Ý nghĩa của giáo dục giới tính với trẻ dậy thì sớm

Trẻ dậy thì sớm khi có những biểu hiện cơ thể của dậy thì: tăng vọt chiều cao, xuất hiện lông ở bộ phận sinh dục, nổi mụn, phát triển tuyến vú và xuất hiện kinh nguyệt ở trẻ gái, bộ phân sinh dục to ra ở trẻ trai,… xuất hiện sớm hơn so với các bạn đồng trang lứa (trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam).

Đối với các trẻ này, việc giáo dục giới tính lúc này không chỉ có tác dụng giúp trẻ bảo vệ bản thân trong bối cảnh lạm dụng tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, mà còn giúp trẻ thích nghi tốt hơn với những thay đổi ngoại hình và sinh lý, tránh được những hệ quả lâu dài về mặt tâm lý. Do đó, giáo dục giới tính là rất cần thiết, đối với cả trẻ gái lẫn trẻ trai.

Giáo dục giới tính theo từng độ tuổi

Việc giáo dục giới tính có thể bắt đầu từ rất sớm. Tùy giai đoạn nhận thức của trẻ, ba mẹ sẽ giới thiệu dần dần các khái niệm liên quan đến giới tính và dậy thì.

  1. Giai đoạn trước tuổi đi học (2 – 5 tuổi)

Ở giai đoạn này, ba mẹ có thể giúp trẻ gọi tên và biết “công dụng” các bộ phân cơ thể theo đúng thực tế (ví dụ, “tử cung là chỗ con ở trong bụng mẹ trước khi sinh ra”). Ngoài ra, ba mẹ giúp trẻ hiểu giữa nam và nữ có những bộ phân giống nhau và khác nhau, và như vậy là bình thường.

Đây cũng là lúc giới thiệu khái niệm về “vùng kín” của thân thể: có những bộ phận cơ thể không được để cho ai thấy hay đụng chạm. Trẻ phải tôn trọng “vùng kín” của người khác và người khác cũng phải tôn trọng “vùng kín” của trẻ. Trẻ có quyền với thân thể của mình: không ai, kể cả cha mẹ, có quyền đụng chạm cơ thể trẻ nếu trẻ không muốn (trừ khi bác sĩ khám bệnh); trẻ có quyền lên tiếng khi cảm thấy khó chịu, và tuyệt đối không giữ bí mật về các đụng chạm thân thể (nhất là “vùngkín”).

  1. Giai đoạn đi học, trước dậy thì (5- 8 tuổi)

Lúc này ba mẹ có thể trao đổi sơ lược với trẻ về dậy thì: những dấu hiệu cơ thể cho thấy trẻ đang chuyển thành người lớn. Quá trình thụ tinh, mang thai cũng có thể được giới thiệu đơn giản: “Con sinh ra khi tinh trùng từ ba trứng của mẹ hòa với nhau. Con ở tử cung trong bụng mẹ và chào đời sau 9 tháng 10 ngày”.

Ba mẹ giúp trẻ phân biệt giữa tình yêu, tình bạn và tình cảm gia đình – thông qua chia sẻ và những câu chuyện. Giải thích với trẻ: trẻ sẽ được trải nghiệm tình yêu khi lớn– nhưng đó là chuyện khi trẻ trưởng thành và không dành cho trẻ hiện tại.

  1. Giai đoạn dậy thì (9-12 tuổi)

Đây là giai đoạn ba mẹ hướng dẫn trẻ thích ứng với các biến đổi dậy thì (kinh nguyệt, mộng tinh, mọc râu, mụn trứng cá, mùi cơ thể, trang phục,..). Trẻ có thể bắt đầu tò mò các vấn đề về giới tính, ba mẹ nên chủ động trao đổi, để trở thành nguồn kiến thức “chính thống” cho trẻ. Ba mẹ có thể chia sẻ, thông qua các câu chuyện, để nói cho trẻ biết về đặc điểm mối quan hệ tình cảm lành mạnh và tôn trọng, vấn đề hôn nhân, mang thai; cho trẻ biết về bệnh lây truyền qua tình dục; dạy cho trẻ tự bảo vệ bản thân, chống quấy rối tình dục và sơ lược về các điều luật liên quan.

Giúp trẻ đối mặt với dậy thì sớm

hình ảnh

1. Ba mẹ cần nhấn mạnh cho trẻ rằng những biến đổi cơ thể mà trẻ gặp phải không phải bất thường. Các bạn cùng tuổi khác cũng sẽ trải qua những biến đổi tương tự, chỉ có điều trẻ trải qua những biến đổi này sớm hơn.

hình ảnh

2. Ba mẹ nên xây dựng không khí nói chuyện thoải mái, cởi mở. Lắng nghe ý kiến và hiểu biết của trẻ về vấn đề. Thay vì đơn giản trả lời “đúng” / “sai”, ba mẹ nên đưa ra ý kiến, lời khuyên và giải thích vì sao như vậy tốt hơn cho trẻ.

3. Ba mẹ cần thể hiện sự tôn trọng sự riêng tư và bí mật của trẻ. Tuyệt đối không phán xét, tỏ ra hoảng loạn, giận dữ về những gì mà trẻ chia sẻ.

4. Hãy trả lời thành thật bằng những từ ngữ phù hợp với trẻ. Đừng ngần ngại thừa nhận khi không biết câu trả lời chính xác. Đây là cơ hội để cùng trẻ khám phá câu trả lời.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.education.vic.gov.au/Documents/school/teachers/teachingresources/social/physed/tshparents.pdf
  2. https://www.heysigmund.com/kid-needs-know-age-age-guide-sex-education/
  3. https://bvndtp.org.vn/giao-duc-gioi-tinh-theo-lua-tuoi-tam-ly-tre-em/