“Tôi tưởng ông ấy và cô bạn tôi đang hẹn hò còn tôi là cầu nối nên không nghĩ gì. Một lần cả 3 đi xem phim, lúc đứng đợi bạn tôi, ông ấy nhìn tôi nói: 'Anh để ý em chứ không phải để ý bạn ấy'. Nghe vậy tôi giật mình", bà Tuyền kể. 

Mỗi thời, con người ta sẽ có mỗi phong cách yêu thương khác nhau, mọi người có thấy vậy không? Bản thân tôi thấy tình yêu thời xưa rất đặc biệt. Ba tôi kể ngày quen mẹ, ba không dám nhìn vào mắt bà, ngồi cũng không dám ngồi gần. Mãi cho tới khi cưới, ba mẹ mới có nụ hôn đầu tiên. Lúc ấy, cả hai vẫn còn mắc cỡ. Không như giới trẻ bây giờ, yêu đương rất chủ động, dạn dĩ, cởi mở.

Mới đây, đọc trên Vietnamnet, tôi bắt gặp câu chuyện tình yêu thú vị của một cặp vợ chồng tham gia chương trình Tình trăm năm (tập 162). Cặp vợ chồng đó là ông Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi) và bà Trần Thị Thanh Tuyền (51 tuổi).

hình ảnh

(Ảnh: Vietnamnet)

Theo như chia sẻ của nhân vật, vào năm 1989, ông Hoàng một mình tới Buôn Mê Thuột (Dak Lak) làm trong tiệm cà phê của một người bạn. Ở đây, ông bị hút hồn bởi cô gái xinh đẹp hay đi ngang tiệm chính là bà Tuyền. Nghiệt ngã là trong khi bà Tuyền không hề hay biết có người để ý mình thì cô bạn của bà lại thầm yêu ông Hoàng.

Cô bạn ấy rủ bà Tuyền đến quán ông Hoàng làm để uống nước, kiếm cớ gặp gỡ ông. Ông cũng nhiều lần mời đôi bạn kia đi uống nước, xem phim. “Lúc đó, tôi vẫn nghĩ ông ấy và cô bạn tôi đang hẹn hò còn tôi là cầu nối nên không nghĩ gì. Một lần, cả 3 đi xem phim với nhau. Trong lúc đứng đợi bạn tôi, ông ấy nhìn tôi khẽ nói: 'Anh để ý em chứ không phải để ý bạn ấy'. Nghe vậy tôi giật mình bất ngờ. Tự nhiên, tôi cảm thấy có lỗi với bạn thân của mình", bà Tuyền chia sẻ. 

Quá khó xử, cả hai không nói gì khiến buổi xem phim hôm ấy ngập chìm trong im lặng. Sau hôm đó, ông Hoàng bắt đầu cự tuyệt tình cảm của cô bạn kia rồi chủ động đến nhà bà Tuyền chơi. Ba tháng sau buổi xem phim, cặp đôi mới chính thức yêu nhau và có nụ hôn đầu tiên. 

“Bố vợ tôi rất nghiêm khắc. Chúng tôi không được đi chơi, hẹn hò với nhau mà phải đi học giáo lý hôn nhân. Tôi nhớ hôm đó, thầy dạy giáo lý bận việc nên chúng tôi được nghỉ. Tranh thủ lúc ấy, chúng tôi đi uống cà phê với nhau. Lần đó, tôi mới mạnh dạn hôn lên trán vợ tôi bây giờ. Đó chỉ là nụ hôn trên trán thôi nhưng nó khiến cả hai thổn thức, mất ngủ 3 tháng liền”, ông Hoàng kể. 

hình ảnh

(Ảnh: Vietnamnet)

Một năm sau lễ ăn hỏi, bố ông Hoàng bệnh nặng nên gia đình giục cưới. Cưới được 1 tháng thì bố mất, ông Hoàng về nhà vợ ở rể. Tiếp đó 1 năm thì ông bà sinh con đầu lòng trong nỗi vất vả. Cụ thể, bà Tuyền ốm nghén tận 9 tháng thai kỳ nên mọi thứ đổ dồn lên vai ông Hoàng gánh vác.

Chưa hết, bà Tuyền còn trở dạ giữa khuya, lúc chồng chở tới điểm sinh thì đã muộn, nhân viên về nhà hết nên ông đành cùng bà mụ tự tay đỡ đẻ. Trải nghiệm đó khiến ông không thể nào quên và cảm thấy trân trọng người phụ nữ của mình hơn.

Dù rất yêu thương nhau nhưng cuộc sống vất vả khiến hôn nhân của ông bà cũng gặp không ít sóng gió, cãi vã. Trong đó, khoảng thời gian vợ sinh hai người con đầu là khoảng thời gian họ hay cãi nhau, thậm chí nhiều lần đòi ly hôn, đã viết đơn ly dị. Rất may là khi nguôi cơn giận, họ đều chịu khó ngồi lại tâm sự, làm lành. Đến khi con cái lớn lên lập gia đình, thỉnh thoảng họ vẫn được bố mẹ gọi điện thông áo chuyện đang giận nhau và chuẩn bị ly hôn.

Vợ chồng sống với nhau không khỏi có lúc xô bát xô đũa đúng không mọi người? Quan trọng là sau những lần ấy, mỗi người đều biết nhường nhịn nhau, bao dung cho nhau, thấu hiểu nhau và càng thấy thêm trân quý nhau hơn chứ không phải là đường ai nấy đi.

Ai cũng biết rằng những lời cãi vã, đòi ly hôn của ông Hoàng và bà Tuyền chỉ là lời buông ra trong lúc giận dỗi mà thôi. Trong suốt 32 năm qua, dù họ có xích mích, đòi này đòi nọ nhưng thực tế lại chưa thể sống xa nhau dù chỉ 1 ngày. Như vậy, đủ hiểu họ thương nhau và cần nhau nhiều như thế nào.