền, mẹ cần chú ý:

- Kiểm tra số tài khoản ngân hàng của người nhận kỹ lưỡng, đặc biệt là mỗi ngân hàng sẽ có số tài khoản khác nhau, dao động từ 9 đến 14 ký tự. Thêm nữa, việc nhập số tiền chuyển, tùy theo ngân hàng sẽ có ngân hàng hiển thị đủ các số 0 theo đúng giá trị. Nhưng cũng có ngân hàng lược bớt, ví dụ như đơn vị tính là 1.000 đồng nên mẹ phải cẩn thận.

- Luôn tập trung cao độ khi chuyển tiền, tránh để tác động bên ngoài chi phối dễ chuyển nhầm.

- Một số ngân hàng có hệ thống cảnh báo hoặc chỉ cho phép mẹ thực hiện chuyển tiền thông qua ứng dụng Internet Banking với số tiền hạn chế. Trong trường hợp muốn chuyển nhiều hơn, mẹ phải ra các quầy ngân hàng để thực hiện giao dịch. Với nhiều người có thể thấy đây là quy định gây bất tiện, nhưng với mình có lẽ đó là cách hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro chuyển nhầm số tiền lớn mà thời gian giải quyết có thể kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đôi bên.