Gia cảnh nghèo khó, Lenny đã bắt đầu đi làm kiếm tiền từ khi học cấp 3 để nuôi ước mơ du học của mình, có đêm chỉ ngủ 2 tiếng.

Lỗ Tấn có một câu “trên đường thành công không có bước chân của kẻ lười biếng”. Không phải ai sinh ra cũng được ưu ái ngậm thìa vàng, bỏ xa vạch xuất phát. Có những đứa trẻ sinh ra trong gia đình khó khăn, thiếu cha thiếu mẹ, phải đi lên bằng chính nỗ lực bản thân, cố gắng gấp đôi, gấp ba người khác.

Nếu lười biếng, chán nản, sớm bỏ cuộc thì những đứa trẻ không được cuộc đời ưu ái đó mãi mãi bị chững lại trong cuộc sống khó khăn. Chỉ có siêng năng, cố gắng hết mình mới mong có cơ hội đổi đời, bước ra khỏi vũng lầy của nghèo khổ, thua kém.

Lenny chính là một tấm gương dành cho các em học sinh về sự vượt khó vươn lên, dám ước mơ, dám chịu cực khổ. Có ước mơ du học nhưng ý thức được gia đình khó khăn, nam sinh đã đi làm từ cấp 3. Em làm đủ thứ nghề, cực khổ mấy em cũng chịu được. Vì em tin mọi gian nan của em đều sẽ không lãng phí. Lenny muốn chia sẻ chính câu chuyện của mình để tạo động lực cho các học sinh khó khăn. Hãy tin vào bản thân và nỗ lực hết mình để theo đuổi ước mơ.

hình ảnh

Lenny (thứ nhất từ phải sang) và các bạn cùng lớp tại Stanford. Ảnh: sohu

Câu chuyện của nam sinh nhà nghèo vượt khó, tự kiếm gần 7 tỷ đi du học em xem được trên trang nước ngoài. Nam sinh này có cái tên là Lenny, có thành tích vô cùng nổi bật. TOEFL đạt điểm tuyệt đối, GPA 95 điểm, SAT đạt 1510 điểm, 6 bài thi AP trong đó 4 bài đạt 5 điểm bà 2 bài 4 điểm.

Lenny thích diễn xuất từ ​​khi còn là một đứa trẻ. Ở trường trung học, em đã nhận được học bổng tham gia khóa học biểu diễn mùa hè của Đại học Yale. Em muốn tiếp tục học về diễn xuất và đạo diễn. Nhưng em không có tiền và bất kỳ nguồn lực hỗ trợ nào.

Do đó, em lấy điện thoại để ra ngoài quay phim phỏng vấn những người làm từ thiện. Bộ phim tài liệu "Dawning" của em đã giúp những người được phỏng vấn gây quỹ từ thiện. Với lý lịch tuyệt đẹp này, Lenny đã nhận được lời mời từ hàng loạt các trường đại học nổi tiếng. Gồm Đại học Stanford, Trường Điện ảnh USC, Đại học Northwestern Qatar, UC Berkeley và UCLA.

Lựa chọn của em là Stanford và em đã trở thành sinh viên năm nhất tại đây vào tháng 9/2022 vừa rồi. Tuy nhiên, để đến được ngôi trường mơ ước này, Lenny đã phải vượt qua những khó khăn, tự mình đi kiếm gần 7 tỷ học phí. Nghe qua thật sự nể phục tinh thần quyết tâm vươn lên của em.

Em không được số phận ưu ái nên có cơ hội em sẽ quyết giành lấy

Lenny lớn lên với ông bà, gia đình khó khăn. Việc nuôi cháu học bình thường đã không dễ dàng với ông bà, chứ đừng nói đến việc cho cháu ra nước ngoài du học. Từ cấp 3, em đã bắt đầu đi làm để kiếm tiền và trang trải mọi chi phí của mình.

Em mở một quầy hàng rong ở Đền thờ Thần thành phố, đi dạy thêm tiếng Pháp ở trường mẫu giáo, dịch tài liệu tiếng Pháp, phát tờ rơi. Có những lúc khó khăn nhất, em chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày.

hình ảnh

Ảnh: sohu

Em nói mình không phải là người được số phận ưu ái nên khi có cơ hội, em sẽ cắn răng chịu đựng, quyết giành lấy cơ hội đó. Nhưng cơ hội đến Standford cỉa em thật sự quá xa vời, khi học phí của nó là hai triệu tệ, tính ra tiền bên mình là gần 7 tỷ.

