Nói chuyện mới biết nhiều người cứ tưởng mình muốn để lại tài sản thừa kế cho ai thì chỉ cần viết di chúc là xong, nhưng sự thật đâu có phải vậy đâu.

Chẳng hạn như vừa rồi em đọc được câu hỏi của ông V. kể rằng mẹ ông viết tay di chúc hồi năm 2003 nhưng không được lập trước mặt 3 người chứng thực mà chỉ được Chủ tịch UBND thị trấn chứng thực sau 03 hôm kể từ ngày viết, cho nên ông không rõ là bản di chúc ấy có được công nhận giá trị pháp lý hay không?

hình ảnh

hình ảnhẢnh chụp bản di chúc. Nguồn: Dân Trí. 

Thực tế, để di chúc được thừa nhận tính pháp lý thì cần phải đáp ứng các điều kiện theo đúng quy định. Tùy thời điểm lập di chúc mà áp dụng quy định của Bộ luật dân sự tương ứng. Như trong trường hợp nói trên sẽ phải áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995 cũng như Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực.

Theo đó, di chúc hợp pháp là di chúc đảm bảo tuân thủ đúng về mặt nội dung lẫn hình thức.

- Về mặt nội dung: Khi lập di chúc, người lập phải còn minh mẫn và sáng suốt chứ không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép nhằm lập di chúc trái với ý nguyện của mình. Đồng thời, nội dung của di chúc không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội.

- Về mặt hình thức: Không được trái với quy định của pháp luật.

Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện thì di chúc sẽ không có giá trị pháp lý được áp dụng và theo luật, tài sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.

Do đó, theo Luật sư Quách Thành Lực bản di chúc trên là không có giá trị pháp lý bởi:

- Hình thức của di chúc không đảm bảo vì nó mang tính lai tạp, vừa là di chúc viết tay, vừa được UBND xã chứng thực. Trong khi quy định, đối với di chúc viết tay thì không cần có người chứng thực và ngược lại, di chúc chứng thực thì sẽ không có chữ viết tay. Người có thẩm quyền chứng thực sẽ ghi chép lại nội dung của người lập di chúc đã tuyên bố và theo luật này không thể tồn tại song song 2 hình thức ấy được.

- Nếu xét loại di chúc được chứng thực thì cũng không đúng vì nó không được lập trước mặt người chứng thực mà phải 03 ngày sau đó mới được thực hiện. Do đó, khó có cơ sở để xác định rằng di chúc này là chữ viết và ý chí của người lập.

Ngoài ra, lời chứng thực không đúng quy định theo mẫu bởi xác nhận như trên là không có căn cứ, không dựa trên nghiệp vụ công chứng nên không có giá trị chứng thực và tất nhiên về mặt pháp lý thì không có giá trị.

- Còn về mặt nội dung do không ghi rõ và đầy đủ các thông tin như ngày tháng năm lập di chúc, họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên người hoặc cơ quan được hưởng di sản, di sản để lại và nơi có di sản, việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung nghĩa vụ. Lưu ý, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu gồm nhiều trang thì phải đánh số và ký tên hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Song, thực tế đối với bản di chúc này không có đầy đủ các thông tin nêu trên nên về mặt pháp lý không được công nhận do không tuân thủ về nội dung.

Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng đúng là di chúc này không có giá trị pháp lý, song cách giải thích hoàn toàn khác.

Bởi Bộ luật dân sự 1995 vẫn thừa nhận di chúc viết tay mà không cần có người làm chứng, tuy nhiên nội dung của di chúc vẫn phải đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu. Ngược lại, nếu cứ cho đây là di chúc viết tay có chứng thực của UBND phường, xã hoặc thị trấn thì phải tuân thủ đúng quy trình của Bộ luật dân sự 1995. Thực tế  xét theo cả 2 trường hợp đều không có giá trị pháp lý.

Nói tóm lại, bản di chúc nêu trên không có giá trị pháp lý được thừa nhận nên sẽ chia theo quy định của pháp luật. Vì vậy, căn cứ theo quy định việc chia tài sản thừa kế sẽ thực hiện sau khi định giá toàn bộ tài sản và chia đều cho các thành viên thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm cha, mẹ, chồng và con ruột, con nuôi (nếu có). Chỉ khi tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không còn thì mới tính đến chuyện chia thừa kế cho những hàng thừa kế thứ hai...

hình ảnh


Ảnh minh họa - cơ quan UBND huyện Tư Kỳ, tỉnh Hải Dương. Nguồn: Báo Giao Thông. 

Ban đầu đọc sơ qua bản di chúc, với một người bình thường nghĩ rằng có dấu mộc xác thực của địa phương là có giá trị pháp lý, nhưng xét từng vấn đề cụ thể theo quy định của pháp luật thì không. Do đó, để đảm bảo tính xác thực và tài sản thừa kế được chia theo đúng nguyện vọng của mình sau khi qua đời, tránh phát sinh các tình huống rắc rối không mong muốn về sau thì tốt nhất trước khi có ý định lập di chúc, bà con nên tìm hiểu kỹ quy định. 

Ở thời nào cũng vậy, cơ bản là di chúc phải đảm bảo đúng về mặt nội dung và hình thức, chỉ cần sai 1 trong 2 thì tất yếu di chúc không có giá trị và việc chia thừa kế sẽ thực hiện theo pháp luật, có thể sẽ không đúng với nguyện vọng mong muốn của chúng ta ban đầu. Tài sản thừa kế chia như thế nào tùy theo bản thân mỗi người cảm nhận rằng có công bằng hay không, nhưng theo em quan sát, nó chính là nguồn cơn gây ra những mâu thuẫn, tranh chấp và thậm chí là các vụ án mạng xảy ra nữa. Do đó, rất mong bà con có quyết định thận trọng trước chuyện chia tài sản thừa kế sau khi mình qua đời.