Trong căn phòng trọ cộng đồng, Phan Ánh Tuyết (26 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) tranh thủ ít phút nhàn rỗi hiếm hoi để xếp cho gọn lại mấy trái dừa tươi vừa được người dân gửi tặng. Phía góc phòng, cô em gái của Tuyết chăm chú học online.

 Tuyết cho biết, gần một tháng nay, hai chị em “trốn” gia đình lên quận Tân Phú (TP.HCM) để làm tình nguyện viên chống dịch. Và, đó là cả một quá trình cả hai dày công thuyết phục ba mẹ.

Mỗi tối, khi cả nhà ăn cơm, gia đình tôi thường bật tivi để xem tin tức. Tôi đợi đến đoạn tivi phát tin tức về sự vất vả trong công tác chống dịch để nói: “Mẹ thấy đó, phải chi có thêm 2 chị em con đi nữa sẽ giúp được cho biết bao nhiêu người”.

hình ảnh

Hai chị em Tuyết, Hương thuyết phục cha mẹ để được đi làm tình nguyện viên (Ảnh: VietNamNet)

Sau đó, Tuyết và Hương lên kế hoạch lấy niềm tin của mẹ mẹ bằng cách cho bà tiếp cận nhiều hơn với công việc ý nghĩa của các tình nguyện viên. Cả hai sử dụng tài khoản mạng xã hội của mẹ tham gia vào nhóm tình nguyện viên mà hai chị em đang hoạt động.

Hương nói, trên những nhóm này, các tình nguyện viên chia sẻ rất nhiều kỷ niệm vui, buồn, công việc nhân văn, xúc động trong quá trình tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Cả hai cố gắng sử dụng tài khoản cá nhân của mẹ để thích, tương tác với những bài viết cảm động.

Sáng hôm sau, tôi thấy mẹ có vẻ khác lạ. Bà không còn quá gay gắt với ý định cho tôi đi tham gia chống dịch nữa. Thấy vậy, chúng tôi lập tức trấn an ba mẹ: “Không sao đâu. Con cũng đi rồi và đến bây giờ vẫn bình an. Chúng con được tập huấn hết rồi. Sau đó, tôi xuống bếp nấu cơm rồi sau đó lấy xe, ba lô quần áo đi luôn”, Tuyết kể.

Lần đi này của Tuyết rơi vào thời điểm dịch bệnh tại TP.HCM đang bùng phát dữ dội nên cô quyết định không trở về nhà. Tuyết ở trọ rồi được hỗ trợ vào ở trong phòng trọ cộng đồng khang trang, thoải mái.

hình ảnh

Sự năng động của hai cô gái trẻ làm nhiều người cảm phục (Ảnh: VietNamNet)

Lúc này, ở nhà, Hương cũng bắt đầu nhớ những ngày cùng chị hỗ trợ tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm. Cô sinh viên năm nhất quyết định rời nhà, đến ở với chị để tham gia chống dịch. Tuy nhiên, Ánh Tuyết đã “bỏ nhà” đi chống dịch, ba mẹ Hương không muốn cô cũng theo chân chị.

 “Tôi phải thuyết phục rồi đợi lúc mẹ đi vắng, xin phép ba để mang sách vở, quần áo lên ở với chị. Hơn một tháng nay, tôi vừa học online, vừa làm tình nguyện viên chống dịch”, Hương chia sẻ. Biết ba mẹ lo lắng, mỗi ngày, hai chị em đều gọi điện, quay video gửi về gia đình. Cả hai cố gắng cho ba mẹ thấy hai chị em vẫn khỏe, được chăm lo chu đáo, an toàn.