Lớn lên với ông bà từ khi còn nhỏ, Lenny không thể mong đợi điều gì xa hoa về điều kiện vật chất. Các bạn trong lớp và bạn bè xung quanh đều có sự hỗ trợ của cha mẹ để giúp làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng Lenny, đôi khi ngay cả học phí cũng là một vấn đề.

Lenny lúc ở tiểu học và trung học cơ sở đều ổn, học phí cũng không quá đắt. Nhưng học phí trung học lại đội lên rất cao, cộng thêm việc phải chuẩn bị nộp hồ sơ vào đại học, sinh hoạt phí, các bài thi chuẩn hóa, học phí đại học, cái gì đụng đến cũng phải có tiền.

Em bắt đầu thử nhiều cách khác nhau để làm việc và kiếm tiền. Bắt đầu từ những công việc như đã kể ở trên. Em đã cố gắng rất nhiều, miễn là em có cơ hội, miễn là em có thể thì em sẽ nhận làm hết. Cho đến khi em ấy bắt đầu thử đi dạy tiếng Anh.

Từ lúc THCS, Lenny đã đạt trình độ IELTS 7.5, em nghĩ dạy tiếng Anh là ý tưởng hay. Mỗi buổi tối sau khi đi học về, em sẽ phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm 1- 4 tiếng. Sau đó em sẽ đến quán cà phê để dạy khoảng 1 tiếng, chuyên về luyện nói.

hình ảnh

Ảnh: sohu

Để có chỗ dạy, em gọi một tách cà phê hoặc một miếng bánh ngọt ở quán và dạy ngay tại đó. Tuy nhiên, lúc đó Lenny mới chỉ là học sinh trung học, gương mặt non nớt, lại đang vào thời kỳ phá giọng dậy thì. Để lấy lòng tin có thể làm gia sư tiếng Anh thật sự rất khó.

Mặt khác, vì chưa có kinh nghiệm xã hội nên em cũng đã nhiều lần bị lừa. Có người không trả tiền sau buổi học, có người chặn hết không thể liên lạc được. Những lúc như vậy em luôn tự trách bản thân. Những người mà Lenny gia sư tiếng Anh là bạn bè cùng trang lứa, thậm chí có cả học sinh lớn hơn, sinh viên đại học, có cả người đi làm.

Em đã rất lo lắng, để chuẩn bị cho 1 tiếng dạy học, em phải chuẩn bị trước cả một tuần. Để khiến bản thân trở nên “hoàn hảo” và tăng độ tin cậy, chính em cũng học không ngừng nghỉ, ghi nhớ hàng trăm thứ trong đầu. Để chỉ cần người học hỏi là em biết để trả lời ngay.

Công việc khó khăn đã được đền đáp, ngày càng có nhiều sinh viên tin tưởng, mức học phí đã tăng từ 170 nghìn/giờ lên 510 nghìn/giờ. Sau hai năm dạy học, cộng với năm đầu tiên phát tờ rơi, em đã kiếm được tổng cộng khoảng 90.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là giọt nước bỏ biển với học phí ở Standford.

Lenny nói: “Đó là ba năm thực sự đau khổ, không có tương lai trong tầm mắt, không thấy đâu cả”. Những năm đó, sáng nào cũng dậy lúc 6 giờ, đến trường học đến 16 giờ rồi đến quán cà phê dạy học trực tuyến. Đến 21 giờ mới tan học, về nhà làm xong bài tập đã 1, 2 giờ sáng. Sau đó em lại chuẩn bị bài dạy kèm tiếng Anh đến 3 giờ sáng rồi mới đi ngủ. 6 giờ em lại dậy, ăn cơm với ông bà rồi đi học.

Có lúc em mệt mỏi, không biết mình có thể chịu được bao lâu nữa. Nói thật chứ em nể cậu bé này quá. Người lớn còn khó có thể kiên trì mấy tháng như vậy chứ đừng nói 3 năm. Đằng này em còn quá nhỏ, mới chỉ là một học sinh cấp 3.

