Từ ngày 31/12 đến nay, nhiều người vẫn dõi theo vụ việc bé trai lọt vào trụ bê tông xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp. Khi có thông tin con đã không qua khỏi, mọi người không khỏi ngậm ngùi trước sự việc đau lòng, mong cơ quan chức năng sớm thực hiện các giải pháp để đưa trụ bê tông lên mặt đất.
Đến nay, các lực lượng chức năng đã thống nhất phương án khả thi và cấp bách thực hiện để kéo trụ bê tông lên trên, cẩu lớn được đề nghị điều đến nơi để hỗ trợ công tác thực hiện.
Cụ thể về thông tin này, theo NLĐ, tối 7/1, lực lượng chức năng vẫn đang cấp bách triển khai việc kéo trụ bê-tông lên khỏi mặt đất theo phương án khả thi đã được thống nhất.
Các lực lượng chức năng thực hiện giải pháp tại hiện trường - Ảnh: VNN
Tại hiện trường, các công nhân đang tiến hành đóng cọc ván thép có chiều dài 18m xung quanh trụ bê-tông. Đồng thời, tổ điều hành đang huy động, bổ sung nhân lực và thiết bị từ nơi khác đến hiện trường. Hoạt động cứu hộ vẫn diễn ra khẩn trương và tuân thủ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Trong khi đó, theo VNE, lực lượng cứu hộ đề nghị đưa thêm cần cẩu loại lớn vào hiện trường đẩy nhanh phương án kéo cọc bê tông nặng 20 tấn, sâu 35 m lên, sau khi phương án được chốt. Thông tin đưa ra tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải về phương án nhổ cọc bê tông ở dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, ngày 7/1.
Sau quá trình tìm kiếm giải pháp, ghi nhận các ý kiến, đề xuất, giải quyết những rủi ro, tỉnh đã thống nhất phương án nhổ cọc qua 11 bước do hai đơn vị thi công cầu đường uy tín của Việt Nam tiến hành. Cụ thể, công đoạn nhổ cọc có thêm hai ống vách đường kính 2 m và 1 m đóng xuống bao bọc cọc bê tông đến độ sâu 35 m, tức phải khoan thêm 20 m đất so với phương án gần nhất. Đất xung quanh lồng vách được làm mềm và hút ra bên ngoài.
Các thiết bị được đưa đến hiện trường - Ảnh: VNE
Chia sẻ về công tác thực hiện, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, cho biết phương án mới được thống nhất khi tối ưu về ba phương diện thời gian, an toàn và tận dụng thiết bị tại chỗ.
"Các thiết bị mới đang vận chuyển đến công trường và sớm thực hiện các bước trong chiều nay", ông Bảo nói và cho biết cần thêm một cẩu 80 tấn hoặc ít nhất 50 tấn bổ sung vào công trường khi hiện tại có hai cẩu 50 tấn và 35 tấn.
Những ngày qua, bố mẹ, người thân của con đã trải qua khoảng thời gian khó khăn nhất, chỉ mong con được đưa về nhà để gia đình có thể làm lễ tiễn biệt. Rất nhiều người chia sẻ nỗi ngậm ngùi cùng bố mẹ, người thân và mong muốn lực lượng chức năng sẽ sớm thực hiện các giải pháp kéo được trụ bê tông lên để con được đưa về với gia đình. Cảm thấy quá xót xa trước sự việc đáng tiếc này.