Tuy vậy, họ không bao giờ cho ba mẹ thấy hình ảnh mình tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Tuyết nói: “Tôi sợ ba mẹ lo lắng rồi gọi cả hai về. So với những công việc khác, việc lấy mẫu xét nghiệm ban đầu khiến chúng tôi khá lo lắng. Bởi, nhiều lúc chúng tôi phải lấy mẫu cho các F0 nên nguy cơ lây nhiễm rất cao”.

hình ảnh

Rời gia đình, Ánh Tuyết chuyển tới nhà cộng đồng để tiện sinh hoạt (Ảnh: VietNamNet)

Trong khi đó, Hương phải tự cân bằng giữa việc học đại học và việc tham gia chống dịch. “Từ những ngày đầu, khi đi làm tình nguyện viên, chúng tôi đã xác định sẽ gặp những trường hợp như vậy nên không nao núng. Điều khiến chúng tôi sợ và ám ảnh hơn cả là khi thực hiện những cuộc gọi mà ở đầu dây bên kia vang lên câu trả lời: “Cô, chú ấy mất rồi”, Tuyết nói thêm.

Tuyết kể, đó là khi cô thực hiện các cuộc gọi mời người cao tuổi đi tiêm vắc xin. Cầm danh sách trên tay, Tuyết lần lượt bấm máy gọi. Đầu dây bên kia vang lên tiếng nhạc chờ hoặc những tiếng “tút tút” kéo dài.

Sau vài giây, Tuyết nhận được câu trả lời: “Cô, chú ấy mất rồi” khiến cô sửng sốt, xót xa. Tuyết nói: “Đó là sự khốc liệt của đại dịch. Có lần, tôi gọi một loạt số điện thoại trong danh sách và đều lần lượt nhận những câu trả lời là người tôi gọi đã qua đời vì dịch bệnh”.

“Sau những cuộc gọi nặng nề ấy, mỗi khi cầm danh sách số điện thoại trên tay, tôi lại sợ. Tôi sợ những câu trả lời ấy và những tiếng “tút” kéo dài không ai trả lời. Đến bây giờ, khi nhắc lại, tôi vẫn cảm thấy rất xót xa”, cô gái nói thêm.

hình ảnhTuyết Hương phải tự cân bằng giữa việc học đại học và việc tham gia chống dịch (Ảnh: VietNamNet)

Lặng nghe những tâm sự của hai chị em về công tác chống dịch, cảm thấy vừa mừng vui lại vừa buồn tủi. Mừng là bởi thế hệ trẻ ngày nay hoạt động năng nổ, nhiệt huyết, không hề sợ hãi hay nao núng khi xông pha vào tuyến đầu. Nhưng buồn là bởi trong tâm dịch, có nhiều câu chuyện quá đỗi bi thương.

Như Tuyết đã nói, ám ảnh với những người trẻ đang làm công tác tình nguyện lúc này, không phải là nắng mưa của thời tiết, không phải là giọt mồ hôi tuôn như suối trong bộ đồ bảo hộ, hay những đêm chạy trực không một giấc ngủ ngon.

Với họ, sự sợ hãi lúc này chính là không kịp cấp cứu cho người dân, không kịp tiêm vắc xin cho những người đang ở độ tuổi cấp bách. Là những người vừa mới gặp ngày hôm trước, hôm kia, thậm chí là hôm qua nhưng hôm nay chẳng còn tồn tại trên trần thế.

Dẫu vậy, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, sinh lão bệnh tử không thể nào tránh khỏi. Nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, chúng ta hãy xem những bạn trẻ như Tuyết, như Hương là động lực, là năng lượng để vượt qua đại dịch.

Và một lần nữa, cũng xin cảm ơn gia đình các bạn, dù rất thương và lo cho con, nhưng mẹ cha không ngăn cấm, không chỉ trích, ngược lại còn dần ủng hộ và cổ vũ các con hết mình. Đó là tinh thần đoàn kết, đầy cao đẹp và ấm lòng.

Sau cùng, chỉ mong đại dịch sớm qua mau, để mọi thứ lại trở về bình ổn, để những nỗi đau và mất mát không còn kéo dài, tiếp diễn. Bởi giờ đây, hầu như ai cũng đã mệt nhoài.

Nguồn: VietNamNet