Nhưng chính học bổng khóa diễn viên trại hè ở Yale đã giúp em lấy lại động lực kiếm tiền đi du học. Là người nước ngoài duy nhất ở đó, ban đầu em không dám nói và phải đọc đi đọc lại lời thoại của mình nhiều lần. Nhưng chính hành trình đầy thử thách này đã giúp em thoát khỏi sự bối rối. Và đặt ra một mục tiêu vững chắc muốn trở thành một diễn viên chuyên nghiệp.

Lenny chân thành tâm sự rằng do hoàn cảnh gia đình đặc biệt và sự nuôi dạy ông bà nên em bị hạn chế trong nhiều việc. Em không đủ khả năng đến những nơi mà các bạn cùng lứa tuổi đến và nhiều ngôi trường tốt đã bỏ lỡ.

Nhưng diễn xuất khiến em cảm thấy tự do, có cơ hội trải nghiệm một cuộc sống khác khi trong thực tại ai cũng bảo em là không thể. Sau khi về từ trại diễn xuất, em không về nhà ngay mà đi tìm một văn phòng nhỏ với tất cả số tiền em còn lúc đó, khoảng tháng 5/2020.

hình ảnh

Ảnh: sohu

Với tất cả sức lực của mình và kinh nghiệm trước đó, trong nửa năm đầu tiên làm việc tại văn phòng này, Lenny đã kiếm được 200.000 - 300.000 nhân dân tệ (tương đương gần 700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng).

Sau đó, cô vi ập đến, nhiều giáo viên khó tìm việc làm nhưng với Lenny thì trở thành món quà. Trước đó, lo lắng vẻ ngoài non nớt, em thường trốn sau màn hình máy tính dạy trực tuyến. Giờ đây, em như vịt gặp nước, có thể dùng thế mạnh dạy trực tuyến khi ai cũng phải ở nhà.

Nội dung giảng dạy được mở rộng dần từ IELTS, TOEFL sang SAT và AP. Từ năm ngoái 2021, em đã trở thành chuyên gia tư vấn du học cho các bạn cùng trang lứa. Cuối cùng, sau tất cả mọi khó khăn, em đã tự tin nói rằng “mọi người xem đi, học phí Stanford gần 7 tỷ, em cũng kiếm được rồi”.

Đủ kiểu mắng mỏ em nói dối chuyện kiếm được gần 7 tỷ

Những năm tháng khó khăn đã tôi luyện Lenny có một tính cách đặc biệt. Em luôn là người nghiêm khắc nhất với bản thân và là người dịu dàng nhất với người khác. Em muốn chia sẻ câu chuyện nỗ lực của mình để động viên các bạn khó khăn khác cùng vươn lên.

Nhưng khi bài viết của em đăng lên mạng, bắt đầu dồn dập có những câu hỏi về tuổi tác, khả năng, kinh nghiệm kinh doanh. Họ cho rằng em bốc phét, dối trá, không ai tin một đứa mới tốt nghiệp cấp 3 đã kiếm được gần 7 tỷ. Đủ kiểu mắng mỏ, hạ bệ em, phủ nhận mọi cố gắng, hy sinh của em trong suốt mấy năm trời.

Các học trò của Lenny cũng lên tiếng chứng minh nhưng chẳng ăn thua. Em còn an ủi họ bảo không sao, mạng xã hội là vậy, mọi người chỉ tin những gì họ muốn tin. Dù như vậy, suy cho cùng em cũng mới chỉ là đứa trẻ tốt nghiệp cấp 3, làm sao có thể không buồn.

hình ảnh

Ảnh: sohu

Em đã từng nghĩ gia cảnh khó khăn, nghĩ đến việc học ở một trường bình thường. Nhưng em đã quyết tâm theo đuổi ước mơ để khẳng định mình. Dù chỉ mới là học sinh tốt nghiệp cấp 3 nhưng em đã có một tâm hồn chin chắn. Đôi khi em cũng muốn sống chậm lại. Em gặp khó khăn trong việc tự hòa giải với chính mình, cứ thích khó khăn với chính mình và tự khiến mình kiệt sức.

Tuy nhiên, một giáo viên tại Trường hè Yale đã nói với Lenny rằng sự nhạy cảm là một món quà. Em có thể đau khổ nhiều hơn người khác, nhưng nhờ đó, em cũng dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn người khác.

Để xua tan những cảm xúc tiêu cực khi bị mắng mỏ, Lenny quyết định nghỉ 1 năm để chăm sóc ông bà trước khi nhập học. Trong thời gian này, em đưa ông bà đi chu du khắp nơi, ước tính phải 100 chỗ xa gần. Nhờ đi nhiều nơi, tư tưởng cởi mở, em đã mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh.

