Chuyện con chung – con riêng hay con ruột – con nuôi chưa bao giờ làm chúng ta thôi đau đầu, nhất là vấn đề này có liên quan đến việc chia tài sản thừa kế sau khi bố hoặc mẹ qua đời.

Vốn quen với nếp sống cùng gia đình và sử dụng sổ hộ khẩu đã lâu, nên đa phần chúng ta đều nghĩ rằng con cái phải có tên trong sổ hộ khẩu thì mới được hưởng thừa kế. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy đâu bà con à, bởi mối quan hệ giữa cha mẹ với con (dù là con chung hay con riêng, con ruột hoặc con nuôi), giữa vợ với chồng đâu thể chỉ có sổ hộ khẩu mới chứng minh được, còn Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bằng chứng thông qua các loại giấy tờ khác nữa.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Người Lao Động. 

Nhiều bà con thắc mắc rằng, con riêng không có tên trong sổ hộ khẩu thì có được hưởng thừa kế sau khi cha hoặc mẹ qua đời không?

Việc có được hưởng thừa kế hay không thật sự không phụ thuộc vào việc có cái tên trong sổ hộ khẩu mà phụ thuộc vào các điều kiện được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể:

- Để được hưởng tài sản thừa kế do cha hoặc mẹ để lại, con riêng phải là cá nhân và phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc được sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai vào thời điểm trước khi người để lại di sản qua đời.

- Nếu hưởng thừa kế theo di chúc thì di chúc đó phải hợp pháp (bao gồm về mặt hình thức lẫn nội dung không phạm vào điều cấm của luật và không trái với đạo đức của xã hội) và được người để lại di chúc chỉ định cho hưởng thừa kế. Đồng thời, người này không từ chối nhận di sản.

Do đó, nếu cha hoặc mẹ để lại di chúc cho con riêng và người này hoàn toàn đủ điều kiện như đã đề cập thì họ được toàn quyền hưởng thừa kế.

- Trong trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng không hợp pháp thì sẽ hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Theo quy định, tài sản thừa kế bước đầu sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm cha, mẹ, vợ hoặc chồng và con ruột, con nuôi nếu họ còn sống.

Lưu ý chỉ phải chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế sau nếu như tất cả những người thuộc hàng thừa kế trước không còn sống hoặc không có quyền hưởng, bị truất quyền hay từ chối nhận di sản thừa kế.

Vậy nên, con riêng của cha hoặc mẹ nếu chứng minh được mối quan hệ cha mẹ với con bằng Giấy khai sinh hoặc bằng chứng khác thì hoàn toàn được quyền hưởng thừa kế và được xét hưởng theo hàng thừa kế thứ nhất, căn cứ quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Cũng nói thêm để bà con rõ ràng, dù là chia thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật thì các đối tượng sau đây, mặc nhiên được hưởng ít nhất 2/3 suất thừa kế theo quy định:

- Cha, mẹ.

- Vợ hoặc chồng.

- Con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc con đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên và không có khả năng lao động).

Bao năm qua, vấn đề thừa kế tài sản thường là nguồn cơn nảy sinh mọi tranh chấp và mâu thuẫn, đặc biệt là liên quan đến đất đai và nhà cửa. Nhiều bà con đứng giữa tình thế các con cãi nhau chỉ vì muốn tranh giành đất đai và nhà cửa của cha mẹ không khỏi lắc đầu ngao ngán bởi không biết giải quyết sao cho vẹn cả đôi đường.

Tuy biết rằng việc viết di chúc là thể hiện ý chí của mình đối với tài sản để lại sau khi bản thân mình qua đời, muốn sắp đặt mọi thứ trước lúc mình lìa xa thế giới này nhưng thực tế không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra theo mong muốn. Có người vì thương đứa con nghèo khó lại vất vả phụng dưỡng mẹ cha nên được chia phần nhiều hơn những đứa con có điều kiện còn lại, nhưng những đứa con ấy đâu hiểu chuyện cứ tham lam và muốn phải chia đều cho bằng được, rồi cuối cùng hậu quả xảy ra là anh chị em tương tàn, còn nhà cửa chẳng thể bán được mà ở cũng không xong vì tranh chấp khó ai dám đến mua ở hoặc sử dụng…

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Môi trường Đô thị Việt Nam và Công an tỉnh Hà Nam. 

Thế nên, tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật hiện hành về di chúc và thừa kế là điều bà con nên làm, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân mình và các anh chị em trong gia đình. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ bởi chúng ta còn cần học cách cư xử làm sao để tránh phát sinh những hiềm khích và mâu thuẫn không đáng có nữa. Nói vậy chứ khoản này khó hơn tìm hiểu quy định pháp luật về thừa kế à nha, bởi cũng có những trường hợp dù đã dĩ hòa vi quý, nhưng cây muốn lặng, gió chẳng ngừng. Nếu như tất cả anh chị em đều biết điều và nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo thì không có chuyện đau lòng xảy ra đâu.