Ban đầu em ấy dạy tiếng Anh IELTS, nhưng sau đó đã bắt đầu làm công việc tư vấn du học cho các bạn cùng lứa tuổi. Rất nhiều bạn được tư vấn đã nhận được lời mời nhập học từ các trường đại học hàng đầu như Yale, Northwest, Cornell.

Dù câu chuyện trưởng thành của Lenny có hơi “huyền thoại” nhưng rất đáng nể phục. Vì một chàng trai mới lớn vừa tròn 20 tuổi có thể làm được điều này chính là nguồn cảm hứng, tấm gương cho hội con nhà nghèo vượt khó.

Thử thách mới nhưng quyết không bỏ cuộc

Sau khi vào Stanford, thử thách mới thực sự bắt đầu. Người ta thường nói rằng đi du học Mỹ phải hy sinh một trong các thứ là học hành, giao tiếp xã hội và giấc ngủ. Đặc biệt là ở một học viện hàng đầu như Stanford, cường độ học tập thật sự rất cao.

hình ảnh

Ảnh: sohu

Chỉ là Lenny không bỏ cuộc, chăm chỉ thực hiện những kế hoạch của riêng mình. Em biết rõ bản thân không có thế mạnh về khả năng học tập. Do đó, em sẽ không bắt ép mình phải có tất cả điểm A. Nhưng em sẽ dành 5 – 6 tiếng để làm bài tập, tự học mỗi ngày.

Em cũng tích cực giao lưu với các bạn cùng lớp trong môi trường quốc tế. Giấc ngủ được đảm bảo đủ để não bộ hoạt động bình thường vào ngày hôm sau. Em vẫn dành 3 tiếng mỗi ngày để dạy tiếng Anh trực tuyến. Đi du học, ngoài số học phí gần 7 tỷ em kiếm được, vẫn còn quá nhiều thứ để chi tiêu.

Em cũng thừa nhận thời gian gần đây gặp rất nhiều áp lực. Vừa phải thích nghi với cuộc sống mới, phải có trách nhiệm với lớp trực tuyến. Lại còn nhớ ông bà già cả ở quê, nhưng không có nhiều thời gian để gọi về nhà. Tuy nhiên, em cũng nhanh chóng điều chỉnh tâm trạng, bỏ qua sự cô đơn nơi xứ người.

Trong thế giới của Lenny, luôn luôn có cách để giải quyết mọi khó khăn. Với những thành tích và kinh nghiệm còn rất trẻ như vậy, Lenny thường được học sinh hỏi rằng làm sao có thể đạt được nhiều như vậy? Bí quyết quản lý thời gian là gì?

Lenny chỉ nói không có cách nào cả. Khi thực sự muốn hoàn thành điều gì đó nhưng lại lâm vào ngõ cụt, tự nhiên bản thân sẽ biết phải làm thế nào. Tuy nhiên, ở Stanford, một nơi đầy những nhân tài, Lenny đôi lúc vẫn không tự tin. “Hầu hết họ đều giỏi hơn tôi, và tôi là người kém đặc biệt nhất ở Stanford ”.

Tuy nhiên, khi đang trò chuyện, một người bạn cùng lớp đã nói với Lenny rằng: "Bạn giỏi thật đấy! Tôi đã nghĩ mình phải học rất lâu ở Stanford mới có thể trở thành một người như vậy. Không ngờ các bạn cùng lớp với tôi đã làm được điều đó rồi".

Những lời này đã động viên Lenny rất nhiều. Mặc dù em đã phải đi đường dài hơn những người khác một chút, nhưng cuối cùng, họ đã đến cùng một nơi. Em chia sẻ rằng những người bình thường như em cũng có thể có một vị trí. Do đó, đừng từ bỏ, em có thể làm được thì các bạn cũng có thể.

Mong rằng câu chuyện về Lenny sẽ là nguồn động lực cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang nỗ lực từng ngày thay đổi cuộc sống của mình. Dù con đường học tập có khó khăn ra sao, nhiều lúc tưởng chừng như muốn từ bỏ thì các em cũng phải cố gắng vượt qua. Quả ngọt nhất là quả được hái từ cây nỗ lực, chứ không phải cây may mắn.